Điểm mặt những dự án BĐS nghìn tỷ bỏ hoang giữa lòng Sài Gòn
Quỹ đất dành cho phát triển dự án BĐS tại trung tâm TP.HCM ngày càng khan hiếm, thế nhưng một số dự án toạ lạc ở những vị trí đắc địa, có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Quận 1 và quận 3 là khu vực trung tâm của TP.HCM, nơi được ví như “tấc đất, tấc vàng”. Quỹ đất dành cho phát triển dự án bất động sản tại khu vực này ngày càng khan hiếm, thậm chí Thành phố phải hạn chế phát triển dự án nhà ở mới ở những nơi có mật độ dân số đông đúc.
Một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là có không ít dự án bất động sản toạ lạc ở những vị trí đắc địa, có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang, không có động thái xây dựng nào trong thời gian dài.
Việc các dự án trong tình trạng "án binh bất động" không những gây lãng phí tài nguyên đất mà còn làm xấu đi bộ mặt mỹ quan đô thị thành phố, gây bức xúc cho người dân.
Có diện tích hơn 6.000m2, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 từng thuộc về Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đây được xem là khu đất “kim cương” hiếm hoi còn sót lại nằm giữa trung tâm TP.HCM khi 4 mặt tiền giáp đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh.
Sau khi được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời tại khu đất trên vào năm 2006, Sabeco xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng, gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê.
Cuối năm 2007, UBND TP.HCM chấp thuận giao Sabeco làm chủ đầu tư xây dựng khu phức hợp. Để thực hiện dự án này, Sabeco đã thành lập Công ty CP BĐS Sabeco. Đến năm 2013, dự án vẫn chưa triển khai nên Bộ Công thương đã chỉ đạo giải thể doanh nghiệp này.
Dự án được tái khởi động vào đầu năm 2015 khi Sabeco thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) làm chủ đầu tư dự án, các cổ đồng gồm Sabeco và 3 công ty khác. Dự án sau đó được điều chỉnh mục tiêu đầu tư trong đó có office-tel và căn hộ bán.
Năm 2016, Sabeco thoái vốn thông qua việc bán đấu giá cổ phần cho các cổ đông sáng lập Sabeco Pearl. 3 cổ đông còn lại cũng thoái vốn khỏi Sabeco Pearl, toàn bộ cổ phần của công ty này rơi vào tay của những “đại gia” kín tiếng.
Sở hữu vị trí đắc địa thế nhưng nhiều năm qua, dự án tại khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng vẫn án binh bất động. Liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai tại dự án này, 5 cán bộ nguyên là lãnh đạo các sở ban ngành ở TP.HCM đã bị khởi tố để điều tra.
Có vị trí đắc địa không kém khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng là dự án Tháp SJC, công trình được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1. Năm 2005, UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) làm chủ đầu tư dự án.
Theo quy hoạch, dự án được xây dựng trên khuôn viên khu đất hơn 3.800m2, cao 54 tầng với chức năng văn phòng – khách sạn – thương mại dịch vụ - căn hộ bán và cho thuê. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2007, dự án Tháp SJC được giao lại cho Công ty CP Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư.
Sau 12 năm “đắp chiếu”, mới đây UBND TP.HCM đã điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch tại dự án này khi cắt giảm chiều cao công trình từ 54 tầng xuống còn 46 tầng và không còn chức năng căn hộ bán, chỉ còn chức năng văn phòng – khách sạn – thương mại dịch vụ - căn hộ cho thuê. Hiện dự án vẫn không có động thái xây dựng, hiện trạng khu đất đang bị bỏ hoang.
Toạ lạc tại 2 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo – Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, khu đất hơn 4.000m2 ban đầu được UBND TP.HCM giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Đây là khu đất trên nền chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng buộc phải di dời các hộ dân.
Năm 2007, khu đất được được phê duyệt dự án khu trung tâm thương mại – dịch vụ - văn phòng cho thuê và căn hộ, doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư là Công ty CP Đức Khải. Năm 2010, dự án bắt đầu khởi công nhưng không lâu sau đó đã tạm ngưng.
Đến năm 2017, UBND TP.HCM điều chỉnh chức năng tại dự án này thành thương mại – dịch vụ - văn phòng, không còn chức năng căn hộ ở. Sau đó, Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và BĐS Việt Nam (WIPD Group), thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bất ngờ trở thành chủ đầu tư.
Hiện khu đất này được quảng bá là dự án toà nhà văn phòng hạng A có tên Alpha Town do Alpha King làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 35 tầng, dự kiến cung cấp 70.000m2 văn phòng và hơn 2.300m2 sàn thương mại. Hiện trạng khu đất vẫn đang được rào chắn, bên trong là từng đống sắt thép nằm “phơi nắng phơi mưa” và không có dấu hiệu thi công.
Khu đất rộng 1,8ha này được giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ Nhà quận 1 (sau này là Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Bến Thành) sử dụng đất để đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê từ năm 1996. Để triển khai dự án, 213 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp phải di dời, giải toả.
Dự án trì trệ đến năm 2015, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất trên của Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Bến Thành giao cho Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thuỷ để đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng, khách sạn, thương mại và dịch vụ. Hình thức giao đất là có thu tiền sử dụng đất, thời gian giao 50 năm.
Toàn bộ 1,8ha “đất vàng” tại địa chỉ 1Bis – 1Kep Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 đã về tay Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thuỷ. Tuy nhiên, kể từ khi được giao đất đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hoàn thiện dự án. Hiện khu đất này chỉ là bãi đất trống, một số hạng mục thi công dở dang rồi ngưng. Trong khi đó, việc chi trả bồi thường cho các hộ dân di dời vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đây là dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1. Khu đất rộng 4.900m2 này có nguồn gốc Nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc. Đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này là Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố.
Năm 2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm.
Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016; Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại báo cáo kết luận số 138 năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi khu đất trên sau khi xác định đã được giao không đúng đối tượng.
Hiện khu đất này đã trở thành bãi giữ xe ô tô và xe máy. Liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn, 4 cựu lãnh đạo của TP.HCM đã bị khởi tố bị can để điều tra.
Nằm 4 mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Khu đất xây dựng Trung tâm thể dục thể thao (TDTT) Phan Đình Phùng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) được chấp thuận từ năm 2010.
Dự án được chỉ định cho Tổng Công ty CP Đền bù giải toả và Công ty TNHH An Tạo làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 988 tỷ đồng, UBND TP.HCM kiến nghị thanh toán cho chủ đầu tư khu đất số 257 Trần Hưng Đạo, quận 1 để hoàn vốn.
Sau đó, Công ty TNHH An Tạo xin rút khỏi dự án. Đến năm 2018, UBND TP.HCM chỉ định cho liên danh Tổng Công ty CP Đền bù giải toả và Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Phát Đạt Corporation) tiếp tục triển khai dự án.
So với chủ trương ban đầu, dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đã đội vốn hơn gấp đôi, từ 988 tỷ đồng lên 1.954 tỷ đồng. Thay vì chỉ thanh toán khu đất 257 Trần Hưng Đạo thì UBND TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm khu đất số 3 – 3Bis Phan Văn Đạt, quận 1 và 3ha ở khu trường đua Phú Thọ, quận 11 cho chủ đầu tư.
Sau khi phá dỡ Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng cũ đã xuống cấp, hiện khu “đất vàng” này vẫn đang bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm và chưa biết đến bao giờ chủ đầu tư mới khởi công xây dựng.
Khu đất rộng 2.750m2 tại số 104 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 được UBND TP.HCM giao cho Tổng Công ty TNHH MTV Bến Thành (Ben Thanh Group) xây dựng dự án khách sạn IBIS Ben Thanh Palace. Dự án có quy mô 18 tầng cao, cung cấp 88 căn hộ dịch vụ, 338 phòng khách sạn và 4 sảnh tiệc.
Khi giao khu đất này, UBND TP.HCM quy định Ben Thanh Group không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn vằng giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vào tháng 6/2014, Ben Thanh Group và Phát Đạt Corporation đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc hứa cho thuê và hứa thuê mặt bằng này.
Theo kết luận thanh tra 2365/TB-TTCP ngày 17/8/2015, Thanh tra Chính phủ xác định Ben Thanh Group đã sử dụng khu đất 104 Nguyễn Văn Cừ để hợp tác 30 năm với Phát Đạt Corporation là trái với quy định.
Nằm ở vị trí đắc địa khiến không ít nhà đầu tư muốn sở hữu, nhưng sau hơn chục năm, dự án khách sạn IBIS Ben Thanh Palace hiện vẫn hoang tàn, xơ xác. Sau hàng rào là bãi đất cỏ dại mọc cao hơn đầu người, không có bất kỳ dấu hiệu xây dựng nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận