Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: Tăng gần 10%, VEA nhấn ga bứt tốc
VN-Index mất gần 5 điểm trong tuần qua với thanh khoản ở mức thấp. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng cao. Các cổ phiếu được khuyến nghị mua bán theo đó đa số giảm, trong khi điểm sáng không nhiều, nhưng VEA được chú ý nhất khi đi ngược dòng xu thể.
* BVSC Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VEA
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (mã VEA) đóng cửa tại mức giá 53.100 đồng/cổ phần vào ngày 06/10/2019, giao dịch với mức P/E năm 2019 là 11,0 lần, đã phản ánh triển vọng tích cực của thị trường ô tô và tang trưởng kết quả kinh doanh trong năm nay của Công ty.
Với kỳ vọng thị trường tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi và đầu tư ở vùng giá hấp dẫn hơn.
Tuần qua, cổ phiếu VEA chỉ duy nhất có 1 phiên giảm nhẹ cuối tuần (-0,4%), trước đó cả 4 phiên đều tăng khá tốt (+3,3%; +4,9%; +2,6%; +1,2%). Thanh khoản có phiên hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh, phiên thấp nhất cũng có gần 0,4 triệu đơn vị.
Như vậy, chốt tuần, VEA tăng từ 51.700 đồng lên 56.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,5%.
* VSCS: giá mục tiêu của PVS là 24.400 đồng/CP
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 24.400 đồng/CP dành cho PVS (tổng mức sinh lời dự phóng 11,1% bao gồm lợi suất cổ tức 3,1%). Theo giá đóng cửa phiên 7/6, PVS hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2019 đạt 11,7 lần.
Trong tuần qua, cổ phiếu PVS vẫn là mã nằm trong top giao dịch lớn nhất HNX với trung bình trên dưới 2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.
Mặc dù vậy, tuần qua nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu PVS không được vui, khi có tới 2 phiên giảm khá mạnh (-2,6%; -1,8%), trong khi 2 phiên tăng chỉ +0,4% và +0,5% cùng một phiên đứng tham chiếu. Như vậy, PVS đã giảm 3,54% trong tuần.
* BSC: MWG sẽ vượt vùng kháng cự 89-90
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá khi RSI có xu thế tăng mạnh và MACD đang cắt lên đường tín hiệu. Dải mây Ichimoku nâng đỡ đường giá và MA20 cắt lên MA200 cũng đều cho thấy vị thế tăng của MWG khá là vững chắc.
Như vậy, cổ phiếu MWG nhiều khả năng sẽ vượt được vùng kháng cự 89-90 và trở về vùng giá 90-95 trong các phiên giao dịch tới.
Nếu cổ phiếu không vượt được ngưỡng kháng cự 90 khi đã 4 lần không thành công vượt qua ngưỡng kháng cự này, thì sẽ hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng giá 85 và xác lập một xu thế tăng vững chắc hơn.
Nhận định của BSC về MWG tuần qua chỉ đúng trong 3 phiên từ đầu tuần, khi mã này đều tăng (+0,2%; +1,1%; +1,2%) và vượt lên trên 90.000 đồng. Tuy nhiên, 2 phiên còn lại đã lấy đi gần hết những gì đạt được khi (-1,4% và -0,3%). Tương đương tuần qua, MWG chỉ tăng 0,9%.
* ACBS khuyến nghị mua cho BWE với giá mục tiêu là 28.514 đồng/CP
Trong năm 2019, chúng tôi dự phóng doanh thu BWE đạt 2.549 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 380 tỷ đồng (tăng trưởng 16,9%). Sử dụng kết hợp các phương pháp P/E, EV/EBITDA và P/B, chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho BWE với giá mục tiêu là 28.514 đ/cp.
Tuần qua, cổ phiếu BWE có 3 phiên tăng (+1,7%; +0,2%; +1,9%) và 2 phiên giảm khá sâu (-2,3%; -1,3%). Thanh khoản trên dưới nửa triệu đơn vị khớp lệnh/phiên. Chốt tuần, BWE tăng nhẹ từ 26.000 đồng lên 26.500 đồng/cổ phiếu.
* KBSV khuyến nghị FCN có triển vọng tích cực
Hiện tại, FCN đang được giao dịch tại mức giá 14.200 đồng/CP (giá ngày 06/06/2019) tương đương mức P/E trailing đạt 6.43x và P/E forward (theo kế hoạch kinh doanh) đạt 4.54x, khá thấp so với tiềm năng tăng trưởng.
Với triển vọng có được lợi nhuận đột biến từ viêc bán dự án Vĩnh Hảo 6 cùng giá trị hợp đồng kí được từ hoạt động chính lớn, chúng tôi đánh giá FCN có triển vọng tích cực trong ngắn hạn (dưới 1 năm) và trung lập trong trung-dài hạn.
Trong tuần, cổ phiếu FCN giao dịch thiếu tích cực, khi cả 5 phiên đều không tăng, trong đó có 4 phiên giảm (-0,3%; -1%; -0,3%; -1%). Khớp lệnh trung bình trên dưới 100.000 đơn vị/phiên.
Như vậy, kết tuần, FCN giảm từ 14.600 đồng xuống 14.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,74%.
* BSC: STB sẽ hồi phục về vùng giá 12.5
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá ngắn hạn sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ cũ 11.5. Dải mây Ichimoku vẫn nằm trên đường giá nhưng tín hiệu giảm đã đi ngang, cho thấy xu hướng điều chỉnh trung hạn đã chấm dứt.
Như vậy, STB sẽ hồi phục trở về vùng giá 12.5 trong vài phiên giao dịch tới.
Trái với nhận định của BSC, cổ phiếu STB kết tuần nay đứng ở mức 11.650 đồng/cổ phiếu, với 2 phiên tăng nhẹ đầu tuần và cuối tuần (+0,4%; +0,4%), trong khi 2 phiên còn lại giảm (-0,8%; -0,4%; -0,4%).
* BSC khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 28.970 đồng/CP
Một số điểm đáng lưu ý đối với Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD), đó là Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 sẽ vượt kế hoạch 330 ngàn TEU và tiếp tục mở rộng trong nửa cuối năm 2019; Dự án Gemalink ở khu vực trọng điểm Cái Mép – Thị Vải hiện đang xây dựng để đưa vào hoạt động sớm vào quý III/2020; hợp tác với CJ Holding để mở rộng thị trường trước thời cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
BSC khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 28.970 đồng, upside 10.2%, theo phương pháp DCF và EV/EBITDA (50:50) với EV/EBITDA mục tiêu là 8.5x với kỳ vọng tăng trưởng tới từ mảng cảng trong 2019 (EV/EBITDA trung vị VN là 4.8x).
Trong tuần qua, cổ phiếu GMD giao dịch kém hiệu quả, với 2 phiên đứng tham chiếu và 3 phiên giảm (-1,1%; -0,6%; -0,2%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 200.000 đơn vị/phiên.
Như vậy, kết tuần, GMD đã giảm từ 26.450 đồng xuống 25.950 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,89%.
* BSC khuyến nghị theo dõi với SCS với giá mục tiêu 167.000 đồng/CP
BSC khuyến nghị theo dõi với SCS với giá mục tiêu 167.000 đồng/CP dựa trên phương pháp định giá FCFF với giả định hệ số chiết khấu là 11.6% và tăng trưởng dài hạn của dòng tiền là 2.5%/năm. Tại giá mục tiêu của chúng tôi, SCS giao dịch tại P/E fw là 18.5x – cao hơn so với trung vị các DN dịch vụ hàng không là 12.5.
Trong tuần qua, cổ phiếu SCS có 2 phiên ngày đầu tuần và cuối tuần tăng (+1,1%; +0,8%), một phiên đứng tham chiếu ngày thứ Năm và 2 phiên giảm (-0,2%; -0,6%).
Thanh khoản thấp và trồi sụt với phiên cao nhất có hơn 11.000 đơn vị khớp lệnh, có phiên chỉ có 410 cổ phiếu được sang tay.
Kết tuần, SCS tăng nhẹ từ 158.500 đồng lên 160.300 đồng/cổ phiếu.
* ACBS khuyến nghị nắm giữ GAS với giá mục tiêu 105.200 đồng/CP
Với triển vọng giá dầu ở mức USD69/ thùng, kết quả kinh doanh năm 2019 của GAS được dự báo với doanh thu đạt 78.711 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 12.381 tỷ đồng (tăng trưởng 8,5%).
Do đó, cùngdòng tiền từ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ GAS với giá mục tiêu 2019 là 105.200 đồng/CP.
Trong tuần qua, cổ phiếu GAS có 3 phiên tăng đều +0,5%. Một phiên giảm mạnh giữa tuần (-2,4%) và giằng co đứng tham chiếu phiên ngày thứ Năm. Thanh khoản trên dưới 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.
Chốt tuần, GAS giảm nhẹ từ 103.000 đồng xuống 102.000 đồng/cổ phiếu.
* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu HDG
Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM với thời gian đầu tư 6 – 12 tháng. Giá mục tiêu xác định trên vốn điều lệ mới 1.187 tỷ là 43.000 đồng/cp, tương ứng mức lợi nhuận 40%.
Thời điểm phù hợp tích lũy cổ phiếu HDG dự kiến trong 2-3 tháng tới khi i) thị trường chung điều chỉnh ii) kết quả kinh doanh quý 2 dự kiến sẽ chưa khả quan do chưa bàn giao Hado Centrosa và là quý thấp điểm của thủy điện.
Trong tuần qua, cổ phiếu HDG có phiên ngày 11/6 điều chỉnh giá trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:25. Sau đó, giao dịch tích cực hơn mặc dù có 2 phiên giảm (-1,4%; -0,8%), nhưng tính chung cả tuần, HDG tăng từ 30.640 đồng lên 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,43%.
* BSC: VRE sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy
Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã VRE) đang vận động trong kênh giá 34.8 – 35.7.
Chỉ báo RSI nằm trong vùng mua ủng hộ trạng thái hồi phục và tích lũy trong ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của VRE sẽ có khả tăng tiếp tục đà tăng ở các phiên tiếp theo.
Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục hướng lên cùng thanh khoản đang giảm.
Do vậy VRE sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy và hồi phục trong ngắn hạn và có khả năng giữ đà hồi phục trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự của VRE là 36.61 và ngưỡng hỗ trợ tại 31.80 và 33.
Trong tuần qua, cổ phiếu VRE nối tiếp đà tăng của tuần trước, khi 2 ngày đầu tuần tăng (+0,9%; +0,4%), nhưng đã điều chỉnh liên tiếp 2 phiên sau đó đều mất -0,7%, trước khi phục hồi nhẹ +0,6% trong phiên cuối tuần. Như vậy, cổ phiếu VRE chốt tuần tăng nhẹ từ 34.750 đồng lên 34.900 đồng/cổ phiếu.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu POW
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho POW với giá mục tiêu 18.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 14,0% bao gồm lợi suất cổ tức 1,9%). Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời 22,7% bao gồm lợi suất cổ tức 9,2%).
Tuần qua, cổ phiếu POW giao dịch kém hiệu quả với chỉ 1 phiên tăng đầu tuần (+0,3%) và liên tiếp giảm 3 phiên sau đó (-1,6%; -0,6%; -1%) và đứng tham chiếu ngày cuối tuần. Thanh khoản từ 1 đến hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên, riêng phiên cuối tuần chỉ có 0,5 triệu đơn vị.
Chốt tuần, POW giảm từ 16.050 đồng xuống 15.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,8%.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho VHC
Theo Nghị quyết HĐQT ngày 07/06/2019, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi VDTG (VHC sở hữu 35%) và Octogone (25%). Hiện vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết về các khoản thoái vốn nói trên.
Chúng tôi xin lưu ý rằng VDTG (chiếm 12% LNST của VHC trong quý 1/2019) có hoạt động kinh doanh tương tự VHC. Trong khi đó, Octogone hỗ trợ hoạt động của VHC tại Trung Quốc về bán hàng và logistics. Tuy nhiên, công ty này không mang lại lợi nhuận đáng kể cho VHC.
Chúng tôi đang chờ đợi thêm thông tin từ phía ban lãnh đạo về các đợt thoái vốn nói trên để đánh giá tác động đối với triển vọng của VHC.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho VHC với tổng mức sinh lời dự báo đạt 38,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%.
Trong tuần qua, cổ phiếu VHC cũng theo thị trường chung, khi giao dịch kém tích cực, với 5 phiên không tăng, trong đó 4 phiên giảm (-3,3%; -0,1%; -1,7%; -0,8%). Thanh khoản trên dưới 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.
Chốt tuần, VHC giảm từ 90.600 đồng xuống 85.300 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,85%.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trên cơ sở tỷ lệ tiêu thụ trang sức vàng thời trang ở Việt Nam còn thấp trong khi công ty vẫn giữ vị thế dẫn đầu trong thị trường.
Chúng tôi dự báo EPS của PNJ sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 27% trong các năm 2018-2021 nhờ mảng bán lẻ có biên lợi nhuận cao, được thúc đẩy nhờ doanh thu các cửa hàng hiện hữu tăng trưởng mạnh và mở thêm nhiều cửa hàng mới.
Trong tuần qua, cổ phiếu PNJ có phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó nhích nhẹ 0,1% phiên kế tiếp, và giảm trong cả 3 phiên còn lại (-2,8%; -2,6%; -0,7%). Như vậy, kết tuần, PNJ giảm từ 78.800 đồng xuống 74.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,84%.
BSC: NLG sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy và điều chỉnh
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) đang vận động trong kênh giá 28.1 – 30.45.
Chỉ báo RSI nằm trong vùng bán ủng hộ trạng thái điều chỉnh và tích lũy trong ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của NLG sẽ có khả tăng tiếp tục điều chỉnh ở các phiên tiếp theo.
Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục hướng lên trừ MA 20 giảm và MA 200 đi ngang với thanh khoản đang tăng.
Tuần qua, cổ phiếu NLG có 2 phiên đầu tuần không như ý khi giảm (-0,7%; -1,5%) và phục hồi chậm trong các phiên còn lại (+0,3%; +0,3%; +0,5%). Thanh khoản tương đối tốt với trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.
Chốt tuần, NLG giảm nhẹ không đáng kể từ 29.610 đồng xuống 29.600 đồng/cổ phiếu.
* BSC: VHM hồi phục trở lại
Cổ phiếu VHM đã trụ vững lại khi điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ cũ tại mức giá 77.8. Thanh khoản cổ tăng mạnh trở lại và vượt xa khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên, cho thấy ngưỡng hỗ trợ khá mạnh.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tích lũy sau khi hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ. Dải mây Ichimoku đi ngang cũng duy trì xu hướng tích lũy này và báo hiệu tín hiệu điều chỉnh đã dừng lại. Như vậy, VHM sẽ tích lũy ngắn hạn quanh vùng giá 80 và hồi phục trở về vùng giá 85 trong vài phiên giao dịch tới.
Trái ngược với dự đoán, cổ phiếu VHM tuần qua lại không có phiên phục hồi nào, thay vào đó là 4 phiên giảm (-0,2%; -0,1%; -2,3%; -0,1%), cùng một phiên đứng tham chiếu vào thứ Năm.
Chốt tuần, VHM giảm từ 82.200 đồng xuống 79.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,8%.
* BVSC: Thực hiện MUA tích lũy cổ phiếu BVH quanh vùng giá hiện tại
Dấu hiệu tạo đáy tại mức giá 73.000 đồng của cổ phiếu giúp xác định mô hình Symetrical Triangle với hàm ý trạng thái giằng co - tích lũy trung hạn.
Xu hướng tăng ngắn hạn đã giúp cổ phiếu vượt lên khỏi ngưỡng 80.000 đồng. Thanh khoản nới rộng theo chiều giá lên hỗ trợ tích cực tới xu hướng ngắn hạn.
Mức giá 88.000 tương ứng với ngưỡng kháng cự pivot R2 và đường Neck-line của mô hình đảo chiều vai - đầu - vai ngược trước đó. Cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hướng tới mục tiêu này nếu tiếp tục vượt qua ngưỡng Pivot R1 ở các phiên kế tiếp.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư thực hiện MUA tích lũy cổ phiếu BVH quanh vùng giá hiện tại cho tầm nhìn ngắn hạn. Trong đó, mức sinh lời kỳ vọng là 10%, rủi ro dừng lỗ tối đa là 5% và thời gian nắm giữ kỳ vọng là 20 phiên giao dịch.
Trong tuần qua, cổ phiếu BVH có 3 phiên tăng từ đầu tuần (+0,9%; +1%; +0,6%), và điều chỉnh sau đó (-0,4%), và giằng co đứng tham chiếu khi đóng cửa phiên cuối tuần. Thanh khoản trên dưới 0,4 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.
Như vậy, BVH đã tăng từ 78.300 đồng lên 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,17%.
* TVSI: VNM khó có thể giảm sâu
VNM phá vỡ vùng hỗ trợ 125 với thanh khoản cao làm gia tăng rủi ro ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó có thể giảm sâu ở thời điểm hiện tại. Vùng giá 120 và 110 sẽ là 2 vùng hỗ trợ quan trọng của VNM trong nhịp giảm giá này.
Trong tuần này, cổ phiếu VNM có 2 phiên đầu tuần và cuối tuần tăng điểm (+0,2%; +0,4%), và xen giữa là 3 phiên còn lại (-1,1%; -0,2%; -1,6%). Như vậy, chốt tuần, VNM giảm từ 126.600 đồng xuống 123.700 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,29%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận