Định vị dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán 2020
Khối ngoại mua ròng trong 2 năm qua, nhưng chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận tại một số doanh nghiệp lớn, còn giao dịch khớp lệnh thì bán ròng. Trong khi đó, yếu tố nới room chưa có tiến triển, còn tăng nguồn hàng thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang chậm trễ. Yếu tố nào giúp thị trường năm 2020 thu hút dòng vốn ngoại?
Việt Nam nổi bật trong các thị trường mới nổi về khả năng thu hút vốn ngoại
Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại, cả chiều mua và bán, đạt hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm gần 16% thanh khoản toàn thị trường. Top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng với giá trị lớn nhất bao gồm VIC (5.270 tỷ đồng), PLX (2.101 tỷ đồng), VCB (1.754 tỷ đồng), MSN (1.646 tỷ đồng) và VRE (1.197 tỷ đồng).
Dù vậy, làn sóng bán ròng thông qua khớp lệnh của khối ngoại trên sàn chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong 2019.
Thậm chí, khối này mua ròng gần 3.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 và chỉ chuyển sang bán ròng khi diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Trên thực tế, từ cuối năm 2018, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối đáng kể bởi bất ổn bên ngoài.
Diễn biến chiến tranh thương mại leo thang không đơn thuần tác động về mặt tâm lý, mà có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền ngoại cẩn trọng hơn với các thị trường cận biên.
Hoạt động giao dịch của khối ngoại ( tỷ đồng).
“Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” trở thành ẩn số trong tất cả các báo cáo chiến lược của nhiều công ty chứng khoán trong nội dung dự đoán dòng vốn ngoại năm 2020.
Tuy nhiên, trong các thị trường mới nổi, Việt Nam có ưu điểm nổi bật với nền tảng vĩ mô và tăng trưởng kinh tế tốt nhất khu vực, là cơ sở vững chắc cho thị trường chứng khoán phát triển, dù vẫn có những điểm tối màu khác tác động.
Theo đó, thị trường Việt Nam sẽ có sức hút đối với dòng tiền ngoại.
Hoạt động giao dịch của khối ngoại theo tháng ( tỷ đồng).
Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, đầu tư của khối ngoại sẽ mang tính chọn lọc và một vài thị trường được ưa chuộng hơn phần còn lại.
Kỳ vọng, hoạt động của khối ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực hơn do các quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc, cổ phiếu Việt Nam có khả năng được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 khi cổ phiếu Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market, thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu cải thiện và kỳ vọng các quỹ ETF mới dựa trên chỉ số cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại (tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại) sắp được thành lập.
Ngoài ra, nếu hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sôi động trở lại, thị trường có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Kuwait gần như chắc chắn sẽ được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index trong tháng 5/2020.
Theo tính toán của MSCI, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index dự kiến tăng từ khoảng 12,3% hiện nay lên 30%.
Khi đó, Quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ thế, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể. Hiện tại, chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này.
Tuy nhiên, có một số quỹ cận biên đang so sánh với MSCI cận biên, do đó, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các quỹ có thể mua chọn lọc các cổ phiếu lớn và thanh khoản của Việt Nam.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhìn nhận, năm 2020, dòng vốn ngoại sẽ có sự khác biệt (bao gồm cả vốn chảy vào cổ phiếu và trái phiếu).
Câu chuyện nâng hạng thị trường khó có thể thành hiện thực trong năm nay, nhưng Việt Nam là thị trường được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ tỷ trọng mà Kuwait để lại.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động 200 - 300 triệu USD trái phiếu để đầu tư mở rộng (như lĩnh vực hàng không), các ngân hàng cũng phải tính việc tăng vốn thông qua kênh trái phiếu nhằm tăng trưởng vốn dài hạn, vì kênh tăng vốn qua cổ phiếu khó hơn.
Ông Minh chia sẻ, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông nhận thấy xu hướng nhà đầu tư ngoại đầu tư trái phiếu tại các thị trường mới nổi đang gia tăng.
Mặt khác, ghi nhận thông tin trên thị trường, các tập đoàn lớn trong nước dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu với quy mô lớn bằng USD, kỳ vọng thu hút vốn cả trong và ngoài nước.
Về mặt định giá, năm 2019, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 960,99 điểm, với P/E ở mức 15,7 lần, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ở mức P/E này tại thời điểm năm 2017, thị trường đã tạo đà tăng tích cực trên thị trường chứng khoán vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
So sánh P/E với các nước trong khu vực như Indonesia 20 lần, Thái Lan và Malaysia 18 lần, Philippines 17 lần, thì P/E thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn.
Một thông tin đáng chú ý khác, các con số thống kê vốn ngoại nêu trên đơn thuần là trên sàn chứng khoán tập trung, còn dòng vốn ngoại chảy ngoài sàn ở các công ty đại chúng cũng rất nhiều.
Theo chia sẻ của giám đốc ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán (xin được giấu tên), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào Việt Nam rất lớn, họ có nhu cầu mua lại cổ phần ở các doanh nghiệp Việt Nam.
Mới đây, công ty đã hoàn thành tư vấn cho một doanh nghiệp nhựa để đối tác ngoại vào mua toàn phần, giá trị thương vụ khoảng 180 tỷ đồng. Dự báo, dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sẽ chảy vào thị trường Việt Nam trong năm nay cũng như các năm tới.
Nới room, giao dịch T+0 và tăng hàng chất lượng vẫn khó dự báo
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, cổ phần hoá và đổi mới doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng với thị trường chứng khoán.
Năm 2019 không có đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nào, trong khi danh mục năm 2020 có đến 93 doanh nghiệp cần IPO.
Các đợt IPO năm nay thành công sẽ tăng lượng hàng hoá trên thị trường chứng khán, tăng động lực cho thị trường phát triển.
Ngược lại, nếu tiếp tục chậm cổ phần hoá sẽ khiến nguồn hàng không có, vốn đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán sẽ chậm đi.
Thông tin từ nhiều công ty chứng khoán cho thấy, khối công ty này kỳ vọng năm 2020 sẽ mở màn cổ phần hóa bằng đợt IPO của Agribank và VNPT, khi mà công việc khó khăn nhất là xử lý vấn đề bất động sản (do có quá nhiều chi nhánh, văn phòng tại các tỉnh, thành phố) đã có giải pháp, từ đó tạo tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nhưng đây chỉ là kỳ vọng, bởi các công ty chứng khoán không dám chắc tiến độ cổ phần hóa sẽ được đảm bảo.
Có ý kiến cho rằng, không ít doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn có vốn nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, sở hữu các tài sản đáng giá như bất động sản tại trung tâm TP.HCM đang thiếu động lực để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
“Đang có lời vài ngàn tỷ mỗi năm, dại gì bán sớm”, một nhân sự có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư nhận định.
Hiện thị trường đang ngóng chờ lộ trình IPO 93 doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2020 sẽ quyết liệt hơn trong năm 2020 để đạt kế hoạch.
Dĩ nhiên, sẽ không khả thi nếu các vấn đề liên quan đến cơ chế, quyết tâm của cổ đông lớn, định giá tài sản, đất đai vẫn là nguyên nhân chính gây chậm tiến độ.
Giám đốc môi giới khối khách hàng cá nhân một công ty chứng khoán có vốn ngoại chia sẻ, trong vai trò mình là người đi mua, mà chỉ mua được có 5-10%, rồi vào ngồi hội đồng quản trị chỉ có mình “lắc”, các ông còn lại “gật” thì không giải quyết được vấn đề gì.
Những nhà đầu tư ngoại tham gia trong các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đa phần là nhà đầu tư chiến lược, nên họ cần tỷ lệ chi phối, hoặc ít nhất có “tiếng nói”, khi đó họ sẵn sàng mức giá cao như thương vụ Sabeco, còn thoái từng đợt thì không có nhiều ý nghĩa.
Vì vậy, khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phải xác định bán tỷ lệ lớn, có thể kèm theo các điều kiện. Chẳng hạn, với Agribank, nếu được chấp thuận bán luôn 20% thì thương vụ này sẽ rất hấp dẫn.
Song hành cùng câu chuyện cổ phần hóa là vấn đề nới room để các nhà đầu tư ngoại có thể tham gia sở hữu lớn - một trong các nhân tố chính trong câu chuyện nâng hạng thị trường của Việt Nam.
Nếu nâng hạng thành công, Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh nới room, vấn đề được quan tâm là khung pháp lý cuối cùng về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và giao dịch T+0 (giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày).
NVDR là sản phẩm đã được Thái Lan áp dụng thành công, giúp thu hút dòng vốn ngoại, trong khi vẫn hạn chế được rủi ro hệ thống liên quan đến việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu được áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, sản phẩm này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých, giúp thu hút dòng vốn ngoại và qua đó đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường.
Bởi lẽ, NVDR được coi là giải pháp hữu hiệu cho bài toán room vẫn chưa được giải triệt để hiện nay.
Trông chờ thu hút vốn ngoại qua ETF
Khi câu chuyện về room chưa được cởi mở, hàng hoá trên thị trường chưa phong phú, đa dạng vì tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm, NVDR tiếp tục chờ đợi…, thì quỹ ETF đang trở thành “cứu cánh” trong thu hút vốn ngoại.
Theo Morning Star Direct, tháng 8/2019, ngành đầu tư đạt cột mốc lịch sử khi quy mô tài sản trong các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF dựa trên chỉ số của Mỹ lần đầu tiên vượt qua tài sản trong các quỹ đầu tư cổ phiếu năng động.
Nếu sự dịch chuyển này tiếp tục diễn ra sẽ có tác động lớn đối với thị trường tài chính và các nhà đầu tư thông thường ở khắp mọi nơi, bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mức phí rẻ hơn là nhân tố chính. Các quỹ đầu tư thụ động của Mỹ có mức phí trung bình 10 xu/năm/100 USD tài sản, so với 70 xu cho các quỹ chủ động.
Sự gia tăng của quỹ thụ động thể hiện sự gia tăng của các sản phẩm có mức phí thấp. Với Việt Nam, dòng vốn trong và ngoài nước của quỹ thụ động có thể đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn thông qua các quỹ ETF.
Trong 2 năm qua, E1VFVN30 và VNM US ETF là hai quỹ ETF hút tiền chính của thị trường. Khả năng cao, E1VFVN30 ETF sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư chủ chốt là Thái Lan và Hàn Quốc, do lãi suất ở hai quốc gia này đang ở mức thấp, sau khi ngân hàng trung ương hai nước thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất trong năm qua.
Diễn biến của các chỉ số chính cho thấy, VN-Index tăng 8,3% đã mang lại lợi nhuận cao hơn trong năm qua so với chỉ số KOSPI của Hàn Quốc (+6,3%), hay chỉ số SETI của Thái Lan (+0,6%).
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra mắt 3 chỉ số mới gồm VNDiamond, VNFin Select và VNFin Lead - là những chỉ số giải quyết vấn đề giới hạn sở hữu khối ngoại (FOL) khi một số cổ phiếu lớn hiện đạt FOL tối đa.
Hiện tại, SSIAM, VFM, VinaCapital và một số công ty quản lý quỹ khác đã có kế hoạch ra mắt quỹ ETF dựa trên các chỉ số mới.
VN-Index năm 2020 có thể sẽ dao động trong vùng 950 - 1.120 điểm
Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Năm 2020, những kỳ vọng, khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam không khác biệt nhiều so với năm 2019: kỳ vọng về tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, về khả năng thăng hạng của thị trường.
Chúng tôi cho rằng, sẽ không có những bước tiến đáng kể ở các sự kiện này và rủi ro lớn nhất vẫn đến từ diễn biến chính trị và bức tranh thương mại toàn cầu, hơn là các vấn đề nội tại trong nước.
Dù vậy, các nhà đầu tư đã “quen” với cả sự thất vọng đối với các kỳ vọng không được hiện thực hóa và với cả các biến động do rủi ro bên ngoài. Tác động về mặt tâm lý thị trường, do vậy, theo chúng tôi là không lớn.
Điểm sáng lớn nhất là sự kiên trì của Chính phủ trong việc thực hiện các quyết sách nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển.
Điều này sẽ có lợi trong dài hạn cho Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.
Năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ phục hồi về mức hai chữ số, sau năm 2019 gần như đi ngang.
Trong bối cảnh dòng tiền dành cho kênh chứng khoán không còn dồi dào như giai đoạn cuối 2016 - đầu 2018, việc đầu tư sẽ có sự chắt lọc kỹ càng hơn, hướng đến các doanh nghiệp có sự tăng trưởng thực chất từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Theo đó, mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ vừa phải và theo sát yếu tố cơ bản hơn. Chỉ số có thể sẽ dao động trong vùng 950 - 1.120 điểm.
Quá trình thoái vốn và cổ phần hóa diễn ra chậm chạp trong suốt cả năm 2019, chỉ có 2 doanh nghiệp nằm trong danh mục theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và một doanh nghiệp nằm trong Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng thực hiện cổ phần hóa.
Từ năm 2017 tới nay, mới chỉ khoảng 28% kế hoạch cổ phần hóa được thực hiện, vẫn còn hơn 90 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trước năm 2021.
Bên cạnh đó, chỉ có 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước, thu về 1.839 tỷ đồng theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Lũy kế từ năm 2017 tới nay, số lượng doanh nghiệp thoái vốn mới chỉ đạt 8% kế hoạch.
Sau khi tiếp thu các ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Tài chính đã tiến hành sửa đổi các điểm nghẽn trong hai Nghị định 126/2017/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-CP và trình lên Chính phủ.
Trong trường hợp tích cực, dự thảo có thể được ban hành và có hiệu lực ngay trong giai đoạn đầu năm 2020, khi đó chúng tôi kỳ vọng hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ diễn ra sôi động.
Trong danh sách các doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, có một số công ty, tổng công ty và tập đoàn lớn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất thoái 15% tại HVN trong giai đoạn 2019 - 2020, đồng thời thực hiện tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2019 - 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.
Ngoài ra, một vài công ty lớn cổ phần hóa các năm trước như BSR, PVOIL và POW có thể tiếp tục thoái vốn nhà nước trong năm 2020, khi thực hiện xong quyết toán sau cổ phần hóa.
Về công tác cổ phần hóa, Genco1 đang lựa chọn thời điểm phù hợp để xác định giá trị doanh nghiệp, trong khi Genco2 đã phê duyệt hồ sơ tư vấn từ các nhà thầu.
Khả năng được xem xét nâng hạng của Việt Nam tăng lên
Công ty Chứng khoán BSC
Với việc xác định một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” là nâng hạng thị trường, trong năm 2019, các bước đầu tiên của lộ trình thực hiện đã được triển khai.
Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức của thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán sửa đổi đã được thông qua ngày 26/11/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Đây là bước đầu tiên quan trọng để đảm bảo đề án được thực hiện theo đúng tiến độ với chất lượng ổn định.
Những điểm lưu ý trong Luật bao gồm: chứng khoán gồm chứng chỉ lưu ký, chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; điều kiện vốn chào bán công chúng, chào bán riêng lẻ, công ty đại chúng; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam gồm 2 công ty con là HOSE và HNX; quy định về công ty chứng khoán và quỹ đầu tư.
Ngoài ra, Luật quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán do Chính phủ quy định và công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.
Tuy nhiên, tốc độ của Đề án tái cơ cấu đang bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong công tác thoái vốn và cổ phần hóa. Xét giai đoạn 2016 - 2019, số doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN chỉ vỏn vẹn ở mức 36/128, tương đương hoàn thành 28% kế hoạch.
Tình hình thoái vốn cũng trì trệ khi tính đến tháng 9/2019, các đơn vị mới thoái được 41% so với kế hoạch (24.510 tỷ đồng).
Bên cạnh lý do thị trường chứng khoán năm 2019 chưa thực sự thuận lợi cho nhu cầu bán vốn, một trong những nguyên do gây ra sự chậm trễ này đến từ việc khó khăn trong định giá doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong công tác xác lập hồ sơ pháp lý để định giá đất đai mà các doanh nghiệp này sở hữu.
Thêm vào đó, các quy định về giá bán vốn tại Nghị định 32 cũng phần nào gây ra sự trì hoãn trong việc xác định giá thoái vốn.
Ngoài danh mục các doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg và thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg hay danh mục của SCIC, chúng tôi cũng lưu ý về 16/34 ngân hàng thương mại sẽ phải lên sàn chứng khoán trong năm 2020 theo đúng lộ trình (xem bảng).
Theo đó, quy mô vốn hóa và tổng vốn điều lệ toàn ngành ngân hàng có thể tăng thêm lần lượt là 7% và 28%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ trở thành ngành có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường.
Tiến độ lên sàn chứng khoán sẽ phục thuộc nhiều vào khả năng các ngân hàng này giải quyết các khoản nợ xấu còn tồn đọng và hoàn thành các thủ tục để áp dụng Basel II từ ngày 1/1/2020 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Nhìn chung, với nhu cầu ngày càng gia tăng về vốn đầu tư công cũng như yêu cầu về tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, công tác cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2020.
Như vậy, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những thay đổi về pháp lý liên quan đến việc xác định giá trị cũng như giá thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước.
Các nội dung chính của đề án đều hướng đến cải thiện đánh giá của cả MSCI và FTSE về hệ thống hoạt động và mức độ mở cửa đối với nhà đầu tư.
Nếu được triển khai theo đúng lộ trình, khả năng được xem xét nâng hạng của Việt Nam sẽ tăng lên.
Đề án nhấn mạnh: cải cách về công nghệ để hỗ trợ việc mở và sử dụng tài khoản; đa dạng hóa, củng cố thị trường trái phiếu cũng như thị trường phái sinh; cơ cấu lại Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình đã được phê duyệt trong Luật; nghiên cứu mô hình đối tác bù trừ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và ngân hàng lưu ký - giám sát theo thông lệ quốc tế. Đây đang là những tiêu chí Việt Nam đang bị FTSE và MSCI đánh giá còn nhiều hạn chế.
Với quy hoạch năm 2020 cho việc bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ cấu lại hàng hóa và tổ chức mô hình thị trường cùng với tầm nhìn đến năm 2025, chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ được thông báo nâng hạng từ FTSE sớm nhất trong năm 2020 và từ MSCI trước năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận