Điều gì sẽ giúp Việt Nam đạt được khát vọng là nước phát triển vào năm 2045?
Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng chỉ có cải cách thể chế mới có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa đất nước lên một tầm cao mới.
Việt Nam là một minh chứng điển hình cho sự phát triển thành công trong 35 năm vừa qua, nhưng ngay từ năm 2010 chính phủ đã nhận ra rằng Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng. Những động lực tăng trưởng truyền thống – tích lũy vốn hiện vật, lợi thế về dân số, nhân khẩu học và việc mở rộng sản xuất công nghiệp, đa phần ở các ngành thâm dụng lao động – đang dần cạn kiệt. Việt Nam cũng thừa nhận là mô hình tăng trưởng hiện tại cần xét đến tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng mở rộng (tầng lớp trung lưu được định nghĩa là những người có mức thu nhập cao hơn 15 USD một ngày) với ước tính 50% dân số sẽ thuộc tầng lớp này vào năm 2035, so với mức khoảng 18,5% ở thời điểm năm 2018. Vì vậy, chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã và đang phối hợp nghiên cứu để đề xuất một cơ cấu mô hình tăng trưởng mới cho tương lai
Để cải thiện vốn vật chất thì ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng mới và hiện đại còn đòi hỏi phải cải thiện về hiệu quả quản lý đầu tư công, trong đó bao gồm cả việc vận hành, bảo trì, và sử dụng tài sản công hiện có. Việc này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở hạ tầng. Cũng cần phải lên kế hoạch và phối hợp đầu tư công tốt hơn để tối ưu hóa sức mạnh/tác động tổng hợp giữa các ngành và giữa các vùng, bao gồm giữa thành thị và nông thôn và giữa thị trường trong nước và toàn cầu. Nên ưu tiên chất lượng cơ sở hạ tầng bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Liên quan đến vốn con người, đối với một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam đạt thành tích cao về giáo dục phổ thông, nhưng giáo dục đại học, đào tạo kỹ năng kỹ thuật – nghề nghiệp, và các chính sách bảo trợ xã hội còn kém phát triển. Hiệu quả nguồn vốn con người sẽ được nâng cao bằng cách loại bỏ những rào cản đối với những người mới gia nhập thị trường lao động hoặc những người bị phân biệt đối xử hay bị hạn chế tiếp cận thông tin trong quá trình học tập và tìm việc, trong đó có người dân tộc thiểu số và phụ nữ - không chỉ vì lý do bình đẳng mà còn vì hiệu quả kinh tế do quy mô tương đối của lực lượng lao động đang ngày càng bị thu nhỏ. Mặc dù Việt Nam đã sắp hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng chất lượng chăm sóc y tế cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh (dự tính đến năm 2030, khoảng 15% tổng dân số sẽ đạt hơn 65 tuổi, so với chỉ 8% vào năm 2020).
Cuối cùng, việc nâng cao hiệu quả vốn tự nhiên đòi hỏi cải thiện đáng kể về cả tính bền vững và khả năng chống chịu vì Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều nước cùng trình độ phát triển 5 . Phát triển bền vững liên quan đến việc chuyển từ thâm dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ tăng trưởng trong ngắn hạn sang sử dụng những tài sản này hiệu quả hơn. Phát triển bền vững cũng đòi hỏi phải chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, có nhiều cơ hội cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, kiểm soát ô nhiễm môi trường nghiêm khắc hơn và chuẩn bị đối phó với các tác động không tránh khỏi của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo Sự thay đổi của cải của các quốc gia6 của Ngân hàng Thế giới năm 2018, các quốc gia thận trọng trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên có thể tiến lên cao trên bậc thang phát triển – đồng thời đầu tư ngày càng nhiều hơn vào vốn sản xuất, cơ sở hạ tầng và “vốn vô hình” như kỹ năng con người và giáo dục, các thể chế mạnh, đổi mới sáng tạo và công nghệ mới.
Trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2021 và tiến tới mức tăng trưởng GDP trước đại dịch là 6,0 đến 6,5% từ năm 2022 trở đi. Khi nền kinh tế phục hồi, các chính sách hỗ trợ sẽ giảm dần. Từ năm 2022 trở đi, NHNN sẽ xem xét vận hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng để cân bằng giữa hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe khu vực tài chính. Chính sách tài khóa, trong trung hạn, sẽ lại được củng cố theo hướng thắt chặt để đảm bảo bền vững nợ. Đồng thời, Chính phủ sẽ cần phải cải thiện thu ngân sách và hiệu quả chi tiêu, đặc biệt là chất lượng đầu tư công, để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo.
Sự tăng tốc của ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính sách của Việt Nam:
-Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc thương mại
-Tăng tốc nền kinh tế số
-Sự gia tăng mạnh mẽ các sáng kiến xanh
Đứng trước ngã ba đường, những bước đi của Việt Nam hôm nay sẽ quyết định liệu, trong hai thập kỷ tới, Việt Nam có thể trở nên thành công như Hàn Quốc hay sa vào bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam vẫn một mục tiêu bao năm qua là phấn đầu 2045 trở thành nước phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhưng về cách thực hiện thì đã thay đổi nhiều để tìm ra hướng đi đúng đắn.
Nguồn: worldbank
Link báo cáo đầy đủ: https://bit.ly/VietnamSCD2021
Bình luận