Điểm nghẽn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Thực tế, rất ít doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, hoặc chỉ ở phạm vi là nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Chỉ 39% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 2% doanh nghiệp FDI sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp.
Cùng với quan điểm của doanh nghiệp, trong hàng loạt khuyến nghị chính sách được đưa ra, vấn đề về độ tin cậy của các cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng kinh tế, nhằm nâng cao niềm tin giữa các đối tác thương mại được coi là trụ cột.
"nút thắt" vẫn là chính sách
Từ điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đa số khách hàng chính của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong vòng 3 năm gần đây là các cá nhân Việt Nam (66%), công ty tư nhân trong nước (64%) và doanh nghiệp nhà nước khác (24%).
Theo báo cáo VCCI, việc tập trung cao vào thương mại nội địa không có gì sai, đặc biệt khi thị trường nội địa của Việt Nam khá lớn, với 94 triệu dân. Song con số này là quá chênh lệch so với số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang làm ăn với đối tác nước ngoài, những thành phần có nhiều khả năng hội nhập vào các chuỗi cung toàn cầu. Chỉ 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và vẻn vẹn 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho các doanh nghiệp mua hàng bên thứ ba. Nhiều biện pháp chính sách nhằm cải thiện tình hình đã được đưa ra, trong đó có các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm bớt rào cản hành chính trong thủ tục hải quan và lưu hàng tại cảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ tốt hơn đáp ứng yêu cầu khách hàng...
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty CP CMA Minh Anh cho rằng, các yếu tố quyết định khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng không phải là trình độ công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực... mà các rào cản về chính sách mới là các yếu tố quyết định, bao gồm sự thiếu ổn định về chính sách, tham nhũng và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Rào cản về chính sách là yếu tố quyết định khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng
Kết quả điều tra VCCI cũng cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít nhắc đến tranh chấp, 20% doanh nghiệp FDI cho rằng họ có tranh chấp hợp đồng với đối tác, thường là với doanh nghiệp trong nước. Tranh chấp thường là do hàng hoá giao trễ hoặc bị hư hỏng, thanh toán không đúng hạn, dịch vụ không đạt chất lượng yêu cầu. Ngược lại, việc đảm bảo thực thi hợp đồng là tốn kém và thiếu chắc chắn tại Việt Nam.
Báo cáo Doing Business của Ngân hàng thế giới cũng chỉ rõ, giải quyết một tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại Toà án TP HCM mất khoảng 400 ngày, khiến doanh nghiệp tốn kém khoảng 29% trị giá hợp đồng. Hơn nữa, thủ tục tố tụng nằm dưới mức trung bình về hiệu quả, chất lượng, minh bạch và bình đẳng. Do vậy, Việt Nam chỉ đứng thứ hạng 62 về chỉ số thành phần thực thi hợp đồng. Và hệ quả là các doanh nghiệp tại Việt Nam thường ngại kiện tụng ra toà án khi phát sinh tranh chấp. Chỉ 39% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 2% doanh nghiệp FDI sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp.
Vi vậy, để an toàn trong giao dịch thương mại, doanh nghiệp thường chỉ chọn đối tác đã quen biết thay vì chọn đối tác có năng lực. Cách làm này hạn chế doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động về mặt địa lý.
Coi cơ chế giải quyết tranh chấp là một trụ cột...
Khảo sát phân tích rõ, dù Luật trọng tài thương mại đã được thông qua năm 2010 và có hiệu lực năm 2011, nhưng chỉ có 36,1% doanh nghiệp nghe nói đến luật này. Điều này cũng lý giải tại sao không mấy doanh nghiệp tận dụng được các điều khoản về trọng tài mà luật cho phép. Tương tự, mặc dù Hiệp định đối tác toàn điện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhắc tới nhiều, song chỉ có 36,7% doanh nghiệp biết đến các điều khoản giải quyết tranh chấp của hiệp định này.
Do các doanh nghiệp không biết về các điều luật bảo vệ đã có sẵn nên không thể tận dụng chúng mà phải dùng đến các phương thức phi chính thức để đảm bảo thực thi hợp đồng và những phương thức này không có gì chắc chắn. Quyết định này, rốt cuộc khiến doanh nghiệp trở nên e dè, không dám mở rộng kinh doanh, dẫn đến làm giảm đầu tư và tăng trưởng. Và là yếu tố làm hạn chế sự tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước.
Do vậy, để doanh nghiệp có niềm tin vào các quan hệ tối tác, báo cáo nhận định, trước tiên họ cần được trang bị kiến thức về các điều luật bảo vệ đang sẵn có. Gần 65% doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không hay biết gì về các thủ tục giải quyết tranh chấp có sẵn ở cả Luật trọng tài thương mại và CPTPP. Và do đó họ buộc phải hoạt động như thể các thiết chế pháp lý của Việt Nam vẫn còn sơ khởi như thời kỳ những năm đầu đổi mới. Chính vậy, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng sử dụng các biện pháp thực thi mang tính xã hội như cậy nhờ người có ảnh hưởng tác động hoặc sử dụng băng nhóm xã hội đen. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp dè dặt hợp tác và mở rộng đầu tư kinh doanh.
Với bề dày kinh nghiệm trên thương trường trong và ngoài nước, ông Lưu Huy Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nhìn nhận, các cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi hơn và hướng dẫn các doanh nghiệp về các quy định pháp luật nội địa cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan tới phương thức trọng tài.
“Đặc biệt, chính quyền TƯ và địa phương có thể phát triển những hướng dẫn thân thiện, thuận lợi cho các doanh nghiệp về cách thức sử dụng trọng tài thương mại. Điều này sẽ mang lại niềm tin lớn hơn cho các doanh nghiệp về thiết chế trong nước” ông Hà hiến kế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận