Điều bất ngờ về đại gia 8x sở hữu công ty 22 tỷ USD
Trước khi thành lập loạt công ty có vốn điều lệ khủng trong đó Auto Investment Group với vốn 500.000 tỷ đồng (tương đương 22 tỷ USD), ông Nguyễn Quốc Anh cùng các cộng sự có thời gian khá dài làm nhân viên ở một số công ty trên địa bàn TP.HCM.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, trên địa bàn TP.HCM vừa có một loạt doanh nghiệp có vốn điều lệ khủng được thành lập, đều bởi một nhóm nhà đầu tư thành lập, đứng đầu là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh.
Cụ thể, là CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (Gab Group) có vốn 25.000 tỷ đồng.
Auto Investment Group đăng ký trụ sở tại tầng 46, toà nhà Bitexco Financial Tower, trong khi Gab Group đặt trụ sở tại Tầng 72, Toàn nhà Landmark 81.
Cả Auto Investment Group và Gab Group đều có cùng ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm. Tổng giám đốc 2 công ty là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (SN 1986).
Với Auto Investment Group, ông Quốc Anh sẽ góp 499.998 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 99,996%, cùng với cổ đông Nguyễn Thị Diễm Hằng (0,002%) và Lưu Hữu Thiện (0,002%).
Còn tại Gab Group, cơ cấu cổ đông không có sự khác biệt với ông Quốc Anh (92%), Nguyễn Thị Diễm Hằng (4%) và Lưu Hữu Thiện (4%).
Bên cạnh Auto Investment Group và Gab Group, nhóm nhà đầu tư kể trên còn góp vốn tại CTCP Tập đoàn quà tặng cao cấp toàn cầu (thành lập ngày 28/5/2021, vốn điều lệ 50 tỷ đồng). Ngoài ra, ông Quốc Anh còn nắm 55% vốn CTCP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu (thành lập ngày 20/5/2021, vốn điều lệ 100 tỷ đồng) cùng với các cổ đông Trà Đăng Khoa (15%), Trà Tấn Sang (20%) và Trần Huy Hảo (10%).
Cùng với đó, ông hiện cũng đang là Người đại diện theo pháp luật kiêm giám đốc Công ty TNHH E-Commerce Headhunter Việt Nam (thành lập ngày 27/4/2020, vốn điều lệ 1 tỷ đồng).
Quay trở lại với Auto Investment Group, có thể thấy đây là mức vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt xa vốn hóa nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trên sàn chứng khoán như VinGroup (396 nghìn tỷ đồng), Vietcombank (366 nghìn tỷ đồng)...
Đầu năm 2020, một trường hợp tương tự cũng thu hút sự chú ý lớn là CTCP Tư vấn Đầu tư Quốc tế và Dịch vụ Thương mại USC (USC Interco) với vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng. Dù vậy, một trong những cổ đông của USC Interco cho biết đây là con số đăng ký nhầm do say rượu. USC Interco cũng đã biến mất sau đó.
Bởi vậy, giới đầu tư cũng không khỏi băn khoăn trước các pháp nhân có vốn điều lệ "khủng" vừa được thành lập, cũng như danh tính của nhóm nhà đầu tư bí ẩn nêu trên.
Theo nguồn tin riêng của Nhadautu.vn, trước khi khởi nghiệp với việc thành lập hệ sinh thái kinh doanh nói trên, ông Nguyễn Quốc Anh cùng các cộng sự có nhiều năm làm nhân viên ở một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Chẳng hạn, ông Quốc Anh cách đây ít năm từng là nhân viên tại CTCP Dịch vụ Toàn Cầu Central, hay Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VINDS; bà Nguyễn Thị Diễm Hằng sinh năm 1993, từng là nhân viên tại CTCP Quốc tế Phong Phú.
Nghiêm cấm khai khống vốn điều lệ
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp không thực hiện được đúng cam kết, tức cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, đồng nghĩa sẽ không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
Với trường hợp cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán và không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
Số cổ phần chưa thanh toán còn lại được coi là cổ phần chưa bán và HĐQT được quyền bán.
Nếu không tuân thủ yêu cầu về đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ khi các cổ đông không hoàn tất nghĩa vụ góp vốn, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, khoản 3 điều 28 Nghị định nói trên cho biết, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đang ký bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Điều kiện khắc phục đi kèm là doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn góp theo số vốn đã thực góp.
Cùng với đó, Điều 17 Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận