Định vị thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột Trinh Đức Minh, mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới" đặt ra nhiệm vụ kép là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và xây dựng thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở giá trị cốt lõi từ cà phê.
Ngày 27/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới", phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tịch quốc gia".
"Thành phố cà phê của thế giới"
Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới" và phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tịch quốc gia là một bước nhằm cụ thể hóa triển khai Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích những thế mạnh của thành phố Buôn Ma Thuột cũng như đề ra nhiều giải pháp phát triển thành phố trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột Trinh Đức Minh, mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới" đặt ra nhiệm vụ kép là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và xây dựng thương hiệu cho thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở giá trị cốt lõi từ cà phê. Do đó, trước hết cần phát triển thương hiệu "cà phê Buôn Ma Thuột"; trong đó phát huy thương hiệu cà phê Robusta Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây chính là nền tảng để định vị cà phê là gía trị cốt lõi trong thương hiệu "Thành phố cà phê của thế giới".
"Xây dựng thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới" trên cơ sở thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với các giá trị cốt lõi như: Thành phố của cà phê Robusta đặc sản ngon nhất thế giới; Nơi hội tụ các xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới cũng như lưu trữ, duy trì truyền thống tiêu dùng cà phê lâu đời của các dân tộc bản địa; là thành phố công nghiệp, giao thương, tổ chức lễ hội cà phê và các sự kiện văn hóa liên quan đến cà phê; là trung tâm nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ về cà phê, lưu giữ và phát triển nguồn gen cà phê Robusta lớn nhất thế giới… Chính những giá trị này sẽ góp phần định vị thương hiệu của thành phố Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới", Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành phố Buôn Ma Thuột cơ bản đã hội tụ các nhân tố để phát triển thương hiệu đô thị "Thành phố cà phê của thế giới" khi nhắc đến thành phố này thường gắn liền với xứ sở cà phê, không gian đô thị đặc thù với các buôn làng truyền thống trong đô thị. Tuy nhiên, để xây dựng thành công thương hiệu trên, thành phố Buôn Ma Thuột cần một Đề án bài bản; trong đó phải xác định được giá trị cốt lõi tạo dựng nền móng của thương hiệu trên cở sở những tiềm năng, thế mạnh vốn có về vị trí địa lý, văn hóa bản địa, không gian đô thị, chuỗi giá trị cà phê… Từ đó định vị thương hiệu của đô thị là các giá trị liên quan đến cà phê, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đô thị, chiến dịch truyền thông, quảng cáo và xúc tiến du lịch cấp tỉnh, quốc gia.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xác định thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới" rất là đúng đắn. Điều quan trọng là làm sao phát triển thương hiệu trên bền vững và hiệu quả. Do đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu "Thành phố cà phê của thế giới", Buôn Ma Thuột cần phát huy tối đa lợi thế kiến trúc, không gian đô thị, văn hóa truyền thống với xây dựng thương hiệu đô thị "Thành phố cà phê của thế giới". Đặc biệt, với địa hình lượn sóng được chia cắt bởi hệ thống sông, suối tự nhiên kết hợp với cây xanh và cách tổ chức dân cư buôn làng truyền thống tạo nên khung cảnh thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng của đô thị Buôn Ma Thuột, đây cũng là cơ sở để đô thị này phát triển thành thành phố cao nguyên xanh với không gian văn hóa cà phê độc đáo, tạo không gian sống chất lượng, bình an cho con người, tạo nên thương hiệu của đô thị cà phê.
Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, bản sắc
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để du lịch tại thành phố Buôn Ma Thuột phát triển bền vững theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương. Nhất là phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa và giá trị từ thương hiệu "đô thị cà phê".
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Viện Trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, một trong những việc cần làm ngay là bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, hình thành các tuyến cảnh quan sinh thái, tạo dựng các khu du lịch sinh thái cà phê gắn với các tuyến cảnh quan của đô thị Buôn Ma Thuột; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển văn hóa cà phê gắn với đời sống tinh thần của người dân Buôn Ma Thuột. Từ đó hình thành nên bản sắc và thương hiệu riêng của người dân Buôn Ma Thuột.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường cho rằng, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột cần đưa ra những chính sách phát triển loại hình du lịch cà phê theo hướng bền vững thân thiện với môi trường, lồng ghép văn hóa cà phê địa phương trong tất cả các chương trình du lịch, đặc biệt thu hút nông dân tham gia hướng dẫn các chương trình tham quan giới thiệu văn hóa bản địa và văn hóa cà phê đến du khách. Tỉnh sớm đầu tư và hình thành các khu du lịch sinh thái gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, lấy yếu tố văn hóa cà phê làm trọng tâm của loại hình du lịch; phải thể hiện khát vọng và có chiến lược đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ kinh tế - văn hóa cà phê vượt ra ngoài ranh giới quốc gia.
Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương đánh giá, thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều lợi thế khi có những trang trại cà phê rộng lớn, tuyệt đẹp vào mùa hoa bung nở cùng phương thức canh tác, thu hoạch, cách chế biến và văn hóa thưởng thức cà phê. Đây đều là những tài nguyên giá trị đem lại sự khác biệt, đặc sắc cho thành phố Buôn Ma Thuột nhất là phát triển du lịch sinh thái gắn liền với cà phê. Trên cơ sở đó cần phát triển sản phẩm du lịch làm nên "tên tuổi" của du lịch sinh thái Buôn Ma Thuột là du lịch đô thị, du lịch văn hóa và du lịch nông nghiệp gắn với cà phê; trong đó, lấy du lịch trải nghiệm về "Thành phố cà phê thế giới" làm sản phẩm du lịch đặc thù với trọng tâm là trải nghiệm giá trị cảnh quan của cà phê, tìm hiểu phương thức canh tác cây cà phê, chế biến hạt cà phê và thưởng thức các sản phẩm cà phê. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt chỉ có ở Buôn Ma Thuột và thu hút du khách trong nước, quốc tế đến với "Thành phố cà phê thế giới".
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia nhiều kinh nghiệm, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ cụ thể hóa bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực, chính sách đột phá đề ra tầm nhìn chiến lược để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của cà phê thế giới, một độ thị có tính khác biệt là đô thị "xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc". Qua đó góp phần sớm thực hiện mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận