Đô thị Hà Nội đang và sẽ thông minh hơn
Triển khai các dịch vụ thuế điện tử; Đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; Thí điểm giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt bằng thiết bị GPS; Thí điểm và mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking); Ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19… Đây là một số ví dụ về sự thông minh của đô thị Hà Nội và cũng những kết quả ban đầu trong nỗ lực xây dựng đô thị
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở TT&TT, cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng ĐTTM của Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của ĐTTM.Quyết tâm của chính quyền
Theo đó, những năm qua, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn thành phố. Hà Nội đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G).
Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai.
Thành phố triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…
Điển hình, Hà Nội đã chủ động phát triển và công bố ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giúp người dân phản ánh, kiến nghị về y tế, góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.
Tháng 10/2019, Hà Nội đã động thổ dự án ĐTTM tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, thuộc huyện Đông Anh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển, với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD.
Trong đó, dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh, gồm năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.
Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự kiến, toàn bộ 5 giai đoạn của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.
Khát vọng về phát triển ĐTTM tiếp tục được thể hiện rõ trong đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng phát triển và vận hành ĐTTM hiệu quả, hiện đại.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng xác định rõ: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, ĐTTM, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế...
Nỗ lực chung tay của cộng đồng
ĐTTM là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn và cần nguồn lực rất lớn, từ con người đến tài chính... Do vậy, bên cạnh quyết tâm của chính quyền thì sự chung tay của cộng đồng xã hội rất quan trọng.
TS Nguyễn Nhật Quang -Viện trưởng Viện Khoa học - công nghệ Vinasa cho rằng việc huy động các nguồn lực từ xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia phát triển ĐTTM là vấn đề có tính chất “sống còn”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội thì cho rằng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, Hà Nội cần phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Trong khi đó, ông Đỗ Công Anh - Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) thì cho rằng việc triển khai các dịch vụ thông minh rất cần sự sáng tạo và tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó vai trò của địa phương (đối tượng trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ ĐTTM) và các doanh nghiệp công nghệ số hết sức quan trọng. Ngoài các yếu tố về hạ tầng, nền tảng và công nghệ, dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển ĐTTM và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, lĩnh vực liên quan để sẵn sàng mở và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển ĐTTM.
Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, Hà Nội cần tập trung kết nối, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn cùng vào cuộc, cùng đồng hành, tham gia tích cực vào hoạt động khoa học, công nghệ, hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô thông minh, hiện đại.
Ngoài ra, thành phố cũng cần tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học lớn trên địa bàn Thủ đô để triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, xây dựng chính quyền... của Thủ đô theo hướng thông minh bền vững.
Với tiềm lực, lợi thế sẵn có, với quyết tâm của chính quyền và sự chung sức của cộng đồng, Hà Nội chắc chắn sẽ xây dựng thành ĐTTM với bản sắc riêng, bền vững trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận