Điểm đáng chú ý hoạt động ngân hàng nửa đầu năm
Do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước…, nhưng khả năng nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm 2020.
Tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Tại buổi Họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, bà Hà Thu Giang, Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 29/5, dư nợ tín dụng tăng 1,96% cùng kỳ năm 2019 tăng 5,37%.
Ðược biết, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, cụ thể: Tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019, tốc độ tăng có cải thiện qua các tháng.
“Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,92%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%”, bà Giang thông tin.
Bên cạnh đẩy mạnh cho vay tín dụng thương mại, bà Giang cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo đó, tính đến 31/5/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 213.304 tỷ đồng, tăng 3,14% so với thời điểm 31/12/2019 với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ðặc biệt, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 07/05/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để NHCSXH cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Cũng tại buổi Họp báo, ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có bước phát triển mạnh với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng, số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống này tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019.
Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ðặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2019.
Thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.
Qua 2 lần chỉ đạo Napas, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, đến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn phí hoặc giảm phí.
“Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng”, ông Dũng thông tin.
Thách thức 6 tháng cuối năm
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, điểm đáng chú ý là NHNN đã dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và đang đăng tải trên website NHNN, Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.
Liên quan tới xác minh danh tính chủ ví điện tử theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN, theo ông Dũng, là nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, giả mạo, lừa đảo..., bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nâng cao trách nhiệm của tổ chức trung gian thanh toán trong quá trình mở và sử dụng dịch vụ ví điện tử.
“Các tổ chức trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng theo quy định của pháp luật”, ông Dũng nói.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản tổ chức tín dụng hợp lý để ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, tái cấp vốn tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; tái cấp vốn NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc do tác động của dịch Covid-19.
Ðồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường.
Ðặc biệt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thông tin tại họp báo, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ ra 3 khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm 2020, đó là các vấn đề tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất và nợ xấu.
Liên quan đến thanh khoản trong hệ thống, bà Hồng cho biết: “NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện có tỉnh cho vay nhiều hơn nguồn vốn huy động, NHNN đang rà soát, cân đối nguồn vốn giữa nơi thừa và thiếu. Thực tế cho thấy, nhu cầu vay mới vẫn chưa nhiều”.
Về khả năng tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới, Phó thống đốc cho rằng, điều này phụ thuộc vào tình hình diễn biến của các yếu tố vĩ mô và mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Chúng tôi có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành nếu như các điều kiện vĩ mô phù hợp”, bà Hồng nói.
Đối với việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, theo bà Hồng là cần thiết, nhưng tăng trưởng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro. Cùng với đó, NHNN sẽ đề nghị các tổ chức tín dụng cần có phương án làm thể nào để giảm chi phí, thậm chí giảm lương để có thể hỗ trợ được khách hàng, doanh nghiệp.
“Khả năng nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm”, bà Hồng nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận