DN Nhật lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả khảo sát lần thứ 33 về thực trạng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại Dương năm tài chính 2019. Trong đó, tỷ lệ DN làm ăn có lãi và bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất khu vực.
Tin tưởng đầu tư tại Việt Nam
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát của JETRO từ 858 DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, có tới 65,8% DN làm ăn có lãi hoặc không lỗ. 63,9% DN phản hồi rằng có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Mặc dù những con số này giảm so với năm 2018, nhưng theo đại diện JETRO, Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu trong khu vực.
“Đây là dấu hiệu tích cực về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh suy giảm chung của toàn cầu trong năm 2019”, ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện có tới 54% DN Nhật Bản đang tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tỷ lệ này tăng cao hơn so với năm 2018 (47%).
Về lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản, theo kết quả khảo sát của JETRO, Việt Nam có 2 lợi thế lớn nhất là quy mô thị trường và tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định. Có 3 yếu tố vốn được cho là rủi ro trong năm 2018 thì sang năm 2019 đã được cải thiện là hệ thống pháp luật, hệ thống thuế và thủ tục hành chính.
Tuy vậy, theo JETRO, vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một số yếu tố vốn được cho là lợi thế thì năm 2019 lại sụt giảm, khiến nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại. Đó là chi phí nhân công và việc tuyển dụng nhân sự. DN Nhật Bản cho rằng, họ sẽ khó tuyển lao động hơn so với những năm trước và đây là một trong những rủi ro đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá cao kết quả khảo sát của JETRO, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đánh giá của DN Nhật Bản cho thấy một bức tranh tổng thể về xu hướng mở rộng đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam và phần lớn đều tin tưởng vào việc đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ DN có lợi nhuận duy trì ở mức cao. Các DN ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Thủ tục về thuế có bước cải thiện đáng kể...
Sở dĩ Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn vì môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam tích cực tham gia hội nhập quốc tế và đã ký kết nhiều FTA. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh khi chọn đầu tư tại Việt Nam để xuất khẩu ra bên ngoài. Làm ăn cùng các DN Nhật Bản, DN Việt Nam cũng từng bước được nâng cấp, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Tăng tốc cải thiện tỷ lệ nội địa hóa
Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn vì môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam tích cực tham gia hội nhập quốc tế và đã ký kết nhiều FTA. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh khi chọn đầu tư tại Việt Nam để xuất khẩu ra bên ngoài.
Một trong những vấn đề được các DN Nhật Bản quan tâm là tỷ lệ nội địa hóa nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam của các DN Nhật Bản đạt khoảng 36%, không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Trong đó, chỉ có 13,6% là thu mua trực tiếp từ chính DN Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản tại Thái Lan là 60 - 70%.
Mặc dù nhìn vào bản đồ thay đổi tỷ lệ nội địa hóa trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có sự cải thiện qua từng năm, nhưng theo ông Takeo Nakajima, sự tăng trưởng của Trung Quốc, Thái Lan mạnh mẽ hơn nhiều.
Từ đó, ông Takeo Nakajima nhận định, việc kiểm soát và quản lý chuỗi cung ứng sẽ gặp khó khăn nếu như tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam vẫn tăng thấp như hiện nay. Mặc dù tỷ lệ DN Nhật Bản mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc không cao, nhưng những tác động từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DN để tạo lòng tin và giảm chi phí cho DN Nhật Bản.
Phản hồi với đề xuất này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam đã và đang có nhiều chương trình hành động cụ thể về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó có đề cập đến việc cần phải tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ trong xây dựng và thực thi chính sách; hỗ trợ DN nhỏ và vừa, lập Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa… Việc tăng cường tổ chức đối thoại, kết nối giữa các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT với các ngành hàng (điện tử, nhựa, cơ khí, bao bì…), tập đoàn lớn cũng cho thấy những hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, một trong những đề xuất mới trong quá trình soạn thảo Luật DN, Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là ưu đãi đầu tư hướng tới DN có hoạt động kết nối với DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm CNHT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận