Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed hạ lãi suất trong kỳ họp tiếp theo vào ngày 18/9?
Qua bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole diễn ra vào cuối tháng 8/2024, giới chuyên gia càng thêm niềm tin về việc Fed sẽ đưa ra quyết định hạ lãi suất trong kỳ họp tiếp theo vào ngày 18/09.
Câu hỏi được đặt lên bàn cân ở thời điểm hiện tại sẽ là: Một đợt cắt 50 điểm cơ bản? Hay đơn thuần chỉ là một đợt cắt lãi suất mang tính thỏa hiệp với 25 điểm cơ bản dù kịch bản thứ hai vẫn đang có phần phù hợp hơn với dự phóng của Fed về bối cảnh lạm phát hiện tại.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, nhóm chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset tiếp tục giữ quan điểm về việc hạ lãi suất từ 25 điểm đến 50 điểm cơ bản trong các kỳ họp còn lại của năm 2024 sẽ khó có thể xoay đổi cục diện ở hiện tại do chịu ảnh hưởng bởi độ trễ trong chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, Fed cũng đang giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kể từ tháng 6/2024 từ 60 tỷ USD đối với tín phiếu về 25 tỷ USD trong khi giữ nguyên mức thu hẹp 35 tỷ USD một tháng đối với các tài sản chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản thế chấp bằng bất động sản (MBS).
"Do đó, Fed sẽ khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của thị trường bằng các đợt cắt lãi suất liên tục với quy mô lớn do có thể mang lại rủi ro bất đối xứng trong chính sách tiền tệ", trích nhận địch của Chứng khoán Mirae Asset.
Nhóm phân tích chỉ thêm, ở một diễn biến khác, số liệu thống kê cho thấy thị trường chứng khoán tại Mỹ thường không phản ứng quá tích cực đối với lần cắt lãi suất đầu tiên của Fed.
Thay vào đó, nguyên nhân dẫn đến cắt lãi suất hay lộ trình cắt lãi suất sẽ mang đến những thay đổi cốt lõi quan trọng hơn; đặc biệt khi thời kỳ lãi suất cận 0 dường như đã chấm dứt tại Mỹ với dự phóng lãi suất của Fed đối với năm 2025 sẽ chỉ có thêm 4 đợt giảm lãi suất với mỗi lần giảm 0,25% và tương tự với năm 2026.
Theo kết quả thống kê kể từ giai đoạn 1980 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng trưởng bình quân gần 6,74% sau 200 ngày kể từ lần cắt lãi suất đầu tiên của Fed. Tuy nhiên, nếu ta loại bỏ giai đoạn 1979 đến 1982 khi Hoa Kỳ chuyển mình từ nền kinh tế chú trọng sản xuất sang dịch vụ và đồng thời ghi nhận suy thoái kép trong 3 năm đầu giai đoạn 1980 thì bình quân chỉ số S&P 500 gần như không thay đổi quá nhiều (tăng trưởng bình quân 0,27% sau 200 ngày) kể từ lần cắt lãi suất đầu tiên.
Trên thực tế, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng bối cảnh kinh tế hiện tại khó có thể đảm bảo rằng Fed sẽ đạt được viễn cảnh hạ cánh mềm khi các hoạt động kinh tế vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các hoạt động sản xuất tiếp tục bị thu hẹp trong khi hoạt động chi tiêu tiêu dùng thể hiện qua doanh số bán lẻ tiếp tục gặp sức ép bởi gia tăng trong tỷ lệ chậm trả thẻ tín dụng (hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ chi nhánh Philadelphia).
Bối cảnh của thị trường chứng khoán đồng thời phản ánh một bức tranh trái chiều khi hàng loạt chỉ số chính tăng lên mức đỉnh mới trong lịch sử với phần lớn tăng trưởng của các chỉ số chính vẫn đang duy trì sự phụ thuộc đáng kể bởi nhóm cổ phiếu Công nghệ xoay quanh làn sóng đầu tư vào Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Tại đây, một số nhà nghiên cứu đã dần đặt dấu hỏi về khả năng sinh lời đến từ chi phí vốn đầu tư khổng lồ vào công nghệ này; trong khi đó, nhóm phân tích cho rằng đà tăng không bền vững trong thời gian qua đã khiến việc thị trường dần kỳ vọng vào mức định giá hoàn hảo đối với các cổ phiếu công nghệ tiêu biểu như NVIDIA khi cổ phiếu của công ty này giảm sốc hơn 9,5% trong ngày 03/09 dù trước đó công ty đã tiếp tục báo cáo tăng trưởng doanh thu gấp 2 lần cùng kỳ hay lợi nhuận ròng tăng gấp 6 lần cùng kỳ trong quý 2/2024.
Đà giảm của cổ phiếu NVIDIA nhanh chóng khiến toàn bộ các chỉ số chính giảm sâu chỉ trong những ngày đầu tiên của tháng 9.
Nhìn vào trung hạn, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng áp lực điều chỉnh đến từ cổ phiếu NVIDIA và dần lan tỏa đến các cổ phiếu công nghệ sẽ là áp lực khó tránh khỏi khi làn sóng đầu tư vào AI chỉ trở nên hiện hữu vào cuối năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT và nhóm cổ phiếu công nghệ chỉ thực sự bùng nổ trong đầu năm 2023 đến nay khi tỷ lệ chấp nhận đối với công nghệ mới trở nên bùng nổ với số lượng người dùng tăng chóng mặt và số lượng phần mềm và công cụ được bổ trợ bằng AI tăng lên cũng như doanh thu và lợi nhuận đồng thời được hưởng lợi bởi mức nền thấp của năm 2023.
Vì thế, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng thị trường đang duy trì mức kỳ vọng quá cao với mức định giá cầu toàn đối với cổ phiếu NVIDIA sẽ là một rủi ro cần phải theo dõi khi năm 2025 sẽ là năm đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng thực tế trên mức nền đã cao của năm 2024.
Ở một góc nhìn toàn cảnh, nhóm phân tích nhấn mạnh, sự thận trọng sẽ là yếu tố tiên quyết trong các tháng còn lại của năm 2024 khi các động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu như Trung Quốc vẫn đang chật vật trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng trong giai đoạn chuyển giao khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào bất động sản cũng như việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được cho là đã và đang có đủ các điều kiện để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ là một yếu tố rủi ro cần theo dõi đối với các hoạt động Carry Trade.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận