Định giá VN-Index ở mức hấp dẫn trung bình 10 năm, chiết khấu định giá cao nhất 10 năm
Định giá P/E forward VN-Index hiện chỉ khoảng 9 lần là rẻ nhất trong khu vực. Mức chiết khấu định giá của TTCK Việt Nam so với các thị trường trong khu vực cũng đang ở mức cao nhất trong 10 năm.
Ông Don Lam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc VinaCapital – công ty quản lý quỹ đang quản lý hơn 4 tỷ USD, có hơn 2 thập kỷ làm cầu nối vốn ngoại vào Việt Nam – chia sẻ tại buổi họp báo Hội nghị Nhà đầu tư năm 2023 do VinaCapital tổ chức.
Hội nghị năm nay có hơn 150 nhà đầu tư tham dự, là con số lớn nhất trong nhiều năm qua. Trong đó có các nhà đầu tư từ Sri Lanka, châu Âu, đông nhất là Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản – vẫn luôn luôn rất quan tâm tới Việt Nam), và có 2 nhà đầu tư lớn từ Malaysia và Singapore tham gia.
"Ước tính sơ bộ từ các nhà đầu tư dự hội nghị, hiện đang quản lý khoảng 1.000 tỷ USD, chỉ mong muốn cần 0,1% số tiền này vào Việt Nam là rất tốt", ông Don Lam chia sẻ.
Nói về thị trường chứng khoán, trong 4 năm qua, có 3 năm thị trường đi lên, chỉ có năm 2022 là thị trường đi xuống đáng kể do bị tác động bởi các vấn đề trên thế giới và từ nội tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng trưởng khoảng 15%, cao nhất trên 20% vào tháng 8.
Bà Nguyễn Hoài thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán VinaCapital cho rằng, xét về định giá lúc này là hấp dẫn. Thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam chỉ có 3 lần có mức định giá P/E, P/B ở mức như hiện nay, 2 lần trước là năm 2015 (năm có căng thẳng địa chính trị Biển Đông), năm 2020 khi dịch covid bùng nổ. Với mức định giá hiện nay là vùng hấp dẫn, dù so sánh với trung bình 5 năm hay 10 năm.
Xét trong khu vực, định giá P/E trượt 2024 của VN-Index cũng rẻ nhất Asean, ở mức 8,8 lần, trong khi ID (JCI) là 12,9 lần, MY (KLCI) 12,9 lần, PH (PCOMP) 10,8 lần, SG (STI) 10,3 lần, TH (SET) 14,5 lần. Còn nếu so sánh về chiết khấu định giá các nước trong khu vực cho chu kỳ dài hơn thì của VN-Index cũng là mức chiết khấu cao nhất 10 năm qua.
Theo bà Thu, năm 2023, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự báo chỉ tăng trưởng 0,6% do tăng trưởng âm ở nhiều lĩnh vực như hàng hóa tiêu dùng bán lẻ, bất động sản, nguyên liệu…, nên dù một số ngành khác tăng trưởng dương như IT (FPT tăng trưởng lợi nhuận 23%), hay ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 12%, y tế trên 20%..., chỉ đủ bù đắp phần tăng trưởng lợi nhuận âm của các ngành trên.
Tuy nhiên, nhìn biểu đồ lợi nhuận từng quý có thể thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã tạo đáy trong quý 4/2022, và các ngành đang có hồi phục lợi nhuận, trong đó tốt nhất là ngành tài chính, công nghệ, các ngành khác về trước mức covid.
Dự báo năm 2024, chuyên gia VinaCapital cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt cho tất cả các ngành nghề có mức tăng trưởng từ 9-56%, tổng thể toàn thị trường ước tính tăng trưởng lợi nhuận 25%. So với các nước trong khu vực, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam được dự báo cao hơn, ở mức 30% - là con số rất ấn tượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận