"Điểm danh" 12 ông lớn vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2020 (P2)
Tiếp theo danh sách 12 Tập đoàn, tiếp tục "điểm danh những Tổng công ty Nhà nước được Kiểm toán nhà nước lựa chọn kiểm toán trong năm 2020.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa kí Quyết định số 1866/QĐ-KTNN về kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc.
Ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ kiểm toán 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.
Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được KTNN lựa chọn kiểm toán có qui mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lí, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019, kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Trọng tâm kiểm toán tại các đơn vị này bao gồm đánh giá thực trạng công tác quản lí tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lí.
Bên cạnh đó, việc kiểm toán nhằm bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Tổng công ty Điện lực miền Trung
Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại Đà Nẵng được thành lập tháng 4/2010.
Theo đó,Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) ra đời trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 3 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Đà Nẵng từ EVN về công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Các ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất, kinh doanh điện năng; kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng, công nghệ thông tin; sản xuất, xuất nhập khẩu điện và vật tư thiết bị điện, công tơ điện tử, thiết bị đo lường về điện, thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin…
EVN CPC có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng, vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ.Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các ngân hàng; có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Công ty Địên lực 3. Cơ cấu quản lý của Công ty mẹ - Tổng Công ty gồm chủ tịch kiêm tổng giám đốc, các kiểm soát viên, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc gồm 15 ban nghiệp vụ, kỹ thuật.
Tổng công ty hạ tầng mạng
Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thành lập 11/2015.
Theo Quyết định số 86/QĐ-VNPT-HĐTV-TCCB, Tổng Công ty VNPT-Net được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN); bộ phận quản lý và điều hành viễn thông của Tập đoàn VNPT; bộ phận hạ tầng kỹ thuật củacác đơn vị: Công ty VinaPhone, Công ty VDC, Công ty VNPT-I và hạ tầng kỹ thuật của các Trung tâm chuyển mạch truyền dẫn thuộc 63 VNPT tỉnh/thành.
Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thành lập 11/2015.
Tổng công ty VNPT - Net là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn VNPT, hoạt động theo mô hình Tổng công ty và được đăng ký hoạt động dưới hình thức chi nhánh của doanh nghiệp.
Theo phản ánh của Gia đình và Pháp luật, vừa qua,VNPT Net có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện gói thầu“Cung cấp hệ thống Anten và phụ kiện”.
Cụ thể,Gói thầu “Cung cấp hệ thống Anten và phụ kiện” thuộc Kế hoạch mua sắm tập trung Trang bị vật tư, thiết bị anten phục vụ các dự án mở rộng mạng vô tuyến Vinaphone năm 2019 được Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phê duyệt tại Quyết định số 7/QĐ-VNPT-HĐTV-KHĐT-CN ngày 28/1/2019. Tổng dự toán của Kế hoạch mua sắm tập trung được VNPT phê duyệt 620.315.380.651 VNĐ, trong đó, Gói thầu “Cung cấp hệ thống Anten và phụ kiện” được phê duyệt dự toán 511.860.410.340 VNĐ. Gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu.
Ở gói thầu có quy mô lớn với trị giá hàng trăm tỷ đồng này, Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net) đã không lập HSMT theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, KHLCNT Gói thầu “Cung cấp hệ thống Anten và phụ kiện thuộc Kế hoạch mua sắm tập trung Trang bị vật tư, thiết bị anten phục vụ các dự án mở rộng mạng vô tuyến Vinaphone năm 2019” tổ chức đấu thầu với hình thức 1 gói thầu. Vì vậy, chủ đầu tư là VNPT Net phải lập HSMT gói thầu trên tuân thủ hình thức một gói thầu và không được chia làm nhiều phần riêng biệt.
Thế nhưng, thay vì phải lập HSMT tuân thủ theo KHLCNT tại Quyết định số 7/QĐ-VNPT-HĐTV-KHĐT-CN ngày 28/1/2019 của Hội đồng thành viên VNPT, VNPT Net đã phân chia Gói thầu “Cung cấp hệ thống Anten và phụ kiện” thành 4 phần để tổ chức đấu thầu.
Điều khó hiểu, nội dung Thông báo mời thầu VNPT Net đăng tải công khai tới các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu, những thông tin quan trọng gói thầu đều thống nhất với KHLCNT như tên gói thầu, bảo lãnh dự thầu, thời gian thực hiện hợp đồng. Thời gian bán HSMT từ ngày 5/4/2019 nhưng trước đó 4 ngày, VNPT Net lại phê duyệt HSMT có nội dung trái ngược so với KHLCNT và Thông báo mời thầu phê duyệt và đăng tải công khai trước đó.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phê duyệt HSMT có thể trước hoặc sau khi đăng tải Thông báo mời thầu nhưng phải đảm bảo nội dung trong Thông báo mời thầu phải phù hợp với HSMT được duyệt.
Vậy cách làm “tiền hậu bất nhất” đối với gói thầu có quy mô lớn và được cơ quan cấp trên là Tập đoàn VNPT phê duyệt đấu thầu rộng rãi trong nước với mục đích gì? Hơn nữa, với thông tin cung cấp không chính xác sẽ khiến nhiều nhà thầu, nhất là những nhà thầu mới tham gia lần đầu đấu thầu các gói thầu “siêu khủng” trong hệ thống tập đoàn VNPT sẽ “không biết đâu mà lần” khi xây dựng Hồ sơ dự thầu cho phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của từng nhà thầu.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu, Hồ sơ mời thầu (HSMT) chỉ được phép phát hành sau khi Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) đã được phê duyệt đồng thời chủ đầu tư phải căn cứ vào KHLCNT đã được người có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Điều 12 và 23 Nghị định 63/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu quy định, việc lập HSMT phải căn cứ và tuân thủ nghiêm túc thông tin pháp lý đã được phê duyệt tại KHLCNT khi xây dựng các nội dung quan trọng của HSMT như tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu, bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, xác định giá đánh giá, về nhãn hiệu, về sử dụng lao động để đảm bảo HSMT không được đưa ra các điều kiện hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế nhất định cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, Gói thầu có được chia thành nhiều phần độc lập hay không sẽ quyết định việc lập HSMT để hướng dẫn nhà thầu cân nhắc tham dự thầu. Không thể xây dựng HSMT mà không dựa vào các định hướng có tính pháp lý trong KHLCNT được phê duyệt.
Bảo hiểm Bảo Minh
Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) là một trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối thuộc danh mục quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Năm 2018,Bảo Minh đứng thứ 4 trong top 5thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Thị phần của Bảo Minh hiện nay là 7,8%, theo báo cáo của doanh nghiệp này.
Hiện tại Bảo Minh đang cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm cần thiết cho các doanh nghiệp và nền kinh tế như: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm con người và bảo hiểm hàng hải v.v.
Tại đại hội cổ đông 2019 diễn ra tháng 4/2019, ông Lê Song Lai - Chủ tịch hội đồng quản trị Bảo Minh, cho biết sau khi cổ đông chấp thuận phương án nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, doanh nghiệp sẽ làm việc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn về thủ tục. “Chúng tôi mong muốn hoàn tất các thủ tục vào quý III.2019,” ông Lai nói.
Hiện tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm lượng cổ phần chi phối tại Bảo Minh với 50,7%, công ty bảo hiểm này nằm trong lộ trình SCIC sẽ thoái vốn hoàn toàn trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài khác đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại Bảo Minh là hãng bảo hiểm AXA của Pháp nắm xấp xỉ 16,65%, Chevalier của Hồng Kông nắm 5,65%.
Đại hội cổ đông Bảo Minh cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu mục tiêu 4.577 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 185 tỉ đồng, tăng lần lượt 7,2% và 14% so với năm 2017.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc chiếm tỷ trọng chủ chốt với 3.847 tỉ đồng, tương đương 84% tổng doanh thu. Trong kế hoạch lợi nhuận trước thuế 220 tỉ đồng, dự kiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng chủ chốt với 160 tỉ đồng, tương đương 72% tổng lợi nhuận.
Lý giải kế hoạch đưa ra, ông Lê Văn Thành – Tổng giám đốc Bảo Minh khẳng định không thể tăng trưởng cao bằng mọi giá sẽ dẫn tới mất kiểm soát về tỷ lệ bồi thường, mà tập trung rà soát hiệu quả của từng nhóm nghiệp vụ, kiểm soát tốt rủi ro và công nợ. Đồng thời lựa chọn nhà tái bảo hiểm uy tín và mức tín nhiệm tài chính cao để thu xếp tái bảo hiểm, bảo đảm việc chi trả bảo hiểm kịp thời và đầy đủ cho khách hàng.
“Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt thì mục tiêu này là thách thức với Bảo Minh,” tổng giám đốc Bảo Minh nói và cam kết với cổ đông hướng tới các sản phẩm bảo hiểm mới đáp ứng được nhu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh các mảng bảo hiểm qua kênh trực tuyến và kênh ngân hàng (bancassurance)…
Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico)
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) là một trong ba Tổng công ty của Thủ đô nằm trong danh sách cổ phần hóa cho đến năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Được thành lập từ năm 1999 theo mô hình Tổng công ty 90, vai trò ban đầu của Handico nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở và các khu đô thị của TP Hà Nội.
Công ty cũng là đơn vị chủ lực của Hà Nội trong việc thực hiện quỹ nhà ở xã hội cho học sinh – sinh viên, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; Nam Trung Yên, Cầu Diễn; nhà ở cho sinh viên Mỹ Đình II; nhà ở cho công nhân tại Kim Chung, Đông Anh và khu công nghiệp Phú Nghĩa; làng sinh viên HACINCO…)
Cho đến thời điểm hiện tại, Handico có vốn điều lệ 1.900 tỉ đồng, tuy nhiên vốn góp của chủ đầu tư mới đang ở mức 1.735 tỉ đồng, 100% thuộc về Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội.
Tính đến hết năm 2018, Handico quản lý vốn tại hơn hai chục công ty thành viên. Trong đó sở hữu 100% tại Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội; ba công ty con vốn góp trên 50%; 14 công ty liên kết và 4 công ty liên doanh.
Tuy nhiên, theo Đời sống và pháp lý, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Handico và 5 doanh nghiệp khác thuộc "họ" Handico.
Cụ thể, theo cơ quan thanh tra, Handico đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2016 là hơn 655 tỉ đồng vào 38 công ty (gồm 3 công ty con, 18 công ty liên kết, liên doanh và đầu tư khác vào 17 công ty).
Trong đó, Handico đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 nhưng không được chia lợi nhuận do lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2016 là hơn 49 tỉ đồng. Ngoài ra, Handico đầu tư vào 4 công ty liên kết khác nhưng bị lỗ, năm 2016 số tiền lỗ hơn 5,9 tỉ đồng.
Handico còn đầu tư tài chính dài hạn vào 17 doanh nghiệp khác với giá trị đầu tư gần 151 tỉ đồng nhưng chỉ 8 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi hơn 70 tỉ đồng, 2 doanh nghiệp đã thoái vốn và 2 doanh nghiệp kinh doanh lỗ hơn 235 tỉ đồng vào năm 2016 là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà và Công ty Tài chính CP Handido.
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra Handico có nợ phải trả quá hạn là 13,3 tỉ đồng
Và đến thời điểm kết thúc thanh tra 23/1/2018, 6 doanh nghiệp trong đó có Handico còn nợ thuế hơn 8,4 tỉ đồng. Kết luận thanh tra cũng xác định các doanh nghiệp này kê khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước 16,8 tỉ đồng. Trong đó thuế GTGT là 12,4 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,1 tỉ đồng, lợi nhuận còn lại nộp ngân sách là 3,2 tỉ đồng.
Đối với công ty mẹ Handico, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra đơn vị này hạch toán thiếu doanh thu hoạt động sản xuất - kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị HĐTV, tổng giám đốc Handico chỉ đạo các đơn vị thực hiện đối chiếu đầy đủ công nợ khi lập báo cáo tài chính, kiên quyết thu hồi các khoản nợ phải thu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện đúng quy định trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện kê khai bổ sung thuế GTGT đầu ra 12,4 tỉ đồng; thực hiện nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính 16,8 tỉ đồng để xử lý nộp vào ngân sách nhà nước.
Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC - Công ty TNHH Một thành viên tiền thân là Công ty San nền trực thuộc Sở Xây Dựng Hà Nội được thành lập từ ngày 06/10/1971 theo Quyết định số 1639/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội.
Ngày 13/04/1990 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TC, đổi tên Công ty San nền thành Công ty Xây dựng Công trình Kỹ thuật Hạ tầng. Sau 6 năm hoạt động, Công ty tiếp tục được đổi tên thành Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị.
Theo Quyết định số 111/2004/QĐ-UB ngày 20/7/2004 của UBND Thành phố Hà Nội Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị được thành lập theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con trên cơ sở tổ chức lại Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị với các thành viên (Công ty Con) là các doanh nghiệp Nhà nước, các Công ty Cổ phần, các Công ty Liên doanh thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Giao thông Công chính, Sở Công nghiệp và Liên hiệp Công ty Xuất nhập Khẩu và Đầu tư Hà Nội (UNIMEX).
Tại Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 13/7/2010 của UBND Thành phố Hà Nội và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0100106232 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 04/7/2011, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị được đổi tên là: Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC - Công ty TNHH Một thành viên.
Cơ cấu ngành nghề chính là đầu tư, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp, tư vấn đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu, dịch vụ,... trong đó doanh thu từ đầu tư ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu. Ngoài những ngành nghề đã có và đang đầu tư xây dựng như khu đô thị, khu công nghiệp; xây dựng các công trình dân dụng, nhà ở, bệnh viện, các công trình công cộng, công viên cây xanh, công trình công nghiệp, đường giao thông, sản xuất các loại gạch xây, bê tông thương phẩm, các cấu kiện bê tông đúc sẵn,...
UDIC bao gồm 43 Công ty. Trong đó có 6 Công ty Liên doanh với nước ngoài.
Tính đến thời điểm kết thúc năm 2018, vốn điều lệ đăng ký của UDIC ở mức 4.300 tỉ đồng, tuy nhiên phần vốn thực góp của Nhà nước mới dừng ở mức hơn 3.600 tỉ đồng.
Trong năm vừa rồi, doanh thu thuần của UDIC đạt 2.350 tỉ đồng, giảm 17% so với năm trước đó. Nguồn thu chính của công ty đến từ hoạt động xây dựng với 1.720 tỉ đồng, giảm 21%; doanh thu cung cấp bê tông thương phẩm 68 tỉ đồng, giảm 43%; doanh thu dịch vụ tư vấn, xuất khẩu lao động 20 tỉ đồng, giảm 26%; bù lại doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản 499 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% và doanh thu cho thuê tài sản 43 tỉ đồng, tăng 10%.
Hoạt động kinh doanh chính của UDIC chỉ đạt biên lợi nhuận gộp hơn 9%, tuy nhiên con số này cũng đã tăng tương đối so với chỉ 6% năm trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận