Điều chỉnh giá bán điện 3 tháng/lần: EVN phải minh bạch, tránh lạm quyền
Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Đề xuất này được đánh giá là để "phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh giật cục".
Ứng phó kịp thời với biến động giá đầu vào
Tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (Quyết định 24) quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần.
Thực tế cho thấy, sau khi có Quyết định 24 của Chính phủ quy định điều chỉnh 6 tháng một lần, nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần, vào năm 2017 tăng 6,08%, năm 2019 là 8,36%, sau đó tới tháng 5 vừa qua mới tăng thêm 3%.
Việc để giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi trong nhiều năm đã bộc lộ những hạn chế và bất cập của ngành điện: cơ cấu điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào (với mức giá 1.864,44 đồng/kwh, EVN lỗ gần 168 đồng/kWh điện bán ra) và chưa đồng bộ với thực tế hình thành và phát triển thị trường điện.
Bộ Công Thương đánh giá, thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa có thể xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá điện và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường. “Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá (thông thường họp 1 quý một lần) để đánh giá tình hình điều hành giá quý trước và dự kiến biện pháp điều hành giá của các quý tiếp theo trong năm”- báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Đánh giá về đề xuất của Bộ Công Thương, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện là cần thiết, nhất là trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất nhiệt điện trên thị trường thế giới biến động nhanh và thay đổi thất thường sẽ tác động rất mạnh đến giá thành sản xuất điện trong nước.
“Theo tôi, giá bán lẻ điện được điều chỉnh linh hoạt, xoá bỏ bất cập giá thành sản xuất cao hơn giá bán điện, giúp DN và hộ gia đình điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện. Bên cạnh đó, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ truyền đi tín hiệu giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường có lên, có xuống để DN và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động”- TS Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm.
Cho EVN thực hiện tăng giá điện đến 5%, có khả thi?
Cũng theo dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.
Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN. Và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.
Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Công Thương, công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân sẽ bổ sung các khoản giảm trừ doanh thu, quy định xác định giá điện gắn với giá thành, xem xét các khoản chi phí khác (chênh lệch tỉ giá, lỗ sản xuất kinh doanh...) chưa được tính vào giá điện, sẽ căn cứ báo cáo tài chính đã được kiểm toán. EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này. Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp khi thẩm định dự thảo đã đề nghị Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo Luật Giá, Luật Điện lực.
Các chuyên gia cho rằng việc giá điện tính thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá của EVN là hợp lý, song cần phân bổ có lộ trình để tránh giá tăng sốc.
PGS.TS Trần Văn Bình (Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích, năm 2022, EVN ghi nhận lỗ hơn 26.000 tỷ đồng do biến động quá cao của giá nhiên liệu (than, dầu, khí) cho phát điện. Ngoài ra, tập đoàn này còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá khoảng 14.725 tỷ đồng trong 4 năm (2019 - 2022) chưa được hạch toán, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương. Như vậy, lỗ sản xuất kinh doanh 2022 và chênh lệch tỷ giá của EVN dồn từ các năm chưa được hạch toán lên khoảng 40.925 tỷ đồng.
Trong khi giá bán đầu ra tăng 3% từ tháng 5/2023, ước tính Tập đoàn này thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong hơn nửa cuối năm 2023, mức này bằng 1/5 số lỗ và chênh lệch tỷ giá ghi nhận của EVN. Nếu việc cộng thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá hàng chục nghìn tỷ đồng vào giá bán lẻ điện bình quân có thể khiến giá tăng sốc. Để tránh nguy cơ này, PGS.TS Trần Văn Bình khuyến nghị dự thảo sửa đổi cần bổ sung quy định về tỷ lệ, lộ trình phân bổ phù hợp.
Ở góc độ vĩ mô, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, suy giảm tổng cầu thế giới gây áp lực lớn cho tăng trưởng Việt Nam, khó khăn của DN, người dân. "Nếu để giá điện tăng sốc sẽ gây lạm phát kỳ vọng, khiến kiểm soát lạm phát khó khăn hơn khi giá các mặt hàng khác tăng theo" - TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Phải minh bạch, tránh độc quyền
Đánh giá cao việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần theo Bộ Công Thương là để "phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh giật cục", tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị, để tránh lạm quyền, cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.
“Đơn cử, sau khi EVN công bố kết quả kinh doanh chẳng hạn giá thành là 5 đồng, nhưng sau khi kiểm toán xác nhận chỉ là 3 đồng thì cơ quan chức năng sẽ dựa trên kiểm toán để xác định đúng giá, rồi mới chuyển đến cơ quan thẩm định lại nhằm đánh giá mức độ kinh doanh lỗ hay lãi rồi mới công bố. Cuối cùng là quyết định có điều chỉnh giá hay không!?” - PGS. TS Ngô Trí Long nói và cho rằng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, hiện nay thị trường phân phối điện ở Việt Nam vẫn là thị trường độc quyền. Mặc dù có 7 đầu mối kinh doanh điện, nhưng cuối cùng thẩm quyền phân phối điện vẫn nằm trong tay EVN. "Với tính độc quyền như vậy, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa công khai, minh bạch”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ông Thịnh lưu ý, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh. Thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu quan trọng: phát điện, bán buôn và bán lẻ. Để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.
Trong khi đó, về phía người dân băn khoăn: khoản lỗ của EVN sao lại đưa vào giá thành để bù lỗ? Có nhiều cách để cắt giảm chi phí để tái cấu trúc, giảm thiểu quỹ lương, nhân lực, giá cả vật tư, vật liệu, xây lắp... Cần thanh tra toàn diện ngành điện: từ công tác dự trữ, dự báo, đến các chi tiêu đầu tư ngoài ngành. Cần minh bạch các khoản lỗ của ngành điện
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận