Định giá cổ phiếu là gì? Các phương pháp định giá cổ phiếu thường dùng
Định giá cổ phiếu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp nhà đầu tư xác định giá trị thực của một cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Có thể nói, nó quyết định tới 50% thành công của bạn trong đầu tư. Nếu đã tham gia vào thị trường chứng khoán thì một yêu cầu tối thiểu mà nhà đầu tư cần nắm được chính là công thức xác định giá trị cổ phiếu, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, thông minh nhất.
Vậy cụ thể thì định giá cổ phiếu là gì và các phương pháp thường dùng ra sao? Hãy cùng 24h Money tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Định giá cổ phiếu là gì?
Định giá cổ phiếu nghĩa là bạn tìm ra giá trị thực (hay còn gọi là giá trị nội tại) của một cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Hiểu đơn giản hơn thì đây là việc bạn đánh giá xem cổ phiếu đó đáng giá bao nhiêu tiền để lựa chọn cổ phiếu tiềm năng và ra quyết định đầu tư liên quan. Thông thường, bạn sẽ chọn những cổ phiếu có giá trị thị trường thấp hơn giá trị mà bạn định giá.
Trong đó:
- Giá trị thực: Là giá trị mà bạn phải tính toán bằng các phương pháp định giá cổ phiếu.
- Giá trị thị trường: Là giá mà các nhà đầu tư giao dịch mua - bán trên thị trường thông qua các sàn chứng khoán như HOSE, HNX hay UPCOM…
2. Tại sao phải định giá cổ phiếu?
Định giá cổ phiếu có vai trò rất quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn với nhà đầu tư. Cụ thể:
- Với các doanh nghiệp
Định giá cổ phiếu là một trong các bước cơ bản của doanh nghiệp khi muốn chào bán cổ phiếu ra thị trường, huy động vốn và tăng tầm ảnh hưởng của mình.
- Với các nhà đầu tư
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị thực của nó. Đôi khi, giá cổ phiếu sẽ bị giao dịch ở mức cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực. Định giá cổ phiếu sẽ giúp bạn biết được cổ phiếu đó thực chất đáng giá bao nhiêu để nhận định chính xác có nên đầu tư vào cổ phiếu đó hay không, cũng như các quyết định đầu tư liên quan (mua vào nếu giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị bạn định giá và bán ra nếu giá cổ phiếu hiện đã cao hơn so với định giá để kiếm lời).
3. Một số phương pháp định giá cổ phiếu thường dùng
Dưới đây, 24hMoney sẽ hướng dẫn chi tiết 4 phương pháp định giá đơn giản mà bạn có thể áp dụng trong quá trình đầu tư của mình.
3.1. Cách định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Đây là phương pháp phổ biến và có thể áp dụng cho hầu hết cổ phiếu ở các ngành nghề khác nhau.
Tỷ lệ P/E (Price-to-Earnings) = Giá trị thị trường / EPS của cổ phiếu
Trong đó, EPS là chỉ số thể hiện lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp.
Nguyên tắc đơn giản nhất khi áp dụng phương pháp định giá cổ phiếu P/E là: Tỷ lệ càng này thấp thì lợi nhuận của bạn khi đầu tư vào doanh nghiệp đó càng cao cũng như thời gian thu hồi vốn ngắn hơn.
Để xem xét mức P/E bao nhiêu là hợp lý, bạn có thể:
- So sánh với mức P/E bình quân của các công ty tương đồng trong ngành. Công ty nào có tỷ lệ P/E thấp hơn thì sẽ có tiềm năng hơn khi đầu tư.
- So sánh với chính tỷ lệ P/E của doanh nghiệp đó trong quá khứ. Thông thường, nếu tỷ lệ P/E hiện tại càng thấp hơn mức trung bình dài hạn (P/E trung bình của 5 năm về trước) thì cổ phiếu đó càng hấp dẫn và có mức sinh lời lớn.
3.2. Cách định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B
Ngoài phương pháp P/E thì việc định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B cũng được đánh giá là khá đơn giản, bạn chỉ cần dựa vào giá trị ghi sổ của cổ phiếu.
Chỉ số P/B (Price-to-Book) = Giá trị thị trường / Giá trị ghi sổ của cổ phiếu
Tương tự với phương pháp P/E, để xem xét mức P/B bao nhiêu là hợp lý, bạn cần so sánh tỷ lệ P/B của doanh nghiệp đó với mức trung bình của ngành. Trong một số trường hợp, chỉ số này càng thấp chứng tỏ cổ phiếu này càng bị thị trường định giá thấp và ngược lại.
Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế đó là giá trị ghi sổ của cổ phiếu chỉ phản ánh được giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp mà không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hàng, thị phần, đội ngũ quản lý, nhân sự, bằng phát minh sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ…Đây chính là những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Một công ty có lợi thế cạnh tranh càng lớn thì càng có điều kiện thu hút khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận.
3.3. Cách định giá cổ phiếu theo phương pháp P/S
Chỉ số P/S là chỉ số đo lường giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên doanh thu mỗi cổ phần.
Chỉ số P/S (Price/Sales per Share) = Giá cổ phiếu/ Doanh thu mỗi cổ phần
Trong đó:
Doanh thu mỗi cổ phần = Tổng doanh thu/ Số lượng cổ phiếu lưu hành
Tương tự như 2 chỉ số P/E và P/B, hệ số P/S và cổ phiếu được định giá sẽ tỉ lệ thuận với nhau.
Ngoài 3 phương pháp kể trên, còn có một số cách định giá cổ phiếu phổ biến như: Định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số ROA, ROE; Định giá cổ phiếu theo phương pháp cổ tức hay Định giá cổ phiếu dựa trên công thức Benjamin Graham,...
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Có nhiều yếu tố (cả vĩ mô và vi mô) ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như sau:
4.1. Sự phát triển của nền kinh tế
Giá cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn bởi nền kinh tế trong và ngoài nước. Thông thường, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế: tăng khi nền kinh tế phát triển và giảm khi nền kinh tế suy thoái.
4.2. Tình hình chính trị
Đây cũng là yếu tố có tính quyết định đến giá cổ phiếu. Đất nước nào có tình hình chính trị không ổn định, nhà đầu tư không tự tin để tiếp tục đầu tư thì giá cổ phiếu thường giảm.
4.3. Quy luật cung - cầu của thị trường
Thị trường hàng hóa và chứng khoán đều bị chi phối bởi quy luật cung - cầu. Khi một cổ phiếu được nhiều người mua, giá của cổ phiếu đó sẽ có xu hướng tăng và ngược lại.
4.4. Kết quả kinh doanh của công ty niêm yết
Nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt (doanh thu, lợi nhuận cao), có khả năng tăng trưởng trong tương lai thì sẽ cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng. Ngược lại, nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống, giá cổ phiếu thường giảm.
4.5. Tâm lý của nhà đầu tư và thông tin gây nhiễu thị trường
Thị trường chứng khoán thường khá nhạy cảm. Chỉ một hoặc một vài thông tin gây nhiễu cũng có thể làm “chấn động” thị trường. Do vậy, nhà đầu tư cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng để lọc các thông tin chính xác, từ đó ra quyết định đúng đắn nhất cho bản thân trong quá trình đầu tư.
Như vậy, khi nhận được những thông tin về các yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như trên, bạn cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để đánh giá tác động của chúng đến giá cổ phiếu mà mình quan tâm. Từ đó, bạn có thể đánh giá giá trị thực của cổ phiếu chính xác hơn.
5. Kết luận
Các quy tắc được viết trong phần ba về phương pháp định giá là các quy tắc chung được tổng kết lại qua các nguồn tài liệu. Tuy nhiên việc áp dụng tất cả các phương pháp định gía hay chỉ số trên, nhà đầu tư cần có hiểu biết rất sâu về phương pháp định giá, tài chính doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh của công ty đang được định giá. Tránh việc áp dụng các công thức và chỉ số một cách máy móc.
Trên đây, 24h Money đã gửi tới bạn những thông tin chi tiết nhất về định giá cổ phiếu và các vấn đề liên quan. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những phương pháp hiệu quả để xác định giá trị thực của cổ phiếu, hỗ trợ cho việc ra quyết định đầu tư của bản thân. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc, bạn hãy để lại bình luận ngay dưới đây để chuyên gia của chúng tôi giải đáp sớm nhất có thể nhé.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận