Điện gió ngoài khơi: Nhiều điều cần được làm sáng tỏ
Rất nhiều vấn đề pháp lý chưa có hoặc chưa rõ đã được Bộ Công thương liệt kê để minh chứng cho những khó khăn của việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Thời gian lặng lẽ trôi
Ngày 12/6/2019, Bộ Công thương đã có Văn bản số 4148/BCT-ĐL chấp thuận việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với Dự án Điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà. Văn bản này được giới chuyên môn xem như đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tiếp đó, khi phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Điện VIII tại Quyết định 1264/QĐ-TTg vào tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.
Tại Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công thương trình Chính phủ lần đầu tiên vào tháng 3/2021, hơn 60.000 MW đã được liệt kê tại Danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng.
Tháng 12/2021, tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơi của các địa phương với công suất liệt kê lên tới 129.000 MW.
Khi đó, Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng lên 40.000 MW vào năm 2045. Thậm chí, nếu điều kiện cho phép, thì có thể tăng trưởng sớm hơn.
Trong không khí sôi động, đổ xô đăng ký dự án điện gió ngoài khơi, tháng 6/2022, Ernst & Young Việt Nam, thay mặt nhóm tư vấn được sự tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, đưa ra báo cáo về 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Khảo sát được thực hiện dựa trên phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế có các quan tâm/liên quan tới điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023 cũng đã chốt mục tiêu có 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Dẫu vậy, để có nhà máy trên thực tế là chuyện không đơn giản. Ở thời điểm này, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về Đề án Nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước. Trong báo cáo, Bộ Công thương liệt kê nhiều vấn đề cần phải xin ý kiến, cũng như các chính sách cần xây dựng để phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, đồng nghĩa với việc sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Như vậy, sau khoảng 5 năm kể từ ngày điện gió ngoài khơi lọt vào mắt nhà đầu tư và có những bước triển khai cụ thể trên thực tế, cơ chế chính sách để phát triển nguồn điện này vẫn chưa có và chưa biết bao giờ mới có. Điều này khiến mục tiêu có 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII trở nên xa vời và không giúp điện đi trước một bước như mong muốn.
Cần làm rõ những điều chưa rõ
Bên cạnh thực tế Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, từng địa phương, cũng như tổng thể toàn quốc và hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển, báo cáo của Bộ Công thương cũng liệt kê nhiều vướng mắc và nhu cầu hoàn thiện quy định pháp luật với điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Pháp luật hiện hành không thể hiện rõ Dự án điện gió ngoài khơi có sử dụng đất không. Nếu không được coi là có sử dụng đất, thì Dự án có thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020.
Đáng nói là, các vấn đề đó đã được nhà đầu tư và các bên khác quan tâm tới điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đặt ra từ rất lâu và cho rằng, Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thực hiện các hành động nhằm giải quyết mối quan ngại của các nhà đầu tư, cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro của họ liên quan đến việc phát triển và tài trợ vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Nhìn vào Đề án Phát triển điện gió ngoài khơi của Bộ Công thương, thì thậm chí khái niệm, quy định về “điện gió ngoài khơi” vẫn chưa có cách hiểu thống nhất và được đề nghị cần phải làm rõ. Liên quan đến quy hoạch, hiện Quy hoạch Không gian biển quốc gia và Quy hoạch Phát triển kinh tế biển đều chưa được phê duyệt, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ Công thương cũng cho biết, hiện chưa rõ thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư với dự án điện gió ngoài khơi là Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hay UBND địa phương. Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định cụ thể và chưa đăng tải cụ thể điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho dự án điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, còn vô số điều được Bộ Công thương liệt kê “cần làm rõ” với mục tiêu triển khai được dự án điện gió ngoài khơi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư có các dự án trong ngành năng lượng và các chuyên gia tài chính quan tâm tới lĩnh vực này có chung nhận xét, phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ hết các vấn đề đang chưa rõ được Bộ Công thương đặt ra trong Đề án Phát triển điện gió ngoài khơi, mới có thể biết sẽ tham gia được thế nào trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Cũng bởi có quá nhiều vấn đề nhằm triển khai dự án điện gió ngoài khơi chưa được cụ thể hóa trong các chính sách, cơ chế, nên Bộ Công thương cho rằng, việc lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế để thực hiện dự án thí điểm có thể có nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết được.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, theo đánh giá của Bộ Công thương, chưa nên giao thí điểm vì chưa đánh giá được hết các vấn đề về an ninh quốc phòng, vướng mắc về luật pháp. Vì vậy, Bộ đưa ra phương án giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng kiến nghị không giao thí điểm cho các đơn vị thuộc Bộ vì điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng chỉ tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với phương án giao Petrovietnam, hay EVN triển khai dự án thí điểm, cũng cần xử lý những vướng mắc thì mới giao được. Với thực tế các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi quy mô vốn lớn (khoảng 2,5-3 tỷ USD cho 1.000 MW), thời gian thực hiện lâu (từ 6-8 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát), thì việc giao cho các tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước cũng được các chuyên gia cho là cần phải làm sớm. Nếu không, chưa biết bao giờ mới xong thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng quy mô, nhằm sớm có thêm những nguồn điện ổn định, có công suất lớn cho nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận