Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chỉ chiếm 1,9% tại thị trường EU 27
Dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho EU 27 nhưng so với nhu cầu thì lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp.
Mới chỉ chiếm 1,9% tổng lượng nhập khẩu
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, EU 27 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2020 đạt 6,94 triệu tấn, trị giá 18,73 tỷ Eur (tương đương 22,1 tỷ USD), tăng 0,2% về lượng và giảm 0,8% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Ba Lan chiếm 26,2%; Trung Quốc chiếm 11,8% tổng lượng nhập khẩu của EU 27 từ tất cả các thị trường.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho EU 27, lượng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2020 chỉ chiếm 1,9% tổng lượng nhập khẩu của EU 27 từ tất cả các thị trường.
Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU 27 nhập khẩu trong năm 2020, với tỷ trọng chiếm 51% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ EU 27 nhập khẩu. Ba Lan, Trung Quốc, Ý, Đức, Litva là những thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn cho EU 27.
Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU 27 nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2020 thì mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, đạt 69,24 nghìn tấn, trị giá 205,76 triệu Eur (tương đương 242,8 triệu USD), giảm 6,2% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với năm 2019. Tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất nhà bếp.
Cơ hội từ EVTA
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 43,3% so với tháng 3/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 61,5% so với tháng 3/2020. Trong 3 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2021. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhận định chung về tình hình nhập khẩu gỗ của EU từ thị trường Việt Nam, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong khối EU các quốc gia quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Anh, Đức, Pháp. Kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU.
Riêng đối với đồ gỗ nội thất, EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối như: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với các nguồn cung từ khu vực nhiệt đới, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu.
Là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 do người tiêu dùng EU đang có xu hướng giảm mua những mặt hàng không thiết yếu để ưu tiên cho thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Các nhà bán lẻ đồ nội thất tham gia các kênh phân phối trực tuyến sẽ thích nghi tốt hơn với khủng hoảng. Đây cũng sẽ là kênh phân phối chiếm ưu thế trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất tại EU.
Các chuyên gia nhận định, so với nhu cầu thì lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp, vì vậy vẫn còn nhiều cơ hội để ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ đẩy mạnh xuất khẩu vào EU 27. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam vào thị trường EU 27 trong thời gian tới.
Đảm bảo tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu là một trong những "nút thắt" lớn để sản phẩm gỗ hưởng ưu đãi từ EVFTA. Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong giá thành sản phẩm gỗ, nguyên liệu gỗ chiếm khoảng 35%, còn lại là các chi phí về vật liệu phụ trợ phục vụ cho sản phẩm gỗ. Việt Nam về cơ bản có thể đáp ứng các quy định về xuất xứ với gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc tìm kiếm nguồn nhập khẩu phù hợp đối với các vật liệu phụ trợ như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất… để có thể tận dụng các ưu đãi về thuế khi thực thi Hiệp định EVFTA.
Nếu không có Hiệp định EVFTA, ngành gỗ Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh tại thị trường EU do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc… Cùng với đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) là Hiệp định bổ sung cần thiết cho EVFTA, góp phần mở rộng thị trường EU và các thị trường xuất khẩu khác. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận