Điều gì là cốt lõi bảo đảm cho thị trường trái phiếu bền vững và minh bạch hơn?
Từ trước đến nay, các nhà đầu tư luôn có tâm lý xem tài sản đảm bảo như một thước đo an toàn của trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Theo đó, đây dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, đi cùng việc phát triển "nóng" là một loạt những vấn đề phát sinh mà hành lang pháp lý chưa thể bắt nhịp kịp. Điển hình như vừa qua, UBCKNN đã phải ra quyết định hủy 9 lô trái phiếu của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phần nào hé lộ những lỗ hổng và rủi ro có thể xuất hiện trên thị trường.
Theo đó, muốn Chiến lược tài chính đến năm 2030 (quy mô trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 đạt 20% GDP và đạt 25% GDP vào năm 2030) hoàn thành đúng kế hoạch thì nhà điều hành phải giải quyết bài toán về định hướng thị trường phát triển bền vững và minh bạch.
Dẫn lời Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị, tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, yếu tố khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn không nằm hoàn toàn ở tài sản đảm bảo mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu.
"Tại Mỹ, người ta nhìn vào sự thông minh của Elon Musk để mua trái phiếu của Tesla, chứ không phải dựa vào Tesla có bao nhiêu tài sản đảm bảo. Người ta mua vì nhìn thấy triển vọng về sự phát triển và tin vào sự thông minh của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp sẽ tạo nên sự tin cậy với thị trường, giống như không ai tin Microsoft sẽ phá sản", GS. Đặng Hùng Võ nói.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM, cho rằng, nguyên tắc cho vay và đầu tư trái phiếu, tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc xử lý tài sản đảm bảo không chỉ tốn kém về chi phí, thời gian mà còn không hề dễ dàng, nếu là bất động sản hoặc dự án công - tư, còn liên quan đến các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay các luật khác. Kế hoạch thí điểm kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu cho thấy điều này.
Do vậy, theo TS. Cấn Văn Lực để đảm bảo an toàn cho thị trường trái phiếu cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.
Cụ thể, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.
Nhìn từ kinh nghiệm của thị trường trái phiếu Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, Việt Nam nên nghiên cứu những điều khoản tại chương về xếp hạng tín nhiệm tại Đạo luật Doo-Frank để học hỏi những quy định phù hợp có thể áp dụng cho Việt Nam.
Đặc biệt cần quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC. Các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: đầu tư và không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các qui định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận