24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điện một giá: Ông giàu cũng như ông nghèo, khó thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội

Theo nhận định của các chuyên gia, phương án sửa đổi biểu giá điện bán lẻ được Bộ Công Thương công bố mới đây vẫn ẩn chứa nhiều bất cập. Đặc biệt là cách tính điện một giá với đối tượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố nghiên cứu sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất 02 phương án để lấy ý kiến như sau: Phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc. Phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.

Theo đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 kịch bản tính giá. Ở kịch bản 1, biểu giá lũy tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 và cao nhất 274% giá bán lẻ điện bình quân với kWh từ 701 trở lên. Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Ở kịch bản 2, giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100 kWh và cao nhất 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701 kWh trở lên. Còn điện một giá là 155% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.890 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Theo nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mỗi phương án đề có ưu, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, phương án tính điện một giá có thể sẽ không thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội do Thủ tướng đề ra và khó khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

"Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án tính tiền điện để người tiêu dùng có thể lựa chọn. Theo tôi, đây là việc làm đáng hoan nghênh, tuy nhiên, cần phải tính toán từng phương án xem đã phù hợp chưa?

Với phương án dùng điện một giá, theo tôi, ưu điểm nằm ở chỗ sẽ có sự minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, nhược điểm nằm ở chỗ, phương án này không thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết về vấn đề an sinh xã hội, nếu sử dụng điện một giá thì ông giàu cũng như ông nghèo. Vấn đề thứ hai là không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện khi sử dụng bao nhiêu giá điện vẫn như vậy", PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.

Cũng theo nhận định từ phía ông Long, phương án điện một giá tương ứng với giá bán lẻ điện bình quân là 2.703 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) là ở mức khá cao so với giá bán lẻ điện bình quân.

"Dựa trên căn cứ nào để đưa ra con số 2.703 đồng/kWh? Giá điện bình quân hiện tại là 1.864,44 đồng/kWh bán cho 4 đối tượng là sản xuất, hành chính sự nghiệp, hộ kinh doanh, hộ sinh hoạt. Theo đó, sẽ có hai nhóm đối tượng được hưởng giá bán lẻ thấp trong khi 2 nhóm còn lại rất cao.

Ví dụ như bây giờ 2 nhóm sản xuất và hành chính sự nghiệp có giá bán lẻ điện là 1.864,44 đồng/kWh thì 2 nhóm còn lại chỉ có thể thấp hơn khoảng 5 đến 10% thôi là hợp lý. Nếu tăng lên đến mức 2.703 đồng/kWh là rất cao", ông Long phân tích.

Đồng quan điểm trên, Gs. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, cho biết khi đã đưa ra phương án một giá điện, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như dự thảo.

"Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh), khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế", ông Long nói.

Cũng theo GS Trần Đình Long, giá dự kiến theo phương án một giá điện trong dự thảo cao gần bậc 5, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này khiến những người tiêu dùng ít điện chịu thiệt.

"Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi "nhảy" xuống một giá luôn. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến thời điểm đó mấy năm nữa, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá", ông Long nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả