24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điểm tên doanh nghiệp lãi cao trong quý II/2021

Một số doanh nghiệp lãi đột biến trong quý II/2021

Ngành thép: NKG, TDS, SMC, DNS

Giá thép và nhu cầu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2021 đã giúp Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận 11.877 tỷ đồng doanh thu, 1.166 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 2,5 lần và 20 lần cùng kỳ năm 2020. So với mục tiêu cả năm là doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận 600 tỷ đồng (hơn gấp đôi năm 2020), Công ty đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và vượt 94,3% chỉ tiêu lợi nhuận.

NKG đặt mục tiêu 600 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021, hơn gấp đôi năm ngoái, nhưng 6 tháng đầu năm đã đạt 1.166 tỷ đồng.

NKG cho biết, Công ty đã đẩy mạnh các kênh bán hàng trong và ngoài nước. Riêng mặt hàng tôn mạ xuất khẩu được 305.597 tấn, tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng tăng giúp chi phí sản xuất giảm và biên lợi nhuận được cải thiện, kéo theo lãi ròng tăng.

Tương tự, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VNSteel (TDS) đạt lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 2,8 lần cùng kỳ và vượt 194% kế hoạch cả năm (16 tỷ đồng, kế hoạch này thấp hơn mức thực hiện 21,6 tỷ đồng năm 2020).

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC), 6 tháng đầu năm 2021 đạt 11.022 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% và 748 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, SMC đặt mục tiêu đạt 18.000 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm nhẹ so với năm 2020), như vậy, sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện được 61% chỉ tiêu doanh thu và vượt 149% chỉ tiêu lợi nhuận.

Một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng (DNS) có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 85 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ gần 10 tỷ đồng), trong khi kế hoạch cả năm là đạt 45 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giá thép sẽ “hạ nhiệt” trong 6 tháng cuối năm 2021 và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhiều khả năng suy giảm.

Ngành phân bón: LAS, DDV, DCM, PSE

Nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đạt 846,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,6% so với nửa đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, giá sản phẩm tăng và chi phí được tiết giảm nên Công ty lãi trước thuế 66,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỷ đồng. Với kết quả này, LAS đã thực hiện vượt 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 (36 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (DDV) ghi nhận 748 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2020; biên lãi gộp tăng 6,3% lên 12,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 54,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm, DDV đã thực hiện vượt 32,5% chỉ sau 6 tháng.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, nhưng doanh nghiệp đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Tổng lượng sản xuất trong nửa đầu năm 2021 đạt 456.000 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu xấp xỉ 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ và lần lượt hoàn thành 55,4% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 108,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Một doanh nghiệp phân bón khác có kết kinh doanh vượt kỳ vọng là Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE). Kết thúc quý II, Công ty hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và vượt 63,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 tăng mạnh so với tháng 12/2020 như phân đạm urê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, kali tăng 45%...

Cục Hóa chất (Bộ Công thương) đánh giá, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ giữ ở mức cao.

Điểm tên doanh nghiệp lãi cao trong quý II/2021

Phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm sẽ duy trì mức giá cao.

Ngành chứng khoán: VDS, VND, CTS

Nửa đầu năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán khi VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới. Kết thúc phiên giao dịch 30/6, chỉ số đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Điểm số và thanh khoản tăng vọt giúp khối công ty chứng khoán “thăng hoa”, mức tăng trưởng lợi nhuận của nhiều công ty được tính bằng lần.

Chẳng hạn, VDSC (mã chứng khoán VDS) ước đạt hơn 245 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 18,6 lần so với cùng kỳ và vượt 70% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Công ty đạt được kể từ khi thành lập.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) ước đạt 1.136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng, vượt 3% kế hoạch năm 2021.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cũng lãi kỷ lục khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 208 tỷ đồng trong 6 tháng, gấp 31 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt 27,5% kế hoạch năm 2021.

Công ty Chứng khoán Everest (EVS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý II lần lượt là 118 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, gấp 3 lần và 6,8 lần cùng kỳ năm ngoái; luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt doanh thu 197 tỷ đồng, lợi nhuận 178 tỷ đồng, gấp 48 lần cùng kỳ.

Sang tháng 7, thị trường chứng khoán bước vào đợt điều chỉnh, VN-Index lùi dần về mốc 1.200 điểm, thanh khoản cũng giảm, gần đây có diễn biến tăng, nhưng cuối tuần qua giảm mạnh, đóng cửa tại 1.268,8 điểm.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng nghĩa với hoạt động của các công ty chứng khoán khó có thể đạt siêu lợi nhuận.

Trong nửa cuối năm 2021, SSI Research dự báo, lợi nhuận của 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất ngành gồm SSI, VCI, HCM và VND có thể chỉ tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, mức tăng trưởng lợi nhuận của 4 công ty là 66,8% và sang năm 2022, mức tăng có thể chỉ là 21,4%.

“Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022 nhờ phí môi giới và cho vay ký quỹ, chúng tôi cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm, tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh”, SSI nhận định.

Một số ngành khác: KDC, CHS, NCP, DHG

Quý II/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) đạt 2.576,1 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,8%; lợi nhuận sau thuế 216 tỷ đồng, tăng 153% so với quý II/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, KDC đạt doanh thu 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu ngành dầu ăn tăng 36%, doanh thu ngành hàng thực phẩm tăng 17%. Công ty mở rộng kênh bán hàng MT (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi…), đồng thời tiết giảm chi phí, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 342 tỷ đồng, tăng 86,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 351 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Chiếu sáng công cộng TP.HCM (CHS) đạt doanh thu quý II/2021 là 99,3 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung vào hoạt động duy tu bảo dưỡng đèn chiếu sáng công cộng và tín hiệu giao thông; lợi nhuận sau thuế đạt gần 13 tỷ đồng, tăng 49,4%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CHS đạt doanh thu 168,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và hoàn thành 38,7% kế hoạch năm (435 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế 21,4 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 69% kế hoạch năm (31,2 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (NCP) sau 4 quý thua lỗ liên tiếp bất ngờ công bố lãi cao trong quý II/2021. Cụ thể, doanh thu đạt 1.133 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 58 tỷ đồng (quý I/2021 lỗ gần 71 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lỗ hơn 64 tỷ đồng.

Nguyên nhân là sản lượng và giá bán điện trong quý II cao hơn cùng kỳ, chi phí tài chính thấp do lãi vay dài hạn giảm và không phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá…

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) đạt doanh thu 948 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 201 tỷ đồng trong quý II/2021, lần lượt tăng 15,5% và 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này đến từ hoạt động tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực của Công ty, tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối, kết nối với khách hàng tốt, đồng thời chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, DHG đạt 1.965 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu sản phẩm do Công ty sản xuất đạt 1.633 tỷ đồng, tăng 7,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng, tăng 11,5%. So với mục tiêu cả năm là 3.970 tỷ đồng doanh thu và 821 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 49,5% và 55,2%.

Quý III, không ít nhóm ngành vẫn còn tiềm năng

Dịch Covid-19 có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng không ít ngành vẫn có tiềm năng tăng trưởng.

Thống kê đến ngày 21/7, có 145 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2021, trong đó, khoảng 90% doanh nghiệp có lợi nhuận dương. Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2021 của các doanh nghiệp được đánh giá là tích cực, củng cố niềm tin trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, trước sức ép ngày càng lớn của dịch bệnh Covid-19, ngay từ tháng đầu quý III, tình hình sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp bị tác động mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Huỳnh Trí Dũng, Tổng giám đốc CHS cho biết, với tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, Công ty không tránh khỏi sự gián đoạn nhất định trong hoạt động. Hiện doanh nghiệp duy trì lực lượng sản xuất gián tiếp ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thông qua các hợp đồng bị ảnh hưởng, CHS không thể hoàn thành khối lượng công việc được giao do nguồn cung ứng hàng hóa chuyên ngành gặp khó khăn.

Công ty khó có thể tập trung được đầy đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực) để thi công trong điều kiện thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, khi các tỉnh, thành phố đều tập trung cho công tác phòng chống dịch và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng thị trường nhìn chung bị ngưng trệ.

Dù vậy, CHS đã có phương án, kế hoạch để vừa thích nghi với dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để kết quả đến cuối năm có thể tiệm cận mục tiêu đề ra cho năm 2021.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc DCM chia sẻ, tháng 8 và 9 thường là giai đoạn thấp điểm của thị trường phân bón, giai đoạn này năm ngoái, doanh nghiệp bị tồn kho lớn, nên kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Hy vọng, tình trạng này sẽ không diễn ra trong năm nay.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank, những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong nước và thế giới trong năm 2021 còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như nhóm ngành xuất khẩu và cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất khẩu (cảng biển, logistics); nhóm bán lẻ, sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhanh và hàng hóa thiết yếu...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả