Dịch tả heo châu Phi có thể biến thành đại dịch toàn cầu
Các chuyên gia nhận định, dịch tả heo châu Phi (ASF) trong năm nay sẽ gây thiệt hại lớn hơn năm 2019 sau khi các dữ liệu cho thấy tốc độ lây lan và tàn phá các đàn heo vẫn không thuyên giảm, ngược lại còn nghiêm trọng hơn.
Số heo bị tiêu hủy gần bằng cả năm 2019
Khi cả thế giới dồn sự quan tâm vào đại dịch Covid-19 gây tử vong lớn ở người, các nước không dành đủ sự tập trung và các nguồn lực để ngăn chặn đà lây lan của dịch ASF thông qua việc triển khai các thực hành an ninh sinh học tốt hơn, tăng cường hợp tác để phát triển vắc-xin và minh bạch hóa thông tin liên quan đến các ổ dịch mới bùng phát.
Trong cuộc trao đổi với nhật báo Guardian (Anh) hôm 27-5, Dirk Pfeiffer, giáo sư chuyên ngành khoa học thú y ở Đại học TP Hồng Kông đồng thời là một chuyên gia hàng đầu về dịch ASF, nói: “Nếu xét về tốc độ lây lan, virus gây ra ASF mạnh hơn nhiều so với virus gây ra Covid-19. Hơn nữa, virus này có thể sống trong môi trường và cả các sản phẩm thịt đã chế biến trong nhiều tuần và nhiều tháng”.
Dịch ASF giết chết gần như 100% những con heo bị nhiễm virus này và hiện vẫn chưa có vắc-xin nào phòng ngừa nó.
Dịch ASF là một vấn đề âm ỉ của ngành chăn nuôi heo trên toàn cầu trong nhiều năm nhưng chỉ đến khi lan đến Trung Quốc vào mùa thu 2018, dịch này mới lây lan với tốc độ bùng nổ. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, khoảng 1,1 triệu con heo bị tiêu hủy vào năm ngoái do nhiễm dịch.
Tuy nhiên, theo các số liệu không chính thức, số heo bị chết, tiêu hủy hoặc mổ thịt sớm do dịch ASF ở Trung Quốc là trên dưới 200 triệu con kể từ tháng 8-2018. Hồi tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) ước tính 40% trong đàn heo 360 triệu con của Trung Quốc có thể đã bị mất do tác động của dịch ASF.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một cơ quan của Liên hợp quốc, có trụ sở ở Paris, Pháp, nhìn nhận đó là con số ước tính hợp lý.
Dữ liệu của OIE cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, số heo bị nhiễm ASF trên toàn cầu đang tiệm cận số heo bị nhiễm dịch bệnh này trong cả năm 2019 với các vùng dịch lớn tại Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và nhiều nước Đông Âu.
“Các ổ bùng phát dịch ASF mới, được báo cáo cho OIE, cũng như được ghi nhận qua thông tin báo chí và được giám sát thông qua hệ thống phòng ngừa khẩn cấp của chúng tôi, đều xác nhận rằng số heo bị nhiễm ASF đang lớn hơn bao giờ hết và tốc độ lây lan không thuyên giảm của dịch bệnh này”, Andriy Rozstalnyy, chuyên gia thú y cao cấp ở Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nói.
Theo dữ liệu của OIE, tính từ đầu năm nay đến cuối tháng 4, có hơn 100.000 con heo chết do nhiễm ASF, gần bằng cả năm 2019, trong khi đó, số heo bị tiêu hủy để phòng ngừa dịch bệnh này lây lan là 5,4 triệu con, cũng gần bằng con số 6,9 triệu con bị tiêu hủy trong năm 2019.
Nguy cơ biến thành đại dịch toàn cầu
Dịch ASF giờ đây lần đầu tiên lan đến miền bắc Ấn Độ cũng như Papua New Guinea, một quốc đảo ở tây nam Thái Bình Dương.
Timothée Vergne, Phó Giáo sư chuyên ngành sức khỏe thú y công cộng của trường Thú y quốc gia ở Toulouse, Pháp, nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta chắc chắn có thể gọi nó là đại dịch”. Ông cho biết tổng số vụ bùng phát dịch ASF được ghi nhận trong năm nay đã vượt xa tổng số vụ bùng phát dịch bệnh này tính đến cuối tháng 5 năm ngoái.
Ông dự báo đến cuối năm nay, tổng số vụ bùng phát ASF sẽ vượt cả năm 2019. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại Trung Quốc không báo cáo đầy đủ về dịch ASF trong năm 2020.
Wayne Johnson, chuyên gia thú y ở Công ty dịch vụ nông trại Enable Agricultural Technology Consulting, có trụ sở ở Bắc Kinh, nói: “Chúng tôi ghi nhận các ổ dịch ASF mới xuất hiện ở Trung Quốc nhưng chính quyền các tỉnh được yêu cầu không công bố”.
Giáo sư chuyên ngành khoa học thú y Dirk Pfeiffer, người đã cùng các nhà nghiên cứu khác đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về những tác động toàn cầu nếu dịch ASF lây nhiễm rộng trong đàn heo Trung Quốc, cho biết nước này giờ đây đã dừng tiêu hủy đàn heo để chuyển sang kiểm soát và sống chung với dịch ASF.
Pfeiffer cho rằng các nhà sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc thực sự đã học cách “sống chung” với dịch ASF và gặt hái lợi nhuận béo bở nhờ giá thịt heo tăng cao.
Lợi nhuận của các nhà sản xuất thịt heo hàng đầu Trung Quốc như WH Group, Wens Foodstuff Group và Muyuan Group đang tăng vọt. Các công ty này không đưa ra bình luận nào khi báo Guardian tiếp cận để hỏi về các biện pháp an ninh sinh học mà họ đã triển khai với hệ thống chuồng trại của họ.
Trong khi đó, các hành động khẩn cấp để ngăn ngừa dịch ASF đang bị trì hoãn, một phần là do tác động đại dịch Covid-19.
Andriy Rozstalnyy, chuyên gia thú y của FAO, nói: “Con đường duy nhất để bảo vệ ngành chăn nuôi heo là phải hợp tác toàn cầu ở tất cả các cấp độ, bao gồm tăng tốc nghiên cứu vắc-xin, tăng cường các biện pháp giám sát và an ninh sinh học cũng như thực thi các chính sách vận chuyển và giao thương xuyên biên giới an toàn”.
Giáo sư Dirk Pfeiffer cho rằng, ASF giờ đây gần như “không thể ngăn chặn” và nhiều nhà sản xuất thịt heo ở Mỹ và châu Âu đang lo ngại rằng, từ các ổ dịch ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Đông Âu, ASF lây lan đến đàn heo của họ chỉ là vấn đề thời gian.
Hôm 29-5, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho biết đã phát hiện một ổ dịch ASF mới ở gần TP Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Hơn 90 con heo trong đàn heo 9.000 con ở một trang trại tại thành phố này đã chết. Hai ngày trước đó, bộ này và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo chung cho biết cấm nhập khẩu heo và các sản phẩm thịt heo từ Ấn Độ để ngăn ngừa dịch ASF sau khi Ấn Độ ghi nhận ổ dịch ASF đầu tiên trong tháng 5, làm chết hơn 17.000 con heo ở bang Assam. Chỉ số giá sỉ thịt heo trung bình ở 16 vùng cấp tỉnh ở Trung Quốc đã giảm trong 13 tuần liên tục, về mức 36,04 nhân dân tệ (117.500 đồng)/kg trong tuần từ 18 đến 22-5. Giá thịt heo thoái lùi giữa lúc chính phủ Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để tăng nguồn cung, bao gồm xuất bán thịt heo đông lạnh từ các kho dự trữ quốc gia và tăng nhập khẩu. Trung Quốc cũng đang triển khai các gói vay và trợ cấp dành cho những địa phương sản xuất thịt heo lớn. Một báo cáo của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo, sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 48 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm ngoái. |
Theo Guardian
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận