menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Băng Tâm

Dịch vụ ngân hàng số: Nước sông khó phạm được nước giếng...

Mới đây, thông tin về việc Grab đang cố gắng để có được giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng số 100% (digital banking) tại Singapore khiến cho nhiều ngân hàng truyền thống, dù không bất ngờ, nhưng cũng phải dè chừng hơn với các đối thủ cạnh tranh mới “ngoài ngành”.

Những lợi thế mà các công ty như Grab có được rõ ràng vượt trội hơn trong việc cung cấp một số dịch vụ ngân hàng, nhưng điều đó không có nghĩa các công ty này có thể cạnh tranh trực diện với các ngân hàng truyền thống.

Lợi thế từ công nghệ và mô hình kinh doanh mới

Mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ tiêu biểu như Uber, Grab, Lyft... đã đem lại một số lợi thế rất lớn cho các công ty này về dữ liệu khách hàng, hệ thống thanh toán, thói quen chi tiêu. Điều đó dẫn đến các công ty này lấn sân sang một số lĩnh vực khác như dịch vụ giao nhận thức ăn và dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Vào tháng 3-2019, Cơ quan Quản lý tài chính tiền tệ của Hồng Kông (HKMA) đã cấp phép cho hai ngân hàng số hoàn toàn (100% digital), một là liên doanh giữa Standard Chartered và BOC Hongkong, và còn lại là của tập đoàn ZhongAn Technologies International Group (thuộc tập đoàn Bảo hiểm trực tuyến ZhongAn). Nếu so với số lượng yêu cầu lên đến hàng chục, thì số lượng giấy phép được cấp là rất ít. Điều này cho thấy việc đáp ứng được các điều kiện của cơ quan quản lý không hề dễ dàng.

Tiếp theo Hồng Kông, nhiều công ty công nghệ tài chính (FinTech) tại Singapore cũng đang rất mong có được giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng số từ cơ quan quản lý tài chính tiền tệ Singapore (MAS), trong đó có cả hình thức liên doanh với các định chế tài chính truyền thống. Tuy nhiên, sự dè chừng từ cơ quan quản lý của Hồng Kông được cho là sẽ có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà quản lý Singapore. Nhiều nhận định cho rằng Singapore sẽ như Hồng Kông, ưu tiên cho các định chế tài chính có nền tảng nhất định, hơn là các doanh nghiệp FinTech mới thành lập.

Không dễ cạnh tranh với ngân hàng truyền thống

Tuy có một số lợi thế vượt trội nhưng khi các công ty có mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ lấn sân sang dịch vụ ngân hàng cá nhân thì con đường không chỉ rải hoa hồng. Một trong những minh chứng là ngân hàng số 100% N26 của Đức đã và đang là “hiện tượng” ở châu Âu. Đã có một thời gian, N26 rất khó khăn trong việc giải quyết các khiếu nại của khách hàng liên quan đến lỗ hổng bảo mật, đảm bảo yêu cầu KYC (xác định danh tính của khách hàng), chính sách dịch vụ bị lợi dụng.

Mặc dù các công ty công nghệ chỉ nhắm đến các dịch vụ ngân hàng cá nhân đơn giản như thanh toán, tiền gửi, vay cá nhân nhưng để có được các dịch vụ hoàn chỉnh như các ngân hàng truyền thống thì thách thức rất nhiều.

Thứ nhất, về dịch vụ thanh toán, chuyển khoản thì việc thực hiện trong cùng hệ thống rất thuận tiện và nhanh chóng, nhưng khả năng liên thông với các hệ thống bên ngoài là trở ngại lớn. Chẳng hạn như Grab, muốn được chấp nhận thanh toán toàn cầu thì không thể không qua hệ thống Master hay Visa. Muốn kết nối được hệ thống toàn cầu thì rào cản chi phí và công nghệ không hề thấp chút nào.

Thứ hai, tài khoản của người dùng tại các công ty công nghệ, dù gì cũng chỉ là một tài khoản để chi tiêu. Muốn chuyển thành một tài khoản chính để nhận các nguồn thu nhập chính như lương hàng tháng và chi trả các khoản vay lớn như mua nhà, mua xe... thì quá khó để cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống. Không phải không có lý do mà Paypal, đến giờ này vẫn chưa thể lấn sân sang dịch vụ ngân hàng cá nhân, chưa thể thu hút nhiều người dùng Paypal là tài khoản thu chi chính.

Thứ ba, dịch vụ ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện, không chỉ về vốn, công nghệ, mà còn phải đảm bảo các nguyên tắc khắt khe liên quan đến KYC, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thêm vào đó, các ngân hàng truyền thống với nguồn lực của mình, không dễ để lãnh địa của mình bị xâm phạm thông qua việc vận động các chính sách nhằm có lợi cho mình. Và đây có lẽ là trở ngại lớn nhất đối với các công ty công nghệ.

Thực tế cho thấy, đằng sau các công ty công nghệ phần lớn vẫn là các định chế tài chính ngân hàng. Do đó, việc phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân ở các công ty công nghệ cuối cùng cũng chỉ là sự đa dạng kênh phân phối của các định chế tài chính ngân hàng truyền thống. Chính vì vậy, dịch vụ ngân hàng số 100% chủ yếu sẽ là một nhánh kinh doanh của ngân hàng, hay là một liên doanh giữa ngân hàng và công ty công nghệ. Còn nếu đứng một mình, công ty công nghệ rất khó mà cung cấp được dịch vụ ngân hàng cá nhân như ngân hàng truyền thống. Và do đó, nước sông cũng sẽ không phạm nước giếng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả