Điều gì đang chờ hàng trăm nghìn người Afghanistan mất nhà cửa?
Kênh truyền hình Euronews dẫn dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho biết, do cuộc khủng hoảng kéo dài ở Afghanistan, hơn 270.000 người dân đã buộc phải rời bỏ nhà cửa từ đầu năm đến nay.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Afghanistan đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, ảnh hưởng đến một số lượng lớn trẻ em. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, hơn 80 nghìn người dân đã mất nhà cửa do mức độ bạo lực gia tăng ở quốc gia Nam Á này. Gần một nửa số thương vong là phụ nữ và trẻ em.
Cuộc khủng hoảng đã gây ra những hậu quả tàn khốc không chỉ đối với thường dân Afghanistan, mà còn cả châu Âu. Nhiều công dân Afghanistan buộc phải chạy trốn khỏi chiến tranh tìm kiếm nơi ẩn náu ở các nước châu Âu.
Bà Anita Bay Bundegaard, Giám đốc Tổ chức cứu trợ trẻ em châu Âu cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng về sự gia tăng bạo lực trong những tháng gần đây và những hậu quả mà đặc biệt đối với trẻ em”.Các tổ chức cứu trợ đã lên tiếng báo động về khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đối với thường dân Afghanistan.
Khi ngày càng có nhiều người Afghanistan cố gắng tìm nơi trú ẩn khỏi xung đột và bạo lực, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lo ngại số lượng người di cư sẽ gia tăng trên “lục địa già”.
Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng người di cư giai đoạn 2015-2016, vốn chứng kiến hàng trăm nghìn lượt người đến từ Syria. Cuộc khủng hoảng này đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt trong khối 27 quốc gia về việc chia sẻ gánh nặng người di cư.
Vào tháng 7, Thủ tướng Angela Merkel, người đã chào đón những người tị nạn từ Syria tới Đức vào năm 2015 theo phương châm nổi tiếng “Chúng ta có thể làm được”, giờ đây đã thay đổi.
“Đức không có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả các vấn đề và chúng tôi sẽ không thể tiếp nhận tất cả những người tị nạn”, bà Merkel nói.
“Không thể có chuyện Áo và Đức sẽ giải quyết vấn đề Afghanistan cho EU”, Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer nói với các phóng viên khi ông phàn nàn về tình trạng gia tăng người di cư bất thường trong năm nay.
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng báo cáo về dòng người di cư tăng bất thường. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã giam giữ hơn 27 nghìn người di cư từ Afghanistan tại biên giới Iran. Biên giới Iran-Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành con đường buôn lậu phổ biến đối với những người di cư Afghanistan tìm cách vào Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiếp tục hành trình đến châu Âu.
Ngoài tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ, Litva cho biết những người tị nạn Afghanistan đã bắt đầu đến nước này thông qua Belarus, cho thấy một tuyến đường mới có thể đang ở giai đoạn sơ khai. Vilnius đã cáo buộc Minsk tổ chức các cuộc vượt biên bất hợp pháp như một phần của “cuộc chiến lai” chống lại EU.
Trước đó, cựu dịch giả người Afghanistan Ismail Khan cho biết, tất cả các công dân từng hợp tác với quân đội Mỹ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Theo ông Khan, các tay súng của phong trào Taliban cực đoan sẽ không thể hiện lòng thương xót đối với những cư dân từng hợp tác với quân đội Mỹ. “Họ sẽ giết từng người, nếu họ chiếm đất nước”, ông Khan cảnh báo.
Người phiên dịch nhấn mạnh rằng, Taliban không có kế hoạch giải quyết hòa bình trong cuộc xung đột hiện tại. “Họ sẽ không đạt được hòa bình, nếu họ muốn thì điều đó đã xảy ra từ lâu, nhưng chúng tôi đã nghe nói về các cuộc đàm phán và liên hệ trong nhiều năm”, ông Khan nói.
Hôm 2/8, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Afghanistan do lo ngại về sự an toàn của những người từng làm việc với lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á này trong bối cảnh Washington chấm dứt can dự quân sự kéo dài 2 thập kỷ ở Afghanistan.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ trong bối cảnh Taliban leo thang bạo lực, Chính phủ Mỹ tiếp tục nỗ lực trợ giúp những người Afghanistan đã từng làm việc cho Mỹ, tạo cơ hội cho họ tới Mỹ định cư và ổn định cuộc sống mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận