24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp đang đặt ra không ít quan ngại cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021.

Đã giao gần hết vốn 2021...

Báo cáo của Bộ Tài chính vừa được công bố cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ là 406.463,67 tỷ đồng, đạt 88,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Nếu so với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công là 461.300 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong năm 2021 thì trong 7 tháng còn lại của năm 2021, vốn đầu tư công phải phân bổ còn khoảng 54,837 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 11,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu tính cả số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương mà các địa phương đã giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là trên 49.078 tỷ đồng thì số vốn đã được phân bổ 5 tháng đầu năm 2021 là 455.541,97 tỷ đồng, đạt 98,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trong tổng số vốn đã phân bổ 5 tháng qua thì vốn ngân sách trung ương là 169.626,7 tỷ đồng, đạt 82,34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 285.915,265 tỷ đồng, đạt 111,99% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo cho biết danh sách một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ cao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông còn trên 94,77%, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn trên 88%, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam còn trên 85,21%, tỉnh Phú Thọ còn 84,3%, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh còn 82,16%, Bộ Y tế còn 75,91%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn 74,47%, Bộ Khoa học và Công nghệ còn 77,11%, tỉnh Hưng Yên còn 56,35%, tỉnh Bắc Ninh còn 53,06%...

…Nhưng giải ngân lẹt đẹt

Do diễn biến dịch bệnh COVID-19, năm ngoái và năm nay, đầu tư công luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu được Bộ Tài chính mới công bố khiến nhiều chuyên gia kinh tế hết sức lo ngại khi đã gần hết 6 tháng mà tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 20%.

Cụ thể, ước tính giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 trong 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, chỉ bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm 2020.

Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp, chỉ đạt dưới 15% như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đặc biệt, vẫn có đến tám Bộ mới có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt… dưới 1%.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 thấp theo phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương, là do đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giai đoạn này chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán.

Ngoài ra, một nguyên nhân rất quan trọng đang tác động trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công là giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% -50% so với đầu năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng chỉ rõ: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân” và do đó phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu hay có những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Nhà thầu dậm chân, vốn cũng dậm chân

Thời điểm gần đây, giá quặng sắt và một số loại thép thế giới vẫn liên tục tăng, tăng từ 0,2-1,9% tùy loại. Đáng lo ngại, khi giá thép tăng đã kéo theo nhiều loại vật liệu xây dựng khác đi lên khiến các nhà thầu điêu đứng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%.

Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này.

“Nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, dù việc tăng giá thép có nguyên nhân khách quan từ thế giới nhưng Việt Nam tăng như vậy là khá cao. Còn quá sớm để nói rằng không có sự “bắt tay” của một số doanh nghiệp ngành thép nhằm đẩy giá lên cao. Hơn nữa, có thể có hiện tượng “té nước theo mưa”, khi các doanh nghiệp đua nhau tăng giá, hoặc có không ít nhà thầu phản ánh về việc gặp khó khi nhà cung cấp “găm hàng” chờ đẩy giá.

Do đó, ông Ngô Trí Long đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, bảo vệ pháp luật cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiểm tra, thanh tra, để có minh chứng cụ thể, khách quan hơn về thị trường. Nếu phát hiện có sự thao túng, liên kết cùng nâng giá, cần có biện pháp xử lý bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, công bằng.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

“Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp”, TS. Cung nói.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TP.HCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

“Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án... để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư”, TS. Cung kiến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả