menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Hải

Điều kiện niêm yết chứng khoán mới nhất 2021 dành cho các doanh nghiệp

Huy động vốn được coi là yếu tố then chốt, giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất và phát triển kinh doanh. Việc niêm yết chứng khoán chính là cầu nối giữa nhà đầu tư với các doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu quan trọng nêu trên, đồng thời cũng thiết lập mối quan hệ giữa Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) với đơn vị phát hành chứng khoán, đảm bảo tính trung thực, công khai của thông tin giao dịch.

Vậy cụ thể điều kiện niêm yết chứng khoán là gì? Hãy cùng 24hMoney tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Niêm yết chứng khoán là gì?

Điều kiện niêm yết chứng khoán mới nhất 2021 dành cho các doanh nghiệp
Niêm yết chứng khoán là gì?

Niêm yết chứng khoán là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên SGDCK. Hiểu một cách đơn giản thì đây chính là việc đưa chứng khoán của một công ty vào giao dịch trên một sở giao dịch chứng khoán sau khi được sở giao dịch đó chấp thuận.

Niêm yết chứng khoán bao gồm: niêm yết tên công ty /tổ chức phát hành và giá của chứng khoán.

2. Phân loại niêm yết chứng khoán

Có những loại niêm yết chứng khoán sau:

  • Niêm yết lần đầu: Là việc đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO) của tổ chức phát hành sau khi đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy định từ SGDCK.
  • Niêm yết bổ sung: Là việc niêm yết thêm các cổ phiếu mới của công ty niêm yết (sau khi được SGDCK chấp thuận), nhằm tăng vốn hoặc phục vụ những mục đích hợp pháp khác như: chi trả cổ tức, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, sáp nhập…
  • Thay đổi niêm yết: Là việc công ty niêm yết thay đổi các thông số của chứng khoán đã niêm yết như: tên giao dịch, khối lượng, mệnh giá,...
  • Niêm yết lại: Là việc SGDCK cho phép một công ty được niêm yết trở lại các chứng khoán mà trước đó đã bị hủy niêm yết do không đáp ứng tiêu chuẩn hay quy định liên quan.
  • Niêm yết cửa sau: Là việc một tổ chức niêm yết sáp nhập, liên kết hay tham gia vào hiệp hội với một tổ chức khác không niêm yết. Sau đó, các tổ chức không niêm yết lấy được quyền kiểm soát các tổ chức niêm yết.
  • Niêm yết toàn phần: Là việc niêm yết toàn bộ các chứng khoán của công ty sau khi đã IPO trên một SGDCK.
  • Niêm yết từng phần: Là việc niêm yết một phần trong số chứng khoán đã IPO của lần phát hành đó, phần còn lại công ty quyết định không niêm yết hoặc để lại cho lần sau. Thông thường, loại niêm yết này sẽ xảy ra ở các doanh nghiệp lớn, chịu kiểm soát bởi Chính phủ (chỉ niêm yết những chứng khoán đã phát hành ra thị trường và do các nhà đầu tư các nhân nắm giữ, còn phần nắm giữ của Chính phủ thì không được niêm yết.

3. Niêm yết chứng khoán nhằm mục đích gì?

Điều kiện niêm yết chứng khoán mới nhất 2021 dành cho các doanh nghiệp
Niêm yết chứng khoán nhằm mục đích gì?

Hoạt động niêm yết chứng khoán được thực hiện với 4 mục đích cụ thể như sau:

  • Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến chứng khoán của các tổ chức phát hành, đảm bảo tính trung thực, công khai, công bằng cho các bên tham gia thị trường.
  • Xây dựng lòng tin với nhà đầu tư về chứng khoán và TTCK bằng việc đưa lên giao dịch những chứng khoán đảm bảo chất lượng, đồng thời giúp TTCK hoạt động ổn định.
  • Cung cấp các thông tin minh bạch, trung thực cho nhà đầu tư để giúp họ có quyết định đầu tư đúng đắn.
  • Thông qua việc niêm yết công khai mà giá của chứng khoán được xác định công bằng, minh bạch (dựa trên cơ sở cung - cầu).

4. Thủ tục niêm yết chứng khoán

Thủ tục để niêm yết chứng khoán bao gồm các bước sau:

Bước 1: Tổ chức phát hành nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán lên Sở giao dịch chứng khoán
Bước 2: Sở giao dịch chứng khoán thẩm định hồ sơ đăng ký.

Đây là bước kiểm tra ban đầu. Nếu tổ chức nào không đáp ứng điều kiện do Sở giao dịch chứng khoán đặt ra thì sẽ bị loại trước khi nộp đơn xin niêm yết chính thức.

Các vấn đề được xem xét tại vòng này bao gồm:

♦️ Các điều khoản thành lập công ty, các công ty con và chi nhánh trực thuộc;

♦️ Tổ chức nhân sự, hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát...của công ty;

♦️ Việc nắm giữ chứng khoán, chia lợi nhuận, quyền lợi của hội đồng quản trị, cổ đông chính;

♦️ Các khoản nợ, các vụ kiện tụng liên quan và vấn đề về pháp lý của công ty;

♦️ Khả năng sản xuất - kinh doanh và đầu tư của công ty trong tương lai;

♦️ Việc công bố thông tin tài chính của công ty như: kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời, cơ cấu vốn,...

Sau khi kiểm tra các tài liệu do công ty xin niêm yết nộp, SGDCK tiến hành đặt câu hỏi cho công ty và nghe trả lời cho tới khi mọi chi tiết được sáng tỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có thể đến công ty xin niêm yết để kiểm tra các tài liệu và thu thập thêm thông tin cần thiết. Cuối cùng, SGDCK sẽ thảo luận về kết quả của việc thẩm tra và ra quyết định cuối cùng, thông báo cho công ty đăng ký niêm yết.

Bước 3: Công ty đăng ký niêm yết nộp đơn xin phép niêm yết chính thức lên SGDCK:

Sau khi nhận được thông báo chấp thuận hồ sơ từ Sở giao dịch, công ty đăng ký niêm yết phải nộp đơn kèm hồ sơ xin niêm yết chính thức. Ngoài các tài liệu trong bộ hồ sơ xin thẩm định trước đó, công ty cần bổ sung các tài liệu sau:

Đơn xin niêm yết chứng khoán theo mẫu quy định của SGDCK (nêu rõ lý do xin niêm yết);

Tài liệu về điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty đã được phê chuẩn;

Mẫu chứng chỉ chứng khoán niêm yết cùng mệnh giá cũng như các đặc quyền, số lượng mỗi loại chứng khoán cần được niêm yết;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty do cơ quan có thẩm quyền cấp;

Những tài liệu khác theo yêu cầu riêng biệt của từng Sở giao dịch.

Bước 4: Công ty đăng ký niêm yết ký hợp đồng niêm yết với Sở giao dịch

Hợp đồng niêm yết này gồm những nội dung như: công bố thông tin minh bạch theo định kỳ, công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực và phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán; không cạnh tranh thiếu lành mạnh,...

Bước 5: SGDCK kiểm tra niêm yết chứng khoán

Sau khi nhận được đơn xin niêm yết và ký hợp đồng niêm yết, SGDCK sẽ kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của thông tin sau đó đối chiếu với các điều kiện đã đặt ra. Ở bước này, Sở giao dịch sẽ tập trung vào các vấn đề như: khả năng sinh lời và ổn định, lợi ích của công chúng và đảm bảo quyền lợi của công ty, tổ chức quản lý và hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty.

Bước 6: SGDCK phê chuẩn niêm yết chứng khoán

Sau khi kiểm tra niêm yết, nếu xét thấy công ty đăng ký đáp ứng đủ những điều kiện về niêm yết chứng khoán, hội đồng quản trị SGDCK sẽ phê chuẩn để chứng khoán đó được chính thức niêm yết trên sàn.

Bước 7: Khai trương niêm yết (Định ngày giao dịch chứng khoán đầu tiên)

Sau khi phê chuẩn niêm yết chứng khoán cho công ty, SGDCK sẽ quy định cụ thể thời gian niêm yết và mời chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc điều hành của công ty đó để định ngày giao dịch đầu tiên.

5. Điều kiện niêm yết chứng khoán

Điều kiện niêm yết chứng khoán mới nhất 2021 dành cho các doanh nghiệp
Điều kiện niêm yết chứng khoán là gì?

TTCK là nơi niêm yết chứng khoán của các công ty, doanh nghiệp hay tổ chức có đủ điều kiện niêm yết và nhà đầu tư sẽ tìm đến để mua bán, trao đổi cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 109, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019, các điều kiện này bao gồm:

5.1. Vốn điều lệ

Theo quy định tại Điều 15 Luật chứng khoán 2019, để được niêm yết chứng khoán, công ty, tổ chức phát hành phải có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên (tính theo giá trị ghi sổ kế toán) tại thời điểm đăng ký chào bán.

5.2. Thời gian và kết quả hoạt động

  • Doanh nghiệp phải hoạt động trên 01 năm dưới hình thức Công ty Cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết trên TTCK (trừ trường hợp Doanh nghiệp có vốn Nhà nước cổ phần hoá gắn với niêm yết).
  • Trong vòng 02 năm liên tục tước thời điểm đăng ký niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đó.
  • Công ty không nằm trong diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về các tội liên quan đến xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chưa được xóa án tích.

5.3. Cơ cấu cổ đông

  • Đại Hội đồng cổ đông của công ty phải nhất trí thông qua phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ TTCK.
  • Có ít nhất 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Nếu vốn điều lệ của Công ty phát hành từ 1,000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ trên phải đạt ít nhất 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
  • Trước khi Công ty chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, các cổ công lớn của Công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của Công ty phát hành ít nhất trong 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện đợt chào bán cổ phiếu, Công ty phải có cam kết và thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

5.4. Các điều kiện khác

  • Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán phải hợp lệ theo quy định của pháp luật.
  • Có công ty chứng khoán tư vấn về hồ sơ Đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng (trừ trường hợp Công ty niêm yết là Công ty Chứng khoán).
  • Công ty chứng khoán phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Lưu ý: Đây là những điều kiện chung về niêm yết chứng khoán theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết trên TTCK sẽ phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, cụ thể của từng sàn giao dịch chứng khoán (HNX, HOSE, UPCOM). Những thông tin này được 24hMoney đề cập chi tiết trong các bài viết sau:

  • Điều kiện niêm yết trên sàn HNX
  • Điều kiện niêm yết trên sàn HOSE
  • Điều kiện niêm yết trên sàn UPCOM

6. Kết luận

Trong bài viết trên, chúng tôi đã gửi tới bạn điều kiện niêm yết chứng khoán mới nhất 2021. Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho bạn kiến thức đầy đủ về vấn đề này để có bước chuẩn bị kỹ càng cho việc niêm yết chứng khoán của công ty mình. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận dưới đây để chuyên gia của 24hMoney giải đáp nhé! Đừng quên tải app 24hMoney hoàn toàn miễn phí để cập nhật những thông tin nóng hổi nhất về Chứng khoán, Tài chính, Bất động sản...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại