Điều chỉnh quy hoạch thành phố thông minh: Tạo dựng không gian đô thị hiện đại
Hình thành một thành phố thông minh, hiện đại, bảo đảm các yếu tố bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn trước những rủi ro của thiên tai, dịch bệnh dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với Hà Nội hiện nay.
Lời giải cho thách thức đô thị
Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là những thách thức, bất cập trong nhiều lĩnh vực cần chính quyền phải giải quyết như quy hoạch, xây dựng, giao thông, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, yêu cầu về bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trước nguy cơ dịch bệnh lây lan cũng là một bài toán không hề dễ đối với những nhà quản trị đô thị.
Tuy nhiên, các chuyên gia quy hoạch xây dựng đô thị cho rằng, những thách thức sẽ được giải quyết một cách dễ dàng và thuận lợi hơn khi chính quyền TP quản trị kinh tế và đời sống bằng các công nghệ hiện đại như nhận diện khuôn mặt, công nghệ blockchain, hệ thống giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa… Nói cách khác, cần xây dựng, quy hoạch đô thị hiện đại, thông minh, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thực tế cho thấy, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng đô thị thông minh như nguồn nhân lực, kỹ thuật, dữ liệu, công nghệ… Dự án thành phố thông minh thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được khởi công vào tháng 10/2019 là một minh chứng cho sự sẵn sàng của Hà Nội. Với dự án này, những kinh nghiệm ưu tú nhất về phát triển đô thị sẽ được áp dụng tại đây.
Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ giải quyết các thách thức của TP hiện nay như sự quá tải, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, đồng thời là bước đệm cho sự phát triển bền vững về môi trường, kinh tế, văn hóa cho Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích: Hà Nội khi bắt đầu đưa ra một chủ trương xây dựng mới thường gặp nhiều vấn đề tranh cãi trong cách làm, cách quản lý…
Tuy nhiên, các công trình như cầu Nhật Tân, tuyến đường Võ Nguyên Giáp… hoàn thành đã chứng minh tính đúng đắn, hợp lý của chủ trương xây dựng mới hiện đại. Những công trình này không chỉ là cầu nối với Thủ đô lịch sử, mà còn là biểu tượng hiện đại cho thấy TP sẵn sàng hội nhập. Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh tại tuyến Nhật Tân - Nội Bài trước hết có thể khẳng định là hoàn toàn hợp lý về mặt quy trình phát triển tất yếu, đi theo đúng xu hướng của thế giới.
Thứ nữa, Hà Nội đã đặt mục tiêu kiến tạo một không gian thông minh, thuận lợi kết nối giao thông và thuận lợi cho chính người dân khi đồng bộ yếu tố hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ có một khu đô thị tầm cỡ, đáng sống nhất, khắc phục được những điểm yếu về quy hoạch và đúng với phương châm đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song để dự án thành công, phải thực hiện theo lộ trình, có bước đi vững chắc, hợp lý và có tầm nhìn quản lý tổng thể không để xảy ra sai sót hay xung đột trong quá trình thực hiện.
Cần những ưu đãi
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, khu vực phía Bắc sông Hồng đã được định hướng sẽ trở thành trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản khu di tích thành Cổ Loa và giá trị cảnh quan thiên nhiên đầm Vân Trì - sông Thiếp.
Nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) đã được TP Hà Nội phê duyệt, kèm theo cơ chế đặc thù phát triển dự án hai bên tuyến. Sau khi có quy hoạch, nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào phát triển khu vực này với các dự án tầm cỡ khu vực. Điển hình như dự án Công viên giải trí Kim Quy (Tập đoàn Sun Group), Trung tâm hội chợ - triển lãm quốc gia (Tập đoàn Vingroup), Tổ hợp y tế TH (tập đoàn TH Group).
Đặc biệt, dự án Thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) thực hiện đã động thổ vào tháng 10/2019. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Để thúc đẩy dự án Thành phố thông minh sớm thành hiện thực, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 23 được tổ chức mới đây, TP Hà Nội đã thông qua chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại khu vực giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 của dự án thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Hiện các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp khi triển khai dự án. Vì vậy, sự việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tại khu vực dự án Thành phố thông minh với gần 272ha là rất cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế.
Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo dựng một không gian đô thị hiện đại mới, khu vực đặc thù nơi cửa ngõ phía Bắc Thủ đô là rất cần thiết. Hơn nữa đây là một dự án trọng điểm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng thì nên có chính sách ưu đãi và có điều chỉnh quy hoạch.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu điều chỉnh cần có tầm nhìn đồng bộ, xem xét việc điều chỉnh cả 5 giai đoạn của dự án. Đặc biệt trong quá trình điều chỉnh quy hoạch cần tôn trọng vai trò của không gian xanh và đất công cộng của TP…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận