Dính Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp châu Á giảm 73% trong quý 2
Sau bức tranh đầy u ám của doanh nghiệp châu Á trong 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư giờ sắp phải đón nhận thêm mùa báo cáo tài chính có khả năng còn ảm đạm hơn trong quý 2/2020 – giai đoạn thể hiện hết tác động của đại dịch Covid-19.
Hơn 280 công ty trong chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương được dự báo công bố báo cáo tài chính vào tuần tới, và con số sẽ còn cao hơn trong tháng 8/2020.
Cho đến nay, lợi nhuận quý 2/2020 của những doanh nghiệp đã công bố giảm trung bình 73% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Bloomberg, tiếp nối đà rơi 64% trong 3 tháng đầu năm.
Đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã tiếp lửa tăng trưởng cho những doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động làm việc tại nhà và giải trí trực tuyến, nhưng lại đẩy nhanh sự sụp đổ của những cửa hàng vật chất. Những công ty có vị thế tốt hơn sẽ có cơ hội lấy thị phần từ những đối thủ cạnh tranh và do đó, lợi nhuận doanh nghiệp quý 2/2020 sẽ phân hóa rõ ràng hơn trong mùa báo cáo tài chính lần này.
“Khoảng cách giữa kẻ thắng và người thua sẽ nới rộng”, Olivier d’Assier, Trưởng bộ phận nghiên cứu ứng dụng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Qontigo, nhận định. “Bất kỳ công ty nào có hoạt động cốt lõi có thể chuyển sang trực tuyến đều cho thấy kết quả tích cực bất ngờ, nhưng những doanh nghiệp có hoạt động cần sự tương tác giữa con người sẽ gây thất vọng”.
Xu hướng trên được thể hiện rõ ràng qua những gì được công bố cho tới nay. Chẳng hạn như Taiwan Semiconductor Manufacturing – nhà cung ứng chip cho iPhone của Apple – đã nâng dự báo doanh thu và chi tiêu năm 2020 trong tháng này, sau khi công bố lợi nhuận quý 2 kỷ lục và vượt qua cả ước tính của những chuyên viên phân tích lạc quan nhất. Cổ phiếu này tăng lên kỷ lục trong ngày thứ Sáu (24/07).
Tháng trước, Top Glove – nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới và là cổ phiếu tăng mạnh nhất châu Á trong năm nay – ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục trong giai đoạn tháng 2-5/2020, nhờ nhu cầu sử dụng găng tay tăng vọt trong đại dịch.
Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp với mô hình kinh doanh truyền thống, như bán lẻ, hàng không hoặc trung tâm mua sắm, đều rơi vào cảnh bi thảm khi nhu cầu biến mất. Các công ty như Cathay Pacific Airways – hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông – cảnh báo lỗ 1.3 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong khi đó, Capitaland của Singapore dự báo lợi nhuận lao dốc.
Đà tăng của chứng khoán châu Á.
Tương tự với Mỹ, tâm điểm chú ý sẽ nằm ở các gã khổng lồ công nghệ châu Á vì đây là những công ty hưởng lợi trong đại dịch và nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rất cao. Gã khổng lồ gaming Tencent Holdings của Trung Quốc được dự báo công bố lợi nhuận hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trưởng 12% là dự báo dành cho Alibaba Group, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Mọi ánh mắt cũng sẽ đổ dồn vào nhận định của ban lãnh đạo về triển vọng kinh doanh, khi xét tới tác động của đại dịch.
“Các yếu tố cần phải theo dõi sẽ là chính sách trích lập dự phòng và quan điểm từ ngân hàng liên quan đến các khoản nợ xấu, cũng như công suất của các công ty sản xuất hàng hóa”, Hartmut Issel, Trưởng bộ phận cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management, cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận