Dịch tả lợn đang tấn công người tiêu dùng Trung Quốc
Dịch tả lợn châu Phi đã tàn phá đàn lợn của Trung Quốc và người tiêu dùng nước này đang cảm thấy rõ ràng nỗi đau. Một số thậm chí đang phải chuyển sang sử dụng các loại thịt khác để thay thế khi mà giá thịt lợn đang ngày càng đắt đỏ.
Giá thịt lợn tăng chóng mặt
Theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba của cơ quan Thống kê Trung Quốc, thịt lợn hiện có giá cao hơn gần 70% so với một năm trước. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát lên 3% trong tháng 9, từ mức 2,8% của tháng trước đó.
Thiệt hại mà dịch tả lợn châu Phi đã phá hủy đối với quần thể lợn của Trung Quốc là rất lớn. Đất nước này có đàn lợn chiếm khoảng một nửa tổng đàn lợn trên hành tinh. Trên cơ sở phân tích dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, CNN Business ước tính số lợn nuôi tại quốc gia này đã giảm khoảng 130 triệu con kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái. Hiện nhiều hộ nông dân không muốn tái đàn vì vẫn lo ngại dịch bệnh này.
Dịch tả lợn thực sự đã tạo ra sự nhức nhối cho một đất nước nơi mà thịt lợn là một thành tố chính trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thịt lợn chiếm khoảng 70% tổng lượng tiêu thụ các loại thịt của người dân Trung Quốc, theo dữ liệu chính thức cho năm 2018. Trung bình, một người ở Trung Quốc ăn 20 kg thịt lợn mỗi năm. Trong hàng trăm năm qua, thịt lợn luôn là thành phần quan trọng đối với ẩm thực Trung Hoa. Nó được sử dụng rất phổ biến trong nhiều món ăn nổi tiếng, bao gồm món bánh bao - một món ăn đặc trưng của Trung Quốc.
Quan trọng là thế nên việc giá thịt lợn cứ tăng vùn vụt đã không thể không khiến người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, họ thường xuyên phàn nàn khi thịt lợn ngày càng đắt đỏ. Một số người cho rằng, giá thịt lợn tăng vọt đang buộc họ trở thành những người ăn chay. Một người dùng mạng Weibo thậm chí còn cho rằng, thịt lợn giờ đây còn có giá trị hơn một chiếc điện thoại thông minh hàng đầu.
Giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi ở một số khu vực trong vài năm qua. Thịt lợn bán lẻ với giá khoảng 32 NDT (4,5 USD)/kg trong năm 2017, theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng hiện nay giá 1kg thịt lợn đã ở mức hơn 60 NDT (8,45 USD).
Ở một mức độ nào đó Trung Quốc đã có các hành động để đối phó. Từ tháng 4 đến giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã chi khoảng 3,2 tỷ NDT (452 triệu USD) tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp để họ có thể tiếp tục đủ khả năng có món thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.
Quyết liệt đối phó và thích ứng
Các quan chức chính phủ thậm chí đã đi khắp đất nước để nói chuyện với mọi người về sự khan hiếm thịt lợn, và điều này có thể làm suy yếu sự ổn định xã hội nếu không được giải quyết. Tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm một chủ bán hàng ăn đường phố ở thành phố Tây An. Người này cho biết cửa hàng phải tăng giá bánh burger vì chi phí thịt lợn tăng.
Trung Quốc cũng đã thực hiện các bước quyết liệt khác để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn vào tháng trước, họ đã bán đấu giá 30.000 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ trung tâm để góp phần bình ổn giá. Một số trang trại thậm chí còn nuôi lợn lâu hơn như một cách để có được nhiều thịt hơn. Công ty Jiangxi Zhengbang Technology cho biết hồi tháng trước rằng, họ sẽ nuôi những con lợn đạt đến trọng lượng 150 kg trước khi giết mổ, tức nặng hơn tới 25% so với mức trung bình. Một trang trại chăn nuôi lợn khác là Xiangyang Zhengda, gần đây đã nhập khoảng 900 con lợn trị giá gần 3 triệu USD từ Đan Mạch để tăng nguồn cung, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng dịch tả lợn bắt đầu, Trung Quốc đã nhập khẩu lợn sống.
Trung Quốc cũng đã mua thêm thịt lợn từ phần còn lại của thế giới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nước này đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn thịt lợn trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 44% so với một năm trước, theo dữ liệu hải quan được công bố đầu tuần này. Nhập khẩu thịt bò cũng đã tăng hơn 50%, vì nhu cầu thay thế một phần thịt lợn bằng thịt bò trong khẩu phần ăn uống của họ.
Cuộc khủng hoảng lợn cũng có thể có ảnh hưởng đến cách Trung Quốc tiếp cận căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tuần trước rằng, hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ trong đó bao gồm cam kết từ Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông sản của Mỹ và thịt lợn chiếm một thị phần rất lớn trong đó.
Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo rằng, xu hướng giá thịt lợn tăng sẽ chưa kết thúc. Rabobank, một ngân hàng Hà Lan chuyên tài trợ vốn cho lĩnh vực thực phẩm và nông trại, dự báo giá thịt lợn sẽ còn tăng cao hơn nữa khi Trung Quốc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, bắt đầu vào cuối tháng 1 tới. Điều đó có thể buộc một số người tiêu dùng phải thay đổi chế độ ăn uống của họ, ít nhất là trong một thời gian ngắn sắp tới.
Cùng quan điểm trên, Ting Lu, Giám đốc điều hành và là chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, nhận định, rất có thể sẽ có một sự thay đổi ngắn hạn trong khẩu phần ăn của người dân Trung Quốc do cuộc khủng hoảng thịt lợn hiện nay. “Người dân có thể chuyển sang các lựa chọn thay thế ít tốn kém hơn, chẳng hạn như thịt gà. Tiêu thụ thịt bò và thịt cừu cũng có thể tăng khi mùa đông sắp đến", Ting Lu nói với CNN Business.
Nhưng chuyên gia này cho rằng, dịch tả lợn có thể sẽ không làm thay đổi mọi thứ trong thời gian dài, đơn giản vì thịt lợn đã là một món ăn truyền thống chủ lực của người dân Trung Quốc qua nhiều thế hệ. "Bạn có thể tưởng tượng nhân thịt lợn được sử dụng trong hầu hết các loại bánh bao Trung Quốc sẽ được thay thế bằng thứ khác không?", vị này hỏi và tự trả lời: "Một khi dịch được kiểm soát và giá thịt lợn quay trở lại mức bình thường, mọi người sẽ ăn thịt lợn trở lại, dù quá trình đó có phải kéo dài đến 2-3 năm nữa. Đây là một truyền thống và nó rất mạnh mẽ".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận