Điểm bất thường của bất động sản Hà Nội
Nhiều chủ đầu tư vẫn vắng bóng trên thị trường, nguồn cung mới phụ thuộc vào một vài dự án lớn.
'Ông lớn' chi phối nguồn cung
Mặc dù ít có tiếng nói từ doanh nghiệp về những khó khăn pháp lý làm tắc dự án bất động sản như ở TP. HCM nhưng thực tế cho thấy số lượng căn nhà hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán ở Hà Nội liên tục suy giảm trong những năm gần đây.
Danh sách các dự án nhà ở đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh do Sở Xây dựng Hà Nội công bố cho thấy, trong tám tháng đầu năm nay chỉ có chín dự án với 5.300 sản phẩm đủ điều kiện chào bán ra thị trường.
Con số này thấp hơn 15 dự án với gần 8.000 căn nhà đủ điều kiện mở bán năm trước đó và chỉ bằng một nửa nguồn cung năm 2022 khi có 20 dự án với tổng số 11.000 sản phẩm cả chung cư và nhà thấp tầng.
Trong bốn năm qua, năm 2021 có nguồn cung dồi dào nhất khi có 26 dự án với gần 14.000 căn, bao gồm cả thấp tầng và cao tầng đủ điều kiện mở bán.
Trong bức tranh suy giảm nguồn cung của toàn thị trường, số lượng nhà ở đủ điều kiện mở bán phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các dự án đại đô thị.
Ước tính có đến 70 - 80% nguồn cung toàn thị trường bất động sản Hà Nội đến từ những dự án lớn. Các dự án còn lại có quy mô rất nhỏ, chỉ từ vài chục đến vài trăm căn.
Đơn cử năm 2021 có 9.000 căn hộ điều kiện mở bán thì chỉ tính riêng bảy tòa chung cư thuộc đại dự án Vinhomes Smart City đã cung cấp hơn 6.500 căn hộ, chiếm đến hơn 70% nguồn cung toàn thị trường.
Các dự án còn lại chủ yếu chỉ có quy mô vài trăm căn hộ như Han Jardin, khu Đoàn ngoại giao 560 căn hộ; dự án trung tâm thương mại, văn phòng chung cư cao tầng Hesco, Văn Quán, Hà Đông 545 căn; hay The Grand Hanoi 104 căn.
Tương tự, năm 2022, tám tòa chung cư thuộc đại đô thị Vinhomes Ocean Park cung cấp ra thị trường gần 5.000 căn hộ.
Năm ngoái, trong tổng số hơn 7.000 căn hộ được phép mở bán, Vinhomes Smart City chiếm hơn 3.500 căn hộ và Vinhomes Ocean Park gần 2.000 căn hộ.
Đáng chú ý, trong tám tháng đầu năm 2024, căn hộ chung cư chiếm hơn 90% nguồn cung toàn thị trường với gần 5.000 căn. Trong đó, bảy toà thuộc đại đô thị Vinhomes Smart City chiếm đến gần 4.000 căn hộ.
Không chỉ chung cư cao tầng, đối với phân khúc bất động sản thấp tầng, các dự án lớn cũng chiếm đa số nguồn cung mở bán ra thị trường.
Hai năm qua, thị trường thấp tầng gần như không có dự án mở bán mới cho đến khi dự án Vinhomes Global Gate có tới 4.100 căn biệt thự, liền kề được Sở Xây dựng công bố đủ điều kiện mở bán.
Nguồn cung mới từ đại dự án Vinhomes Global Gate và Vinhomes Smart City cũng góp phần cải thiện mạnh mẽ nguồn cung nhà ở tại Hà Nội.
Nếu như tám tháng đầu năm mới có 5.300 căn đủ điều kiện mở bán thì đến gần hết tháng 10, con số này đã tăng vọt lên 12.600 căn, chủ yếu là do nguồn cung mới đến từ Vinhomes Global Gate và các toà nhà cao tầng thuộc đại đô thị Vinhomes Smart City do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn, Công ty TNHH Thương mại và phát triển kinh doanh Ánh Sao làm chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, nguồn cung khan hiếm trong khi nguồn cầu dồn nén trong suốt một thời gian dài, kết hợp với các chi phí đầu vào cho phát triển dự án tăng mạnh, đã đẩy giá nhà ở lên cao.
Theo công ty tư vấn CBRE, giá căn hộ Hà Nội trong quý III vừa qua đã đạt trung bình 64 triệu đồng/m2, tăng 8,7% so với quý trước và tăng mạnh 26% theo năm.
Có thể thấy, nguồn cung nhà ở mới nằm chủ yếu ở các đại đô thị do Vinhomes phát triển bên cạnh các nhà phát triển dự án thứ cấp như Masterise Homes, MIK Group và CapitaLand.
Đơn cử, Masterise Homes đang phát triển một loạt các dự án thứ cấp gồm Masteri West Heights và Lumiere Evergreen trong khu đô thị Vinhomes Smart City; Masteri Waterfront và Lumiere Spring Bay tại Vinhomes Ocean Park; và đang triển khai hai toà căn hộ cao tầng mới tại Vinhomes Global Gate.
CapitaLand đã mua lại một phần đất thuộc Vinhomes Smart City để phát triển dự án Lumi Hanoi với chín tòa chung cư cao 29 - 35 tầng, cung ứng khoảng 4.000 căn hộ.
Thời của các 'ông lớn'
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra một số nguyên nhân khiến nguồn cung mới tập trung vào một số dự án lớn của chủ đầu tư lớn.
Thứ nhất, ông Đính cho biết phần lớn các dự án trên thị trường bất động sản Hà Nội đều đang "nằm im bất động" do vướng mắc pháp lý chờ được tháo gỡ. Các vướng mắc này rất nan giải, ở tất cả các khâu thủ tục pháp lý: từ quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, phê duyệt giao đất, tính tiền sử dụng đất...
Bên cạnh đó là khó khăn nguồn vốn và ảnh hưởng từ một số "sự cố" liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp từng rất phát triển thời gian trước như Sunshine, Tân Hoàng Minh, Hưng Thịnh hiện cũng đang chật vật với các vướng mắc về trái phiếu.
Những khó khăn này khiến hầu hết các chủ đầu tư không có hàng để bán. Có doanh nghiệp từng rất phát triển ở giai đoạn trước đã "vắng bóng".
Theo ông Đính, các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được sửa đổi và có hiệu lực nhưng vẫn đang trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm nên các dự án vướng mắc pháp lý cần thêm thời giưn để được tháo gỡ.
Trong khi các nhiều doanh nghiệp tiềm lực tài chính và năng lực triển khai dự án yếu cũng như gặp vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp lớn giàu tiềm lực lại có lợi thế "đi trước" để "đón đầu" sự phục hồi của thị trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung.
Ông Đính cho rằng, với bộ phận pháp chế chuyên nghiệp và có năng lực cao, nghiên cứu các thủ tục pháp lý chặt chẽ, các chủ đầu tư lớn có năng lực triển khai dự án tốt hơn nên thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng có năng lực tài chính mạnh mẽ. Các khâu như đền bù giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất... của dự án được thực hiện nhanh chóng, nhằm sớm đưa dự án vào kinh doanh.
Theo ông Đính, các dự án đại đô thị, quy mô lớn có tính đồng bộ cao, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đô thị, đáp ứng nguồn cung nhà ở rất lớn của người dân nên cũng được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai dự án thuận lợi hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận