DN bia rượu hậu giãn cách: Người giậm chân tại chỗ, kẻ say lỗ 8 năm
Cùng kinh doanh dòng sản phẩm cốt lõi là đồ uống có cồn, thế nhưng số phận của 3 doanh nghiệp đầu ngành bia rượu Việt Habeco, Sabeco và Halico lại cách biệt rõ rệt.
Hiện nay, với sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, độ phủ rộng của vắc-xin, ngành dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại sau thời gian dài hoạt động cầm chừng được nhận định sẽ giúp tăng tiêu thụ sản lượng đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, ngành sản xuất kinh doanh bia rượu vẫn gặp những thách thức chung như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hoá, cước vận tải tăng,… do sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu nước giải khát Việt Nam ̣(VBA), tại Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” đã cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 cùng với sự ảnh hưởng của Nghị định 100 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019.
Thêm vào đó, gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh.
"Giá nguyên liệu tăng phi mã điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40-50%, các nguyên liệu khác như hoa Houblon, vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất… tăng trung bình từ 15% đến 35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt", ông Việt chia sẻ.
Báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, đồ uống nằm trong nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Đơn vị này dự đoán tiêu thụ đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn sẽ không bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách như năm 2021. Hơn nữa, tiêu thụ đồ uống nhiều khả năng sẽ tiếp cận lại gần mức trước Covid-19 khi du lịch quốc tế đến Việt Nam đã chính thức nối lại từ 15/3.
Tuy nhiên, MASVN cũng nhận định biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao, trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia rượu nhằm giành thị phần. Đây có thể coi là một cuộc chiến khốc liệt khi các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn “khó chồng thêm khó”.
Cùng là các “ông lớn” có hàng trăm năm kinh doanh dòng sản phẩm đồ uống có cồn, thế nhưng 3 doanh nghiệp Sabeco, Habeco và Halico lại có số phận hoàn toàn khác nhau. Điều này được thể hiện rõ nét trên báo cáo tài chính quý I/2022 của các doanh nghiệp.
Người khởi sắc nhờ mở cửa nền kinh tế
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB) là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333.
Ngoài ra, Sabeco hiện vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN.
Cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối Sabeco là Vietnam Beverage với 53,6% cổ phần. Vietnam Beverage là doanh nghiệp thuộc tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Đây là pháp nhân đại diện ThaiBev tham gia mua 53,6% cổ phần Sabeco trong đợt thoái vốn của Bộ Công Thương năm 2017.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, SABECO đạt doanh thu thuần 7.306 tỷ đồng, tăng 24,7% so với quý I/2021.
Trong đó, doanh thu bán bia đạt gần 6.414 tỷ đồng, tăng 24% và doanh thu bán nguyên liệu đạt gần 854 tỷ đồng, tăng 37%. Riêng doanh thu bán nước giải khát giảm đến 20%, còn gần 52 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán ghi nhận tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên giúp doanh nghiệp ghi nhận mức lãi gộp đạt 2.177 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2021.
Thêm vào đó, chi phí lãi vay và chi phí vận hành đều giảm nên sau cùng, công ty có lãi ròng 1.170 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 27% so cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện do tác động mạnh mẽ từ việc mở cửa trở lại của thị trường sau thời gian đóng cửa cùng với các chương trình khuyến mãi tập trung cho sự kiện Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Sabeco cũng đã thực hiện kiểm soát tốt các chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu đạt 34.791 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 32% và 17% so với thực hiện năm 2021.
So với kế hoạch này, Công ty đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 27% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
Đến cuối quý I/2022, quy mô tài sản của Sabeco ở mức gần 29.000 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tiền và các khoản tương đương tiền giảm 357 tỷ đồng cùng với đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 611 tỷ đồng.
Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn (685 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.961 tỷ đồng) lần lượt tăng 46% và 18% so với đầu năm.
Cuối kỳ, Sabeco có hơn 396 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn và gần 390 tỷ đồng dư nợ vay dài hạn, lần lượt tăng 23% và 14% so với đầu năm.
Kẻ lại say lỗ mòn mỏi suốt 8 năm trời
Halico từng là một trong những doanh nghiệp sản xuất rượu lớn nhất tại Việt Nam với thương hiệu Vodka Hà Nội một thời chiếm thị phần lớn trên thị trường rượu, nhất là tại khu vực phía Bắc. Đặc biệt, đây cũng là thương hiệu có lịch sử hình thành và phát triển kéo dài tới 124 năm trời, thuộc hàng "cây đa, cây đề" trong ngành kinh doanh đồ uống có cồn.
Năm 2011, Halico từng được Diageo (một trong những nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới) chi 1.800 tỷ đồng để sở hữu 45,57% cổ phần. Tuy vậy, trái ngược với kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau khi có cổ đông nước ngoài hỗ trợ, kết quả kinh doanh của Halico lại đi xuống và liên tục thua lỗ suốt từ năm 2015 đến nay.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 28,6 tỷ đồng. Doanh thu đến từ hoạt động tài chính ghi nhận giảm nhẹ. Từ gần 1,3 tỷ đồng xuống còn hơn 1,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá vốn (22,145 tỷ đồng) và các khoản chi phí như chi phí bán hang (6,34 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp, Halico lỗ gần 3,7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần quý I/2021. Đây cũng là quý lỗ thứ 20 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Tính đến hết tháng 3, Halico đã lỗ lũy kế gần 475 tỷ đồng.
Halico đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 113 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến âm gần 25 tỷ đồng.
Có thể thấy "huyền thoại" một thời Vodka Hà Nội vẫn chìm trong thua lỗ triền miên và chưa có dấu hiệu hồi phục. Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch, năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lỗ.
Bất chấp kinh doanh thu lỗ, cổ phiếu HNR của Halico vẫn được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán từ giữa năm 2018 với mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 31.900 đồng, tương ứng với mức định giá 638 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện mức giá HNR chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa sụt xuống còn 240 tỷ đồng và mã này gần như không hề có thanh khoản.
Người giậm chân tại chỗ, xuất hiện dấu hiệu đi lùi
Tiền thân của Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, MCK: ) ngày nay là nhà máy bia được xây dựng từ năm 1890. Nhiều năm hình thành và phát triển, Habeco luôn giữ vững chỗ đứng trên thị trường đặc biệt tại khu vực miền Bắc.
Cho đến năm 2020, chịu tác động kép của Nghị định 100 và từ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như áp lực từ sự cạnh tranh tranh gay gắt đến từ phía các thương hiệu đối thủ Habeco bắt đầu ghi nhận tình hình kinh doanh liên tiếp đi xuống.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Habeco đạt doanh thu thuần 1.355 tỷ đồng, giảm 1,45% so với quý I/2021. Giá vốn hàng bán ghi nhận ở mức 1.000 tỷ đồng, giảm 4% so với quý I/2021.
Do giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn so với doanh thu, giúp doanh nghiệp đem về mức lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 7,5% lên mức 355 tỷ đồng.
Tuy nhiên doanh thu tài chính ghi nhận sụt giảm hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngoại trừ chi phí tài chính giảm xuống còn 3,3 tỷ đồng nhưng các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đềi ghi nhận tăng cao.
Đáng chú ý, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới hơn 25 tỷ đồng thì năm nay chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, Habeco báo lãi 34,5 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ. Phía Habeco lý giải sở dĩ lợi nhuận đi xuống như vậy là do áp lực giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn hệ thống.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 28/4 vừa qua, HĐQT Habeco đã thông qua kế hoạch kinh doanh "đi lùi" với mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 6.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 221 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 32% so với thực hiện năm 2021.
Như vậy sau quý đầu tiên của năm 2022, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 20,5% mục tiêu doanh thu và 15,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Lợi nhuận đi xuống và dòng tiền của doanh nghiệp cũng ghi nhận tiếp tục âm. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm hơn 158 tỷ đồng, con số này đã giảm đáng kể so với năm 2021 (âm gần 276 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng tiền tài chính cũng ghi nhận âm tới hơn 557 tỷ đồng, giảm cho với con số 702 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của Habeco đến cuối quý I/2022 ghi nhận hon 6.334 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn với 3.718 tỷ đồng; hàng tồn khi ghi nhận tămg lên mức 629 tỷ đồng, tương ứng chiếm gần 10% tổng tài sản.
Nợ phải trả của doanh nghiệp sau 1 quý ghi nhận sụt giảm đáng kể từ gần 2.253 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 1.465 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận