'DN bất động sản không phải không có tiền mà thậm chí có rất nhiều tiền'
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn cho biết, các doanh nghiệp bất động sản không phải không có tiền mà thậm chí có rất nhiều tiền. "Doanh nghiệp có rất nhiều tiền nhưng khổ cái chưa thành tiền bởi nó đang nằm trong dự án".
Bí thư Hà Nội: 'Giao dự án bằng tờ A4, 10 - 20 năm không triển khai'
Trong phiên thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập đến vấn đề nhiều bất động sản, công trình xây dựng còn đang dở dang gây sự lãng phí lớn.
Ông Dũng cho biết, Hà Nội hiện 712 dự án chậm triển khai lâu năm, vừa rồi ra đề án đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được mấy nghìn ha. "Trước giao dự án thì bằng cái tờ A4, nằm đấy 10-20 năm rồi, không triển khai, dân thì bức xúc, là cái ổ của mất an ninh trật tự", ông nói.
Theo ông Dũng, nếu bây giờ khơi thông được thị trường bất động sản sẽ kéo theo đó là các vấn đề như lao động, công ăn việc làm, vật liệu, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...
Bí thư Hà Nội cho rằng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều quyết sách, chủ trương về vấn đề này nhưng hiệu quả, thực chất vẫn còn đang hạn chế, co cụm. "Nhìn vào thực tế, nếu chiếu theo pháp luật bây giờ thì các dự án này sai. Ngày xưa không đấu thầu, đấu giá, kêu gọi đầu tư xong là giao, doanh nghiệp đứng ra giải phóng mặt bằng, cái thì xong, cái thì nửa vời, đầu tư hạ tầng cũng thế. Bây giờ để nằm đấy lại lãng phí nguồn lực xã hội, nhà nước", ông Dũng nêu thực trạng.
'Doanh nghiệp có rất nhiều tiền nhưng khổ cái chưa thành tiền'
Các doanh nghiệp bất động sản không phải không có tiền mà thậm chí có rất nhiều tiền. "Doanh nghiệp có rất nhiều tiền nhưng khổ cái chưa thành tiền bởi nó đang nằm trong dự án". Đây là vấn đề được Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn nêu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Kim Toàn cũng lo lắng về niềm tin của nhà đầu tư thứ cấp vào thị trường. "Ngay các quỹ đất mà Nhà nước quản lý và quy hoạch đầu tư hạ tầng để bán đấu giá cho người dân, có tháng chỉ bán được 1-2 lo, rất khó khăn. Cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường có dấu hiệu bị giảm xuống", ông dẫn chứng.
Có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất vấn đề ở đây không phải về vốn mà là tính pháp lý của các dự án, cần chỉ đạo rà soát lại để tạo niềm tin cho nhà đầu tư thứ cấp về mặt pháp lý này. Thứ hai là về giá, phải sát với thị trường. Sau một thời kỳ thị trường bất động sản tăng nóng đã hình thành một mặt bằng giá mới, không chỉ là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và nhà ở mà cả thị trường bất động sản công nghiệp.
'Nhà nước nên miễn tiền thuế đất cho y tế, giáo dục'
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc áp dụng quy trình sử dụng đất cho y tế, giáo dục và công nghiệp như đất ở đang làm mất một nguồn lực rất lớn từ xã hội.
"Đơn cử như ở Cần Thơ, một bệnh viện tư nhân muốn mở rộng và đã đấu tranh rất nhiều năm, nhưng đến khi chốt giá cuối cùng để cho bệnh viện mở rộng thì người ta không thể chấp nhận được, bởi thị trường đất đai hiện nay đã lên mức rất cao, trong khi lợi nhuận từ các hoạt động liên quan đến đến với y tế, giáo dục và công nghiệp không cao", ông Mạnh nêu vấn đề.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị miễn tiền thuế đất hàng năm cho lĩnh vực y tế, giáo dục và công nghiệp. "Nên chăng, đối với lĩnh vực y tế, giáo dục và công nghiệp, chúng ta xác định đây là lĩnh vực mà Nhà nước miễn tiền thuế đất hàng năm cho đối tượng sử dụng đất đúng mục đích", ông nói.
Ông Mạnh dẫn chứng, đối với đất công nghiệp, tiền sử dụng đất của một nhà máy trung bình 10ha nếu thu 50 năm thì được khoảng vài triệu USD, tính ra một năm chỉ được khoảng 200.000 USD. Trong khi, nếu thu ngân sách của một nhà máy trung bình 10ha thì con số gấp mười lần cũng là chuyện rất là bình thường.
'Sân bay Long Thành nếu chậm cũng không quá 1 năm'
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiến độ dự án giải phóng mặt bằng của cảng hàng không đã qua giai đoạn khó khăn nhất rồi. Bộ trưởng khẳng định dự án giải phóng mặt bằng có thể chậm và gia hạn tới 2024 nhưng tiến độ chung của dự án Cảng hàng không Long Thành đến giờ phút này vẫn kiểm soát được.
"Với trách nhiệm vừa là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quản lý ngành, quản lý nhà nước, vừa là người rất sát sao đối với dự án này thì tôi nghĩ rằng dự án tổng thể của Cảng hàng không Long Thành nếu có chậm thì cũng sẽ không quá một năm", ông Thắng nhấn mạnh.
Cơ sở để khẳng định điều này là toàn bộ phần diện tích để xây dựng giai đoạn I (hơn 2.500 ha) đã được bàn giao đầy đủ. Hiện nay, Chính phủ đã có Báo cáo tiến độ số 476 ngày 30/9/2023 cho Quốc hội cũng đánh giá trong tất cả các dự án thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án có tổng thời lượng thực hiện lớn nhất chính là dự án nhà ga.
Đây là dự án được lựa chọn được nhà thầu và hiện nay đang triển khai. Theo tiến độ, nhà ga sẽ được hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026. Do đó, việc kéo dài giải ngân cho dự án đền bù, giải phóng mặt bằng của cảng hàng không đến giờ phút này cũng không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung của cái dự án.
'Tổng liên đoàn lao động xây nhà, ai sẽ giám sát?'
Liên quan những ý kiến trái chiều về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường biết: Hiện có hai luồng ý kiến, Tổng liên đoàn tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội đó là có thể gia tăng thêm nguồn cung nhà ở cho người lao động. Nhưng cũng có ý kiến rằng cần tính đến là Tổng Liên đoàn đại diện cho người lao động, lại tự mình là người đứng ra cung cấp nhà ở cho người lao động, nếu giả sử sản phẩm không tốt, ai sẽ là người đứng ra phản biện.
Theo ông Cường, như vậy, vô hình chung vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì không đảm bảo khách quan. Trong khi nếu giao cho cơ quan độc lập, rõ ràng Tổng Liên đoàn có vai trò giám sát, đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói của mình nên tính toán, cân nhắc, không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn đứng ra làm thay.
Liên quan đến tạo quỹ đất để phát triển nhà xã hội, ông Cường cho rằng, "Đã là nhà ở xã hội, chính sách phải là nhà nước, phải có nguồn vốn lớn của Nhà nước để huy động. Đương nhiên, Nhà nước có thể dùng các công cụ chính sách để huy động như đơn vị kinh doanh nhà ở. Ví dụ chúng ta có quy định, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hôi. Chúng ta không cần thiết phải ra áp dụng khiên cưỡng mà nên thay thế bằng đóng góp tiền 20% này vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội để khoản tiền đó, để xây dựng nhà ở xã hội độc lập".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận