menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Ngọc Mai

Điện ở Việt Nam: Triển vọng nào?

Báo cáo mới nhất về lĩnh vực năng lượng của Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) cho biết, triển vọng phát triển của lĩnh vực nhiệt điện than tại Việt Nam đang có nguy cơ bị “lép vế” so với điện mặt trời và điện khí.

Mặc dù điện than đã trở thành nguồn cung cấp năng lượng có công suất lớn nhất tại Việt Nam từ năm 2018, nhưng thực tế ngành nhiệt điện than cũng đang gặp nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển. Trong khi đó, điện mặt trời và điện khí đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Năm 2018, nhiệt điện than đã vượt qua thủy điện để trở thành nguồn có công suất lớn nhất, chiếm 38,1% (18.516MW) trong tổng công suất đặt hệ thống 48.563MW của cả nước.

Nhu cầu về than cho phát điện đột ngột tăng mạnh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã làm phát sinh những căng thẳng về nguồn cung, dẫn đến thiếu hụt nguồn than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc tại một số thời điểm.

Theo quy hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hàng loạt các nhà máy điện than mới trên cả nước trong thời gian tới. Tỷ trọng công suất nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 37% vào năm 2017 lên 42,6% vào năm 2030, tương đương với 43 GW nhiệt điện than mới.

Tuy nhiên, việc phát triển nhiệt điện than cũng đang gây ra nhiều mối quan ngại với môi trường và một số địa phương thậm chí còn đề nghị ngừng phát triển các dự án nhiệt điện than mới. Cụ thể, chính quyền 2 tỉnh Bạc Liêu và Long An đã đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép thay thế các dự án nhiệt điện than tại các địa phương này bằng các dự án sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, những vấn đề phát sinh trong thực hiện các dự án đang triển khai như vốn, năng lực nhà thầu,... đang khiến nhiều dự án nhiệt điện than trọng điểm như Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 bị chậm tiến độ trong một thời gian dài.

Trong khi đó, lĩnh vực điện mặt trời đã có bước phát triển nhảy vọt trong quý II năm nay. Sự phát triển này được hỗ trợ bởi chính sách của Chính phủ và những khoản tín dụng lớn dành cho năng lượng sạch của hàng loạt ngân hàng trong nước.

Tính đến tháng 4/2019, cả nước mới có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150MW. Nhưng đến ngày 30/6/2019, công suất điện mặt trời đã tăng lên đến 4.464MW, chiếm 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam. Con số này vượt xa mục tiêu xây dựng 850MW điện mặt trời vào năm 2020 mà Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh đã đặt ra trong Quyết định số 428/QĐ-TTg ban hành ngày 18/3/2016.

Việc nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn và kế hoạch phát triển điện hạt nhân bị tạm ngừng cũng tạo cơ hội bứt phá cho nhiệt điện khí, nhất là nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Hàng loạt dự án kho cảng nhập khẩu và nhiệt điện khí đã được đề xuất xây dựng trên cả nước. Tính đến cuối tháng 6/2019, TCty Khí Việt Nam (PV Gas) đã ký hợp đồng xây dựng kho chứa LNG đầu tiên của cả nước tại cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và hợp đồng mua bán khí với các nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết định tăng giá mua điện gió để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Đề xuất dự án lớn nhất trong lĩnh vực điện gió là dự án ThangLong Wind dự kiến xây dựng ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, với tổng công suất lên tới 3.400MW, đang được xúc tiến.

Đối với thủy điện, tính đến năm 2018, cả nước đã có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182MW. Trong đó, 385 dự án thủy điện đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng công suất lắp đặt 18.564MW và 143 dự án thủy điện đang được xây dựng với tổng công suất lắp đặt 1.848MW, bao gồm dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2022 - 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án với tổng công suất lắp đặt 2.770MW.

Ở lĩnh vực điện sinh khối, Việt Nam có khoảng 38 nhà máy đường sử dụng sinh khối để sản xuất điện và nhiệt với tổng công suất khoảng 352MW. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà máy phát điện lên lưới với tổng công suất là 82,51MW và bán được 15% sản lượng điện được tạo ra từ sinh khối lên lưới với mức giá 5,8 US cent/kWh. Theo quy hoạch, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2% lượng điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối, trong đó có điện bã mía.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại