Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Nội dung trên vừa được quy định cụ thể tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
1- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.
2- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
3- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
4- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện trên để chuyển thành công ty cổ phần gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định quy định có 2 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập: 1- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 2- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo Nghị định, 4 đối tượng được mua cổ phần gồm: Nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược; các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.
Quy định về chủ sở hữu phần vốn nhà nước
Nghị định quy định Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.
Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên là chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận