Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
Bên cạnh diễn biến các chỉ số chung của thị trường bị ảnh hưởng lớn, đại dịch nCoV cũng khiến các cổ phiếu và các nhóm ngành chịu tác động không nhỏ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* Theo BSC, cổ phiếu HDB có cơ hội về vùng giá 34 trong trung hạn
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross cho thấy đây có thể chỉ là bước khởi đầu cho một chu kỳ tăng dài hạn của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn nhiều. Tuy vậy, cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh ngắn hạn sau chuỗi tăng mạnh mẽ vừa qua cũng như chịu ảnh hưởng từ áp lực chốt lời tại vùng giá hiện tại.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu sự hưng phấn được duy trì giúp HDB vượt qua được ngưỡng cản 30, cổ phiếu có cơ hội để về lại vùng giá 34 trong trung hạn.
Bên cạnh những phân tích kỹ thuật tích cực, vừa qua, HDBank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan với lợi nhuận trước thuế lên mức 5.018 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay, đã tiếp sức cho đà tăng tốc của cổ phiếu HDB.
Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm đứng giá ngày đầu tuần 3/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDB tăng 2.950 đồng (+10,93%) từ mức giá 27.000 đồng/CP lên 29.950 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho NVL với giá mục tiệu 62.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho NVL với giá mục tiệu 62.000 đồng/CP. Theo giá đóng cửa hôm nay, NVL hiện đang giao dịch với P/E và P/B 2020 đạt lần lượt 17,5 lần và 2,3 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Thông tin có “đơn kêu cứu” gửi tới khẩn cầu Bộ Xây dựng cho phép Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 - công ty thành viên của Novaland được tiếp tục phát triển dự án khu dân cư tại khu đất hơn 30 ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM, đã phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến cổ phiếu NVL mất điểm. Tuy nhiên, NVL đã hồi phục trong phiên cuối tuần 7/2 nhờ thông tin Chủ tịch Công ty đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu sau khi vợ mua thành công gần 40 triệu cổ phiếu.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NVL giảm 1.000 đồng (-1,81%) từ mức giá 55.100 đồng/CP xuống 54.100 đồng/CP.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang dần chuyển sang trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI vừa quay trở lại khu vực trên giá trị 50 càng làm củng cố thêm cho đà hồi phục của TAR. Tuy vậy, đường EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 nên trạng thái tăng này chưa thực sự bền vững.
Theo đánh giá của chúng tôi, TAR có thể quay trở lại khu vực 29.5-30 và có thể tích lũy đi ngang tại vùng giá này như những gì cổ phiếu đã thể hiện trong quá khứ.
Cổ phiếu TAR đã có tuần giao dịch bùng nổ, vượt qua nhận định của BSC. Cụ thể, với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TAR tăng 5.200 đồng (+19,4%) từ mức giá 26.800 đồng/CP lên 32.000 đồng/CP.
* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu REE
Dựa vào dự phóng khả quan về mảng cho thuê văn phòng và nhiệt điện trong năm, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu REE là 40.300 đồng/cp, sử dụng phương pháp định giá từng phần (định giá mảng M&E, REE Tech, cho thuê văn phòng và bất động sản bằng phương pháp so sánh và định giá các khoản đầu tư doanh mục tiện ích bằng phương pháp giá thị trường/ giá trị sổ sách). Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu REE.
Trái với nhận định của ACBS, cổ phiếu REE vẫn nối dài chuỗi giảm điểm từ cuối tháng 1/2020 và đã may mắn lấy lại thăng bằng nhờ phiên hồi phục ngày 6/2. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu REE không có biến động và vẫn giữ nguyên mức giá 33.900 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 140.500 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động với giá mục tiêu 12 tháng 140.500 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) ngành bán lẻ duy trì tăng trưởng khả quan, (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi Điện Máy Xanh và TGDĐ nhờ đẩy mạnh kinh doanh thêm mặt hàng đồng hồ, và (iii) tiếp tục mở rộng mô hình chuẩn tại các cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh và nhân rộng hệ thống trên toàn quốc.
Những phân tích khả quan cùng kế hoạch kinh doanh năm 2020 được đặt ra khá kỷ lục nhưng diễn biến cổ phiếu MWG tuần qua giao dịch kém tích cực, trái với nhận định của MBS. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 2.100 đồng (-1,9%) từ mức giá 110.800 đồng/CP xuống 108.700 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu CTG sẽ có xu hướng tăng dài hạn trong năm nay
Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đều ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đã quay trở lại vùng quá mua đồng thời cổ phiếu cũng dần tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng giá 28.
Theo đánh giá của chúng tôi, CTG trong năm nay sẽ có một xu hướng tăng dài hạn, tuy nhiên có thể sẽ có sự điều chỉnh ngắn hạn khi cổ phiếu đi vào khu vực 27.5-28.5.
Một trong những thông tin đáng chú ý tại CTG là PYN Elite đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục. Cổ phiếu ngân hàng đang là khẩu vị ưa thích của PYN và cũng là những cổ phiếu đang sinh lời cao nhất danh mục. Theo số liệu của Bloomberg ngày 3/2, hiện 3 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là TPBank (TPB, tỷ trọng 11,86%), HDBank (HDB, tỷ trọng 11,11%) và CTG.
Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, đáng kể là phiên tăng trần 4/2 và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG tăng 2.500 đồng (+10,25%) từ mức giá 24.400 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 32.400 đồng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF.
Cổ phiếu HPG vẫn biến động giằng co trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 250 đồng (+1,04%) từ mức giá 24.100 đồng/CP lên 24.350 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu 32.400 đồng/CP mà MBS đưa ra, thị giá hiện tại của HPG còn thấp hơn 24,85%.
* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DHG
BSC cho rằng diễn biến tích cực của giá cổ phiếu DHG cũng như các cổ phiếu ngành dược khác do kỳ vọng nhà đầu tư từ việc người dân tăng chi tiêu các sản phẩm thuốc do tâm lý lo lắng khi tình hình nghiêm trọng của dịch nCoV tại Trung Quốc.
Đại dịch 2019-nCoV đã tác động mạnh khiến thị trường lao dốc trong những phiên khai Xuân Canh Tý, trái lại nhóm cổ phiếu ngành dược hầu hết đã hưởng lại và tăng vọt. Tuy nhiên, sau cơn sốt tăng, việc nhà đầu tư bình tâm đánh giá lại và liên tiếp xả bán ra, đã khiến các cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh, trong đó DHG cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG giảm 2.100 đồng (-2,11%) từ mức giá 99.500 đồng/CP xuống 97.400 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu CTD có thể tăng trở lại ngưỡng 63
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lại dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đang hình thành.
Như vậy, cổ phiếu CTD có thể tăng trở lại ngưỡng hỗ trợ cũ tại mức giá 63 trong các phiên giao dịch tới.
Mặc dù có 2 phiên đầu tuần giảm sâu nhưng cổ phiếu CTD đã nhanh chóng hồi phục và bật cao trong 3 phiên cuối tuần, đặc biệt trong phiên 7/2 đã tăng hết biên độ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD tăng 1.100 đồng (+1,97%) từ mức giá 55.700 đồng/CP lên 56.800 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu VJC và HVN sẽ gặp khó khăn bởi tác động của dịch nCOV
Với kịch bản lượt khách quốc tế không có tăng trưởng 2020 do ảnh hưởng của dịch rNOV cùng với việc cạnh tranh giá vé tăng cao khi hàng loạt các hãng máy bay mới tham gia thị trường, HVN và VJC sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì đà tăng trưởng doanh thu từ vận tải hành khách và hoạt động phụ trợ trong năm 2020.
Trái với diễn biến cổ phiếu ngành dược, đại dịch nCoV dự báo sẽ tác động mạnh tới ngành hàng không đã khiến các mã này liên tục rớt giá. Tuy nhiên, sự bình tâm trong những phiên cuối tuần cũng đã giúp các cổ phiếu trong nhóm ngành hàng không lấy lại thăng bằng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC tăng 1.000 đồng (+0,77%) từ mức giá 130.200 đồng/CP lên 131.200 đồng/CP.
Trong khi đó, HVN đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 7/2 và 4 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 450 đồng (-1,58%) từ mức giá 28.450 đồng/CP xuống 28.000 đồng/CP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận