menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Tuấn

Đô thị 4.0 kiểu mẫu

Trung tâm IOC Thừa Thiên - Huế được ví như trái tim của đô thị thông minh, vừa đoạt giải Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại Telecom Asia Awards 2019.

Một kênh cảm biến xã hội

Người dân thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế kể cho nhau nghe câu chuyện bà Nguyễn Thị Mười bị mất trộm 100 bó củi. Khoảng 6 giờ sau, khi các anh công an đến nhà làm việc và bàn giao lại số củi bị mất, thì bà mới biết, kẻ trộm đã bị camera an ninh ghi lại. Khi bà Mười hô hoán mất trộm, người dân thôn Liên Bằng trích xuất camera an ninh, phát hiện một người đàn ông bốc vội 100 bó củi chất lên xe tải, rồi nhanh chóng rời khởi hiện trường. Hình ảnh tư liệu được gửi về Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên - Huế bằng đường truyền internet và đơn vị này đã gửi toàn bộ thông tin, hình ảnh vụ việc đến cơ quan chức năng. Công an thị xã Hương Trà xác định ngay thủ phạm.

Một clip ghi lại cảnh nhóm người ngang nhiên tổ chức cúng bái rồi rải vàng mã xuống sông Hương. Nhận hình ảnh từ người dân sử dụng điện thoại ghi lại được, Trung tâm IOC đăng tải lên website Đô thị thông minh qua kênh tương tác khiến dư luận bất bình. Công an thành phố Huế vào cuộc xác minh người rải vàng mã và ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Vụ việc được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 35 trường hợp vi phạm về các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, thói quen thả vàng mã, lễ vật cúng bái xuống sông Hương gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và phản cảm.

Sau 6 tháng thử nghiệm, Trung tâm IOC cấp tỉnh đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng smartcity với việc triển khai 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh đã có tác động tích cực. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền bằng smartphone hoặc qua website của IOC, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý, người dân có thể giám sát quá trình xử lý đến khi ra kết quả cuối cùng. Ngoài ra, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera sẽ chuyển dữ liệu về trung tâm để phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm. Trung tâm kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý.

Nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nâng ép giá du khách… nhanh chóng được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định pháp luật thông qua các thông tin, hình ảnh được người dân phản ánh. Hay như tình trạng gây tai nạn giao thông bỏ trốn, nếu như trước đây rất khó khăn trong việc truy tìm người gây ra tai nạn thì nay, thông qua hệ thống camera và hình ảnh người dân cung cấp, công an đã lần theo dấu vết, đưa các đối tượng ra ánh sáng. Tương tự, nếu như trước đây người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần chụp ảnh gửi đến Trung tâm IOC để chính quyền các cấp được tương tác, xử lý.

“Mắt thần” giám sát mọi hoạt động

Trung tâm IOC Thừa Thiên - Huế được ví như "trái tim" của đô thị thông minh, vừa đoạt giải Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại Telecom Asia Awards 2019. Văn phòng Trung tâm IOC rộng hơn 100m2, có 16 người làm việc, nhưng lại được xem là “mắt thần” giám sát mọi hoạt động tại Thừa Thiên - Huế. Ở bàn chỉ huy trung tâm, mở màn hình một số camera đặt ở điểm cao tại thành phố Huế, bất kỳ mọi chuyện đang xảy ra trên địa bàn thành phố Huế đều nhìn thấy rõ.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế giải thích, chỉ khi cần phải phối kiểm mới “nhìn” bằng mắt, còn lại tất cả đều được giám sát và nhận diện lỗi vi phạm, thống kê, phân tích bằng công cụ thông minh. Hiện các sở, ngành, địa phương đều sử dụng công cụ thống nhất được đầu tư tại IOC (như Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng Hue-S, ứng dụng Hue-G) để vận hành dịch vụ thông minh của ngành theo cơ chế phân quyền, chia sẻ. IOC sẽ phối hợp các ngành để tích hợp các dịch vụ thông minh cơ bản trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường... theo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh đến năm 2020, định hướng 2025. Để “mắt thần” mở rộng phạm vi và hiệu quả giám sát, các dịch vụ cơ bản đô thị thông minh triển khai từ năm 2019 sẽ hoàn thiện theo hướng nâng cấp toàn diện, với quan điểm “lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp là động lực và nhà nước kiến tạo”.

Trung tâm IOC cùng với việc tập trung giám sát các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, còn thường xuyên trích xuất hình ảnh cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra trong các lĩnh vực giao thông, an ninh… Công cụ giám sát quan trọng nhất của “mắt thần” này là hệ thống cảm biến với 182 camera chất lượng được kết nối cùng với hơn 300 camera của các phường, xã, hồ đập thủy điện và các cơ quan nhà nước. Hệ thống camera này sử dụng hạ tầng, giải pháp phân tích hình ảnh dùng chung, đường truyền, hệ thống lưu trữ tập trung, giải pháp quản lý camera tập trung tại IOC.

“Điểm sáng” và “mô hình rất thực tế” là những cụm từ được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá khi đến thăm Trung tâm IOC mới đây. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, chúng tôi sẽ lấy mô hình này để học hỏi và chia sẻ thông tin khi có những kết nối giữa chính quyền và địa phương. Còn theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, mục tiêu của lãnh đạo tỉnh là chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, nghĩa là phải cải cách hành chính tốt. Nhưng để cải cách hành chính tốt không có giải pháp nào hay hơn là ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết vấn đề cho công dân, tổ chức. Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là xây dựng thương hiệu, không chỉ cho hợp với xu thế thời đại mà còn hướng đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả