Đinh Ngọc Hệ dùng những 'thủ đoạn' nào để đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương?
Do không có khả năng tài chính để thanh toán tiền hợp đồng, Đinh Ngọc Hệ đã dùng chính hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và quyền sử dụng thửa đất số 29 do UBND TP.HCM cấp cho Công ty Yên Khánh Hải Thành để thế chấp tại BIDV vay hơn 1.703 tỷ đồng.
Chiều 14/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) cùng 19 đồng phạm trong vụ đấu thầu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tại phần trình bày cáo trạng, đại diện (Viện kiểm sát) VKS đã đề cập nhiều đến sai phạm của bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “Trọc”), cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn BQP, người được xác định là chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng, nhờ lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ khác trong quá trình xây dựng hồ sơ gian dối tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đại diện VKS cho biết, năm 2005, bị cáo Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Yên Khánh và nhờ cháu ruột là Vũ Thị Hoan đứng tên làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Tô Phước Hùng làm Kế toán trưởng.
Đến năm 2010, Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Khánh An và nhờ Lê Thị Thảo, Kế toán Công ty xăng dầu Thái Sơn đứng tên làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Bên cạnh đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn thành lập hàng loạt công ty khác như: Công ty CP tập đoàn Đức Bình; Công ty CP Cái Mép; Công ty CP xăng dầu Thái Sơn, Công ty CP An Hiền. Các công ty này đều do bị cáo Hệ chỉ đạo hoạt động và giao Phạm Văn Diệt làm Tổng Giám đốc điều hành các công ty này.
“Ngoài việc Hệ trực tiếp chỉ đạo công việc đối với các nhân viên lãnh đạo của các công ty, Hệ còn chỉ đạo thông qua Phạm Văn Diệt để triển khai thực hiện tới nhân viên khác, đối với Công ty Yên Khánh, Hệ nói với Vũ Thị Hoan cứ tin tưởng vào Phạm Văn Diệt và Tô Phước Hùng, các văn bản trình Hoan ký mà đã có chữ ký nháy của Phạm Văn Diệt thì Hoan cứ yên tâm ký”, đại diện VKS cho hay.
Liên quan đến vụ việc, theo đại diện VKS, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thông qua mối quan hệ quen biết, Đinh Ngọc Hệ đã được bị cáo Đinh La Thăng gọi điện thoại trực tiếp cho Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ và đề nghị Dương Tuấn Minh sắp xếp thời gian làm việc với Hệ để hỗ trợ các công việc liên quan trong đó có đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Qua tiếp cận đề án và được xem quy chế bán đấu giá quyền thu phí, Hệ biết quy định bắt buộc để được tham gia đấu giá là "Người tham gia đấu giá đáp ứng các điều kiện: Tình hình tài chính lành mạnh; Kinh doanh 2 năm liên tiếp (2011 và 2012) không lỗ".
"Thực tế năm 2011, 2012, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Hệ kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện để tham gia đấu giá, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá. Vì vậy, trong cuộc họp tại trụ sở Công ty Yên Khánh có Phạm Văn Diệt tham gia, Đinh Ngọc Hệ trực tiếp chỉ đạo nhân viên trong Công ty thực hiện hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ tham gia đấu giá, và giao các nhân viên sửa chữa số liệu", đại diện VKS nêu rõ.
Cũng theo đại diện VKS, đến ngày 15/11/2013, thời điểm tổ chức buổi đấu giá, chỉ có Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An có hồ sơ tham gia đấu giá. Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo chỉ Công ty Yên Khánh nộp bảo lãnh của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô số tiền đặt trước là 21 tỷ đồng để đủ điều kiện tham gia đấu giá, còn Công ty Khánh An không nộp khoản tiền đặt trước và không tham gia đấu giá.
Tại phiên đấu giá, Phạm Văn Diệt là người đại diện cho Công ty Yên Khánh (theo ủy quyền) thực hiện việc bỏ phiếu trả giá bằng giá khởi điểm và nộp văn bản chấp thuận mua quyền thu phí với giá hơn 2.004 tỷ đồng đã được chuẩn bị trước có ký nháy của Phạm Văn Diệt và chữ ký của Vũ Thị Hoan, đóng dấu Công ty Yên Khánh. Kết quả Công ty Yên Khánh trúng đấu giá đúng bằng giá khởi điểm.
Ngày 9/12/2013, bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan tổ chức họp Hội đồng thành viên Công ty Yên Khánh, ký đơn đề nghị bảo lãnh, liên hệ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô để xin phát hành Chứng thư bảo lãnh số tiền hơn 100 tỷ đồng cho Công ty Yên Khánh dùng đảm bảo cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thời hạn bảo lãnh: Kể từ ngày 20/12/2013 đến khi Công ty Yên Khánh hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo Hợp đồng, tối đa đến 31/01/2019.
Đến ngày 30/12/2013, Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc, đại diện Công ty Cửu Long ký Hợp đồng mua bán quyền thu phí số 4746/CIPM-HĐ với Vũ Thị Hoan, Giám đốc, đại diện Công ty Yên Khánh.
Đại diện VKS cũng xác định, ngay sau khi ký được hợp đồng mua quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, do không có khả năng tài chính để thanh toán tiền theo hợp đồng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo dùng chính hợp đồng mua quyền thu phí này và tài sản của bên thứ ba là quyền sử dụng thửa đất số 29, tờ bản đồ số 30, diện tích 3.531 m2 được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty Yên Khánh Hải Thành để thế chấp tại BIDV Chi nhánh Thành Đô vay hơn 1.703 tỷ đồng.
Đồng thời, trong thời gian từ 27/1/2014 đến ngày 7/3/2017, Công ty Yên Khánh đã đề nghị BIDV Chi nhánh Thành Đô giải ngân cho Công ty Yên Khánh vay 9 lần bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp vào Tài khoản của Tổng Công ty Cửu Long tại Kho bạc Nhà nước TP.HCM để thanh toán tiền trúng đấu giá, với tổng số tiền hơn 1.703 tỷ đồng nói trên. Đối với số tiền còn thiếu, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt, Tô Phước Hùng lấy từ nguồn thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để trả cho Tổng Công ty Cửu Long.
"Như vậy, toàn bộ số tiền Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ sử dụng để thanh toán hợp đồng mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tiền đi vay tại BIDV chi nhánh Thành Đô và một phần tiền có được từ việc thu phí tuyến đường cao tốc này, thể hiện Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ không đủ năng tài chính đề thanh toán", đại diện VKS xác định.
Bên cạnh đó, trong quá trình Công ty Yên Khánh trả tiền mua phí, do không có năng lực tài chính để trả tiền theo hợp đồng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí; theo chỉ đạo của Hệ, Phạm Văn Diệt ký nháy để Vũ Thị Hoan ký hàng loạt văn bản gửi Tổng công ty Cửu Long về việc chậm thanh toán tiền theo hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ ngày 30/12/2013.
Đại diện VKS cho biết, tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vai trò chủ mưu trong việc thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, theo lời khai của các bị cáo là nhân viên các Công ty của Đinh Ngọc Hệ như: Vũ Thị Hoan, Đinh Thị Chung (là cháu của Đinh Ngọc Hệ) và các tài liệu, chứng cứ khác do Cơ quan điều tra thu thập trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định các hành vi kể trên của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, đồng thời, chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho nhà nước về hậu quả đã gây ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận