Điệp khúc ‘thực’ và ‘ảo’ trong thu hút vốn FD
Báo cáo thường niên về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố mới đây cho thấy, số FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên đáng chú ý là vốn FDI thực hiện lại tăng trưởng rất ít. Thực tế, đây cũng là “điệp khúc” đã kéo dài nhiều năm trong thực hiện FDI ở Việt Nam khi sự chênh nhau giữa đăng ký và thực hiện từng được ví là “một trời, một vực”.
Vốn FDI đăng ký tăng mạnh
Số liệu báo cáo của VAFIE cho thấy, năm 2023, Việt Nam dường như đã có một cú “ngược dòng” ngoạn mục về thu hút FDI khi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực đang chứng kiến sự sụt giảm về dòng vốn FDI do những yếu tố bất định địa chính trị cũng như sự thay đổi cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, dòng vốn FDI toàn cầu vẫn có xu hướng suy giảm và phục hồi chậm. Sau khi giảm 12% vào năm 2022, năm 2023, FDI toàn cầu chỉ tăng nhẹ ở mức 3% (đạt mức 1.370 tỷ USD). Cùng với đó, dòng vốn FDI của Mỹ có sự chuyển dịch đáng kể. Nhiều doanh nghiệp Mỹ giảm hoạt động tại Trung Quốc; năm 2023 Trung Quốc chỉ chiếm 1,8% các dự án đầu tư ra nước ngoài của Mỹ, sụt giảm đáng kể so với con số 5,2% năm 2019.
Cơ cấu vốn FDI đăng ký theo ngành vào Việt Nam năm 2023
Còn tại Việt Nam, năm 2023 vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.
Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2023, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD chiếm 18,6% tổng vốn FDI đăng ký; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD chiếm 17,9%. Đáng chú ý, Hồng Kông vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ tư với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ USD.
Các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, các khu công nghiệp - khu kinh tế của Việt Nam đã thu hút được 27,7 tỷ USD vốn FDI; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Nhiều địa phương đã chú trọng chuyển khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Xét về địa bàn đầu tư, TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD. Tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang và Thái Bình. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận hai năm liên tiếp bị lọt khỏi nhóm 5 về thu hút FDI.
Nhưng vốn FDI thực hiện thấp
Tuy nhiên, báo cáo của VAFIE cũng cho thấy, tuy vốn FDI đăng ký cao nhưng vốn FDI thực hiện lại rất thấp, chưa bằng 1/10 vốn đăng ký khi chỉ đạt mức 23,18 tỷ USD, tăng nhẹ 3,5% so với năm 2022.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm vốn FDI khiến vốn thực hiện không đạt như mong muốn. Theo các chuyên gia, đó là những hạn chế về môi trường đầu tư mà Việt Nam cần sớm khắc phục, đó là thủ tục hành chính chưa minh bạch, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn dài làm tăng chi phí đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là việc ổn định cung cấp điện. Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến trình chuyển đổi xanh vẫn còn chậm…
Tuy nhiên, điều đáng nói đây là “điệp khúc” này đã kéo dài nhiều năm qua. Cũng cần nói thêm, trước đó, một loạt nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã từng cảnh báo rằng tỷ trọng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam “có vấn đề”. Đó là vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng tỷ lệ mở rộng và triển khai thực tế rất èo uột. Điều này cho thấy, “đầu tư ảo” cũng đang là vấn đề cần chú ý đối với các cơ quan quản lý khi nhìn trên tổng lượng vốn đăng ký và giải ngân tích lũy qua nhiều năm.
Thực tế, tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI thực hiện hàng năm ở Việt Nam, nhất là khi hiện nay vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nên việc chậm giải ngân các dự án FDI cũng gây những hệ lụy đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo một chuyên gia kinh tế, sở dĩ tốc độ tăng vốn FDI đăng ký ở Việt Nam trong những thời gian gần đây tăng mạnh được đánh giá là do Việt Nam đang tích cực hội nhập tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, trong các năm 2022-2023, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ song phương với nhiều nước lên cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có những nước lớn. Trong khuôn khổ đó, có những cam kết hợp tác về kinh tế, đầu tư. Do đó, số vốn FDI đăng ký cũng tăng theo, đây là hiệu ứng tất yếu.
Vị chuyên gia này nhìn nhận, với nền kinh tế mở như Việt Nam, việc tận dụng nguồn vốn FDI đã giải ngân mới là vốn thực và có ý nghĩa thực sự với nền kinh tế. Còn số “vốn ảo” đăng ký này nếu không được nhìn nhận rõ ràng, sẽ kéo theo những sai lệch về số liệu và dự báo, ảnh hưởng đến dự báo tốc độ phát triển của đất nước. Ở góc độ địa phương, mặt trái của “cuộc đua thành tích” thu hút FDI là nhiều dự án tỷ USD đăng ký “đắp chiếu”, chưa được triển khai, gây tổn thất tài nguyên cho phát triển kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận