Doanh nghiệp bán lẻ: Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến
Cùng với sự lên ngôi của bán lẻ trực tuyến và thương mại diện tử thì thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến.
Kinh doanh trực tuyến lên ngôi
Trong bối cảnh dịch Covid bùng phát khiến cho tình hình kinh tế cũng như nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh. Đặc biệt thực hiện các chính sách giãn cách xã hội càng làm cho doanh thu của các DN bán lẻ bị giảm sút. Trong bối cảnh này, các DN bán lẻ đang đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến đồng thời tích cực nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh nhằm thích ứng với tình hình mới.
Ngay trong những ngày đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng và tại một số bệnh viện lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của các DN bán lẻ. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021 ước tính đạt 46,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 243,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 164,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng mức và tăng 11,3% (doanh thu lương thực, thực phẩm tăng 8,7%; hàng may mặc tăng 11,9%; xăng, dầu tăng 15,9%; nhiên liệu tăng 23,8%).
Theo nhận định của các chuyên gia, dưới tác động của dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến sức mua của người tiêu dùng giảm dẫn đến doanh thu của ngành bán lẻ cũng có xu hướng giảm trong thời gian tới. Chính việc cắt giảm chi tiêu của số đông người lao động khi họ phải nghỉ việc do dịch bệnh bùng phát dẫn tới thu nhập bị giảm sút chính là nguyên nhân tác động và ảnh hưởng tới ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào của các DN, nhất là các mặt hàng phải nhập khẩu cũng gây nhiều khó khăn cho DN bán lẻ. Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các DN thuộc nhóm ngành bán lẻ cho hay, gần 42% DN chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% DN bị tác động ít, không đáng kể. Trong bối cảnh đó, hầu hết các DN bán lẻ đẩy mạnh các hình thức kinh doanh trực tuyến, nhất là tham gia vào các sàn TMĐT và trở thành kênh bán hàng mang lại hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm và xu hướng người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà. Hành vi người dùng thay đổi cũng đã tác động đến hoạt động các DN.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Vecom cho biết, dịch Covid đã tác động lớn tới DN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử. Từ đầu năm 2021 đến nay, các DN thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến, doanh số bán lẻ trực tuyến cũng tăng lên. Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực như bán lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến... Đặc biệt lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Thanh toán trực tuyến đột phá
Cùng với sự lên ngôi của bán lẻ trực tuyến và TMĐT thì thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, trong đại dịch Covid-19 lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hiện các ngân hàng đã phát hành số lượng lớn các loại thẻ, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên hơn 100 triệu thẻ. Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81%. Trong năm 2020, sản lượng giao dịch thanh toán trực 11 tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tăng trưởng khá tốt so với năm 2019 với sản lượng giao dịch tăng khoảng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%. Còn theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý I/2021 so với quý I/2020. Tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh của các ví điện tử cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020 số lượng giao dịch của ví điện tử hàng đầu Việt Nam là MOMO đạt hơn 403 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt khoảng 14 tỷ USD. Cả số lượng và giá trị giao dịch đều tăng trên 3,5 lần so với năm 2019. Hơn nữa, trong đại dịch nhưng số lượng người dùng đăng ký ví điện tử này đạt 23 triệu, tăng gần 2 lần so với 2019. Đáng chú ý là đối với cả ba tiêu chí chủ chốt là số lượng người dùng, giá trị và số lượng giao dịch thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70%, tất cả các tỉnh còn lại chiếm 30%. Mặc dù thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh, đặc biệt là qua hình thức ví điện tử, nhưng theo ước tính của Vecom tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt (COD) cho mua lẻ hàng hoá trực tuyến vẫn ở mức cao khoảng 80%.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh sự gia tăng đáng kể của thanh toán không tiếp xúc, thanh toán QR Code và ví điện tử, số liệu của Visa cho thấy chi tiêu cho thương mại điện tử cũng tăng lên. Trong thời gian tới, các DNNVV trong ngành bán lẻ cần nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh, cùng lúc đảm bảo các kênh thanh toán được bảo mật và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, Visa Việt Nam cam kết hỗ trợ DN thông qua nhiều chương trình kinh doanh thiết thực nhằm tăng cường hiệu quả vận hành, hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững.
Theo đại diện Vecom, trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các DN bán lẻ tại Việt Nam khắc phục những khó khăn trong việc phát triển kênh bán lẻ trực tuyến, Vecom sẽ phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị, DN thông qua những chia sẻ từ việc xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp, quảng cáo cho DN nhỏ, tăng trưởng kinh doanh với mô hình bán lẻ, giải pháp thanh toán trực tuyến cho người kinh doanh trong thương mại điện tử… nhằm hỗ trợ DNNVV, hộ kinh doanh cá thể thúc đẩy kinh doanh trực tuyến hiệu quả. Đây là cơ hội rất lớn cho các DN bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận