menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Điện mặt trời mái nhà lâm cảnh ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’

Điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Nếu phát lên lưới thì cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.

Thừa cũng không được bán

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có cường độ bức xạ mặt trời khoảng 4,5 kWh/m2/ngày, một hộ gia đình bình quân tiêu thụ điện 36kWh/ngày, muốn lắp đặt một hệ điện mặt trời áp mái để tạo ra điện năng tương đương với điện năng đã sử dụng. Phép tính cho thấy, hộ này phải lắp đặt hệ điện mặt trời áp mái công suất 8kWp. Điện năng mà hệ thống phát ra trong một ngày là W = 8kWp x 4,5 kWh/m2/ngày = 36kWh (36 số điện, vừa đủ điện năng gia đình dùng trong một ngày).

Sự trớ trêu là ở chỗ, gia đình này hầu như không được sử dụng điện năng “của nhà mình” tạo ra. Bởi vì: Ban sáng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Ban trưa khi điện mặt trời phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng nên không có điện mặt trời. Trạm điện mặt trời áp mái của gia đình này vô hình trung đã “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng!”

Đó là một ví dụ được TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra để minh họa cho sự “bất ổn” của điện mặt trời.

Điện mặt trời mái nhà lâm cảnh ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’

Chính sách cho điện mặt trời mái nhà không mang tính khuyến khích. Ảnh: Hoàng Hà

Chiếu theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương tại Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình kia có thể phát lượng điện dư thừa lên lưới. Nhưng không được thanh toán tiền.

Đề xuất này ngay lập tức nhận phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư, chuyên gia, và người dân. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với Bộ Công Thương.

Thực tế, đầu tư điện mặt trời mái nhà vẫn là một lựa chọn của không ít nhà đầu tư và người dân bởi nhu cầu là có. Các nhà máy mong muốn lắp điện mặt trời mái nhà để tự chủ một phần nguồn điện, thỏa mãn nhu cầu dùng năng lượng sạch để được công nhận “sản xuất xanh”. Song việc không được bán điện dư gần như sẽ “khép lại” tất cả cơ hội kể trên, lượng điện dư thừa sẽ bị “đổ bỏ” thay vì có thể mang lại cho họ một lượng tiền nhất định.

“Quá lãng phí” là lời cảm thán của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra nhận xét “Bộ Công Thương đang lúng túng trong xây dựng chính sách cho điện mặt trời áp mái”.

“Với việc Bộ Công Thương vẫn cho phép phát điện dư lên lưới thì đường dây vẫn còn có thể tiếp nhận thêm điện mặt trời mái nhà phát lên”, ông Hưng nhận định.

“Thà rằng không cho phát điện mặt trời dư thừa lên lưới, còn hơn là cho phát nhưng không trả tiền”, ông Lê Hải Hưng nói thẳng.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) bày tỏ: "Tôi hiểu lý do vì sao người ta đề xuất như vậy. Các đề xuất đều phải theo luật, nếu đề xuất một chính sách nào đó không đúng luật thì cũng không được. Theo tôi, các chính sách đề xuất cho điện mặt trời bị vướng hai điều. Một là Luật Điện lực, hai là vướng quy hoạch điện VIII. Vì quy hoạch này đã được thông qua, không được làm trái".

Thực tế, tại Quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển của điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836MW, gồm các nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600MW.

Trong khi đó, số lượng cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, từ sau ngày 31/12/2020 đến cuối tháng 7/2023 còn có khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN.

Như vậy, trong công suất còn lại của điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện để áp dụng chính sách sau khi ban hành và có hiệu lực chỉ còn nhỏ hơn 2.200 MWp.

Con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Do đó, nếu “mở cửa” cho việc mua điện mặt trời dư thừa, thì tất yếu sẽ vượt công suất trong quy hoạch. Như vậy, rủi ro cho Bộ Công Thương là có thật khi bài học đầu tư điện mặt trời, điện gió tại quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đó.

Tại dự thảo hồ sơ Nghị định về điện mặt trời, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận nỗi lo này. “Trường hợp không quản lý về quy mô phát triển, việc phát triển để tự phát sẽ dẫn đến quy mô thực tế lớn hơn quy mô được quy hoạch, có thể phá vỡ quy hoạch, điều này là vi phạm quy định của pháp luật về quy hoạch”, dự thảo Tờ trình của Bộ viết rõ.

Tuy nhiên, ông Ngô Đức Lâm bày tỏ quan điểm: "Nếu không thích hợp hoàn toàn có thể sửa, bởi lẽ khi đang thiếu điện, dân lắp điện mặt trời để sản xuất, lại không cho phát lên lưới, không được bán thì không hợp lý".

Có nghĩa, nếu vướng ở con số giới hạn 2.600 MW cho điện mặt trời áp mái thì phải tăng công suất này lên. Nếu lo sợ đường dây quá tải thì cần tính toán nâng cấp lưới điện.

Phải tính đến chính sách cho công nghệ lưu trữ

Trong khi “bế tắc” về chính sách cho điện mặt trời áp mái dư thừa phát lên lưới, thì câu chuyện lưu trữ điện năng cần được tính đến.

Điện mặt trời mái nhà lâm cảnh ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’

Biểu đồ minh họa về lưu trữ điện năng. (TS Lê Hải Hưng)

TS Lê Hải Hưng kể: Cách đây 1 tháng, tôi đi thăm 1 doanh nghiệp mua pin của Trung Quốc về lắp ráp, họ có thể lắp đến 1 MW trong 1 ngày. Sau đó, tôi mời một xí nghiệp có điện mặt trời đang chịu cảnh bị xả bỏ vào giờ cao điểm để cùng nói chuyện với nhau. 3 người bàn với nhau sẽ làm thử một dự án, dùng pin để lưu trữ 1 triệu kWh trong năm của doanh nghiệp này, để bán lại vào giờ cao điểm.

“Nhưng tính đi tính lại thì thấy Nhà nước cũng chưa có chính sách phát lại điện từ pin lưu trữ vào lưới điện. Như vậy, có lưu trữ lại được lượng điện mặt trời đó thì cũng không biết làm thế nào”, ông Hưng thất vọng.

Bản chất công nghệ lưu trữ điện năng là lưu trữ điện lúc dư thừa (giờ thấp điểm) và phát lại vào giờ cao điểm. Chắc chắn rằng, chỉ có lưu trữ điện, nhân loại mới có thể loại bỏ được hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai

Tuy nhiên ông Hưng thừa nhận công nghệ lưu trữ được gọi là công nghệ dành cho nhà giàu vì rất đắt đỏ. Người ta cũng đã tính được là khi áp dụng công nghệ lưu trữ thì giá điện mặt trời sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện tại và kéo theo giá điện sẽ tăng.

"Có lẽ chính vì vậy nên ngay trong quy hoạch điện VIII, chúng ta mới đề ra chỉ tiêu rất khiêm tốn là đến 2030 thủy điện tích năng chiếm 1,6% ứng với 2.400MW và pin lưu trữ chiếm 0,2% ứng với 300MW", vị chuyên gia này thấu hiểu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại