Đo dư địa của “cổ chứng”
Định giá chung nhóm cổ phiếu chứng khoán được nhìn nhận ở vùng không quá hấp dẫn. Chưa kể, trong ngắn hạn, nhóm này đang chịu áp lực từ việc thị trường đi ngang trong biên độ hẹp, với thanh khoản thấp.
Lợi nhuận quý III phân hóa
Tính đến cuối tuần qua, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, với sự phân hóa rõ nét về kết quả kinh doanh.
Suốt quý vừa qua, thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực, với việc chỉ số VN-Index đi ngang trong biên độ hẹp, thanh khoản thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Nếu các công ty chứng khoán thuộc Top thị phần môi giới như SSI, HCM, VCI vẫn duy trì được đà tăng trưởng thì nhóm công ty chứng khoán nhỏ hơn lại ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận như EVS, PHS…
Mức tăng trưởng ba con số trong quý III/2024 với các công ty chứng khoán khá hiếm, nhưng vẫn xuất hiện. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (ORS) báo lãi 166 tỷ đồng trong quý III, tăng 132% so với cùng kỳ; hay Công ty Chứng khoán LPBank báo lãi 33 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 273% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một số công ty chứng khoán suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, như Chứng khoán Vietcombank (VCBS) báo lãi 164 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2023; Chứng khoán KIS đạt 132 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 27% so với cùng kỳ; Chứng khoán FPT đạt 103 tỷ đồng lợi nhuận, giảm gần 50% so với cùng kỳ; Chứng khoán BSC đạt 94 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 38% so với cùng kỳ...
Theo ông Võ Minh Chiến, Trưởng phòng Phân tích ngành ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lợi nhuận quý III/2024 của khối công ty chứng khoán chưa có nhiều đột biến, ảnh hưởng bởi một số yếu tố: Thứ nhất, mảng tự doanh bị ảnh hưởng bởi VN-Index tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp, từ 1.250 - 1.300 điểm; thứ hai, mảng môi giới, cho vay ký quỹ bị ảnh hưởng bởi giá trị giao dịch bình quân giảm và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tổng lợi nhuận trước thuế nhóm chứng khoán trong quý III/2024 ước đạt trên 7.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước nhưng giảm gần 15% so với quý liền trước.
Trên sàn, thị giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự phân hóa nhất định, khi những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, dư nợ cho vay margin tăng hay có câu chuyện tăng vốn có diễn biến tích cực hơn.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Vietinbank cho biết, hiện tại, mức định giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tương đương mức trung bình giai đoạn 2020 - 2023. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhóm cổ phiếu này là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền, khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh kể từ đầu tháng 10 dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận mảng môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu này cũng sẽ đối diện với nền so sánh khá cao của quý IV/2023 - thời điểm toàn thị trường chính thức tạo đáy dài hạn.
Chờ VN-Index bứt phá ngưỡng 1.300 điểm?
Trong giai đoạn vừa qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến không tích cực hơn thị trường chung. Cơ hội khi đầu tư cổ phiếu chứng khoán được nhìn nhận sẽ chỉ thực sự rõ ràng nếu VN-Index có sự bứt phá về điểm số ra khỏi vùng 1.300 điểm và thanh khoản có sự cải thiện đáng kể.
Nhìn nhận về những động lực tăng trưởng dài hạn hơn của ngành, ông Chiến cho rằng, mặc dù có nhiều điểm tích cực mới nhưng sự đột phá chưa rõ nét. Thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2025 sau khi bài toán pre-funding được tháo gỡ, tuy nhiên một điều khá quan trọng là, thị trường đang thiếu hàng hoá mới, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, để có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài như kỳ vọng.
Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt, về mặt định giá, nhóm ngành chứng khoán đang giao dịch ở mức P/B 1,64x - so với mức 1,74x của VN-Index. Như vậy, định giá P/B nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn thấp hơn khoảng 6% so với thị trường chung. Nếu cộng thêm yếu tố tăng trưởng, P/B forward của nhóm này thấp hơn khoảng 10% so với mặt bằng chung. Như vậy, nếu nhìn về cơ hội, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn hấp dẫn, còn dư địa tăng trưởng, nhờ vào các yếu tố: Thứ nhất, xu hướng vận động của chỉ số VN-Index sẽ tích cực hơn ở giai đoạn cuối năm 2024 khi chỉ số VN-Index kỳ vọng có thể chạm và vượt ngưỡng 1.300 điểm.
Các động lực chính hỗ trợ cho đà tăng trưởng này, theo ông Dũng, có thể kể đến như mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, giúp hỗ trợ dòng tiền đẩy vào các tài sản tài chính rủi ro hơn; kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực và khối ngoại đã giảm dần lực bán ròng kể từ cuối quý III đến nay sẽ hỗ trợ điểm số. Việc VN-Index dự báo tăng trưởng sẽ hỗ trợ cho cổ phiếu ngành chứng khoán do nhóm cổ phiếu này có beta cao và thường có diễn biến sát với thị trường.
Chuyên gia BVSC dự báo, nhóm công ty chứng khoán sẽ tăng trưởng trong các năm tiếp theo, đến từ cả các yếu tố thanh khoản, điểm số thị trường, nhu cầu ở thị trường vốn và thị trường nợ... Ngoài ra, quy định về giao dịch NPS (cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước) chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 và kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025 cũng sẽ là xu hướng hỗ trợ tăng giá cho nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Ông Võ Minh Chiến cho rằng, P/B trung bình của ngành chứng khoán đang ở mức 1,9 lần, cao hơn mức P/B trung bình 5 năm và hầu hết P/B của các công ty trong ngành đều cao hơn mức trung bình 5 năm. Vì vậy, cơ hội đầu tư chỉ nằm ở một số cổ phiếu riêng lẻ trong khối và theo từng giai đoạn kết quả kinh doanh.
Dư địa tăng trưởng của ngành chứng khoán, theo ông Chiến, sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của ngành trong những quý tiếp theo. Trong khi hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán được nhìn nhận tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn sắp tới, dựa trên triển vọng chung của thị trường, động lực đến từ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 -7%, chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì, tín dụng đang được thúc đẩy ra nền kinh tế, việc nâng hạng thị trường hay sự ấm lên của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và M&A. Các công ty chứng khoán có nền tảng phục vụ khách hàng doanh nghiệp lâu năm sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng dòng vốn của khối ngoại.
Cũng phải nhìn nhận thêm, nhóm cổ phiếu chứng khoán vốn có hệ số beta cao, do đó, sẽ có diễn biến rất tích cực khi thị trường chứng khoán thiết lập xu hướng lên mạnh. Hiện tại, ngưỡng tâm lý 1.300 điểm đã được thử thách nhiều, nếu VN-Index bứt phá lên trên vùng 1.300 điểm và bước vào một cơn sóng tăng điểm thì cũng sẽ tạo ra một cơ hội đầu tư tiềm năng cho nhóm cổ phiếu chứng khoán. Ngược lại, khi thị trường giảm sâu, sẽ có những cổ phiếu được đưa về mặt bằng định giá rẻ và hấp dẫn, tạo cơ hội mua vào tốt cho các nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận