Dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội báo lỗ, do đâu?
Sau hơn 1 năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ) báo lỗ hơn 2 tỉ đồng.
Lỗ hơn 2 tỉ đồng trong vòng 1 năm triển khai
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng triển khai tại Hà Nội từ ngày 24.8.2023. Mục tiêu đề án đưa ra nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
Theo khảo sát của PV, các trạm xe đã được phủ rộng, đặc biệt tại các địa điểm gần ga tàu điện, các điểm tham quan, du lịch và trường học. Đây cũng là mục tiêu đề án hướng tới nhằm tăng sự kết nối giữa các loại hình phương tiện công cộng.
Chị Nguyễn Thanh Nga (quận Hà Đông) - nhân viên văn phòng của một công ty trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) chia sẻ rằng, gần 1 năm nay chị đã kết hợp 2 loại hình phương tiện công cộng để đi làm.
Theo đó, chị Nga sẽ đi tàu điện từ Văn Quán đến ga Láng. Sau khi xuống tàu, chị Nga đi xe đạp công cộng từ ga Láng và trả xe tại trạm gần Học viện Phụ nữ. Từ điểm trả xe đến cơ quan chị Nga làm việc chỉ khoảng hơn 300m, rất tiện lợi.
Trạm xe đạp công cộng được ưu tiên đặt tại các vị trí như nhà ga tàu điện, trạm xe buýt, điểm tham quan, trường học...
Về tình hình hoạt động, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, đến nay đơn vị đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 99 điểm ở 6 quận nội thành Hà Nội. Dịch vụ cũng đã thu hút hơn 208.000 khách đăng ký, trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. Có gần 340 nghìn chuyến đi được thực hiện từ khi thí điểm đến nay.
Theo ông Đỗ Bá Quân, trong 1 năm triển khai thí điểm, doanh thu từ dịch vụ ước tính đạt hơn 3,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với chi phí vận hành dịch vụ lỗ hơn 2 tỉ đồng.
Đánh giá về những yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, đại diện đơn vị triển khai dự án cho biết, đầu tiên phải nói về giá dịch vụ. Theo đó, hiện giá thuê xe rất rẻ, chỉ ở mức là 5.000 đồng/30 phút đối với xe đạp truyền thống, 10.000 đồng/30 phút xe đạp điện. Kết thúc hành trình trong vòng 30 phút, người thuê sẽ thanh toán 6.000 đồng, trong đó có 5.000 đồng phí thuê xe và 1.000 đồng phí bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên đưa ra những ưu đãi để kích cầu, thu hút người dân sử dụng dịch vụ.
"Vé rẻ thì người dân mới sử dụng. Trong khi đó, chúng tôi chưa được trợ giá như xe buýt, tàu điện nên toàn bộ chi phí vận hành đơn vị phải chủ động", ông Đỗ Bá Quân chia sẻ.
Ngoài ra, hiện cả hệ thống chưa đạt 1.000 xe theo nội dung đề án, dẫn tới doanh thu không đạt như kế hoạch.
Doanh nghiệp muốn có cơ chế hỗ trợ
Theo TS Phan Lê Bình - Giảng viên Đại học Việt Nhật, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xe đạp công cộng còn tạo nên một sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô.
Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn thí điểm.
Tuy vậy, dịch vụ này hiện vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm, TP Hà Nội tạo điều kiện cho sử dụng miễn phí một số đoạn vỉa hè ở các quận để triển khai lắp đặt trạm xe.
Ngoài ra, chưa có thêm cơ chế hỗ trợ nào khác. Đây cũng là một trăn trở lớn của doanh nghiệp trong việc tiếp tục phát triển dịch vụ.
"Dịch vụ của chúng tôi chưa được công nhận là phương tiện giao thông công cộng, đồng nghĩa với việc chưa được hưởng các cơ chế chính sách đối với loại hình vận tải công cộng. Chưa kể còn chi phí thuê vỉa hè khi hết thí điểm.
Mong rằng sớm có cơ chế để làm cơ sở triển khai chính thức dịch vụ xe đạp đô thị ở Hà Nội", ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vận tải số Trí Nam chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận