menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Sơn Vinh

Điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2022

Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức. Trong bối cảnh tương lai còn nhiều bất định, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực ứng phó.

Phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19

Có thể nói, năm 2022 là một phép thử kinh tế - liệu Việt Nam có thể phục hồi các hoạt động kinh tế cốt lõi về mức trước dịch Covid-19 hay không? Doanh nghiệp và cấp quản lý tại Việt Nam có tiếp thu và triển khai được những bài học kinh nghiệm từ đại dịch hay chưa?

Câu trả lời thống nhất cho những câu hỏi này là “có”: Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn trong năm 2022. Doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt và cạnh tranh hơn trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Quả thực, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức. Đồ thị 1 cho thấy tình hình tăng trưởng GDP của một số quốc gia châu Á. Theo đó, Việt Nam không chỉ tăng trưởng tốt trong đại dịch Covid-19, mà còn vượt trội so với các nước trong khu vực.

Xét theo GDP, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,8% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thậm chí còn tăng tốc trong suốt năm 2022, với đỉnh điểm là 13,7% trong quý III (xem đồ thị 2). Kết quả này củng cố vị thế hàng đầu của Việt Nam ở châu Á trong 12 tháng qua và là lý do tại sao Quỹ Tiền tệ Quốc tế gọi Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong suốt năm 2022 không phải là điều hiển nhiên. Để giải quyết áp lực lạm phát đến từ chi phí năng lượng và giá hàng hóa, thực phẩm tăng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và 10/2022, mỗi lần thêm 1%/năm.

Tăng trưởng kinh tế nhanh trong môi trường lãi suất cao là một thành tựu đáng nể: lãi suất cho vay cao thường đi kèm với đầu tư giảm và tiêu dùng giảm. Vậy tại sao Việt Nam có thể tăng trưởng trong môi trường lạm phát và lãi suất cao như vậy?

Khu vực công và tư nhân của Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng chiến lược quốc gia chung sống với Covid-19, giảm bớt các hạn chế về đại dịch cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ giới thiệu vào đầu năm 2022 là rất kịp thời, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình này không chỉ tạo ra việc làm, mà còn giúp các ngành nghề hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời giải quyết các yếu tố thúc đẩy năng suất, chẳng hạn logistics, số hóa doanh nghiệp và chính phủ.

Chiến dịch tiêm chủng thành công và nỗ lực quay lại hoạt động kinh doanh như thường lệ là cơ sở chính cho sự bùng nổ mở cửa trở lại nhanh chóng trong năm 2022 khi mà hơn 90% số người trưởng thành đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp có thể tiếp tục các hoạt động kinh tế, điều này đồng thời mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế, sản xuất và bán lẻ.

Nhìn chung, phần lớn tăng trưởng kinh tế là nhờ chi tiêu của hộ gia đình và chính phủ tăng. Tiêu dùng hộ gia đình tăng, trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra biện pháp kích thích kinh tế phù hợp, lấy cảm hứng từ học thuyết Keynes, cụ thể là gia tăng chi tiêu công để đẩy mạnh cung cấp việc làm và đảm bảo thu nhập trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Năm 2022 cũng khẳng định bước chuyển quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện rằng, họ sẵn sàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo số liệu khảo sát, hiện nay, có gần 60% người dân Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi.

Một khi những hành vi kỹ thuật số mới này trở thành thói quen lâu dài, thương mại điện tử và tất cả các loại hình giao dịch kỹ thuật số khác dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy thị trường kinh doanh số và thanh toán số của Việt Nam.

Điều quan trọng không kém là doanh nghiệp đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình kinh doanh.

Theo một báo cáo gần đây về sức hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đã tăng bốn bậc lên vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á. Kết quả này một phần là nhờ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt từ năm 2020 - chương trình đã nâng cao nhận thức của các tổ chức công và tư nhân trong việc thực hiện các chiến lược và quy trình kỹ thuật số.

Thị phần trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu gia tăng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, ước tính Việt Nam thu hút 27,7 tỷ USD vốn FDI, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan này cho biết, hai yếu tố khiến vốn đăng ký giảm là các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 vào đầu năm 2022 và bất ổn toàn cầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ FDI dành cho các hoạt động công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao lại tăng. Nhiều nhà quan sát nhận xét, FDI vào các dự án sản xuất phức hợp hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D) là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang chiếm được một phần ngày càng lớn trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu. Loại hình sản xuất này sẽ là động lực chính để Việt Nam tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những thập kỷ tới.

Không chỉ thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động và đơn giản, năm 2022, Việt Nam đã đón nhận những cam kết mạnh mẽ từ các nhà cung cấp của Samsung và Apple, thể hiện niềm tin ngày càng lớn vào khả năng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu và thực hiện quản trị tốt xuyên suốt chuỗi cung ứng của các đối tác Việt Nam.

Một ví dụ điển hình cho sự dịch chuyển từ đầu tư vì sức lao động sang đầu tư vì kỹ năng làm việc Foxconn - nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn nhất và lâu đời nhất của Apple - đã thông báo đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở Bắc Giang. Tại đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm MacBook.

Việc sản xuất những chiếc máy tính xách tay này đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, công nhân sản xuất cần được đào tạo tốt hơn và máy móc cần có độ chính xác cao hơn so với việc sản xuất tai nghe nhét tai của Apple (bắt đầu từ năm 2020 cũng ở tỉnh Bắc Giang).

Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte, hay nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam. Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam.

Một số nghiên cứu học thuật chỉ ra rằng, các hoạt động đầu tư này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, lực lượng lao động và nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp sẽ được đào tạo theo các thông lệ tốt nhất toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài thường thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trở nên năng suất hơn nhờ áp lực cạnh tranh và hiệu quả tăng.

Ngoài ra, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ học hỏi từ những điển hình tốt về tăng cường tính minh bạch, đẩy mạnh chất lượng quản trị công ty và “trách nhiệm công dân” của doanh nghiệp (trách nhiệm với xã hội, văn hóa, môi trường xung quanh), cũng như các phương pháp sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn.

Năm 2022 là một năm đáng chú ý đối với toàn thế giới. Rủi ro chính trị gia tăng mạnh với các cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu làm gián đoạn thị trường phân bón, lúa mì và năng lượng, song song với đó là biến động đáng kể về giá cả hàng hóa và thị trường tài chính. Vừa là một đối tác đáng tin cậy, vừa thể hiện tính linh hoạt thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ. Trong bối cảnh tương lai còn nhiều bất định, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ứng phó và nên tiếp tục những nỗ lực này trong năm 2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại