Điều kiện để Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm vào một ngân hàng
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ quy định rõ các trường hợp can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp phải kiểm soát đặc biệt.
Chiều ngày 15/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ngay sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, ông Vũ Hồng Thanh cho biết về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện ngay và kịp thời việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.
Cũng có ý kiến đề nghị kiểm soát đặc biệt với trường hợp lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% vốn điều lệ. Ý kiến khác cho rằng nên giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định tại thời điểm áp dụng kiểm soát đặc biệt.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp nào phải kiểm soát đặc biệt và trường hợp NHNN xét thấy tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có khả năng phục hồi, thì đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Tương tự, có ý kiến đề nghị giao cấp có thẩm quyền là Thủ tướng hoặc NHNN thực hiện những giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ với mục đích bảo đảm an toàn hệ thống.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, về vấn đề can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có lỗ lũy kế trên 15% vốn điều lệ (gồm vốn được cấp, quỹ dự trữ) và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Ở lần chỉnh lý này, dự thảo Luật cũng được bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng. Điều này để tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua. Đến khi cơ quan chức năng phát hiện đã muộn, khiến việc xử lý khó khăn, phải dùng nhiều nguồn lực.
Cũng theo dự thảo Luật, trường hợp tổ chức tín dụng được NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt sẽ gồm: Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nhưng không có phương án khắc phục gửi NHNN hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN; Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục; Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, các trường hợp tổ chức tín dụng: Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục; Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản cũng sẽ được NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định: "Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận