"Đích ngắm" của nhà đầu tư Nhật Bản
Nhiều mặt hàng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã được giới thiệu tại Triển lãm M-Tech Osaka 2021 diễn ra mới đây. Thông qua triển lãm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn chuyển một phần nhà máy sang Việt Nam.
Triển lãm M-Tech Osaka 2021 là một trong những triển lãm thường niên chuyên ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công lớn nhất Nhật Bản. Tại triển lãm, ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản còn có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc..., đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, tiếp cận được với các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại. Trong 3 ngày diễn ra triển lãm, một lượng lớn người tham quan đã đến thăm gian hàng của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản. Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết, được sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia các triển lãm để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài, qua đó góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 làm gián đoạn, đứt gãy một số khâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch toàn bộ hoặc một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, họ không còn chỉ quan tâm đến các yếu tố như giá nhân công mà còn tính toán đến sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng xuyên suốt. Có thể nói, phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc của chuỗi cung ứng, bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Hiện, Việt Nam có 3 ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô. Thông qua các triển lãm quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện giới thiệu năng lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của mình tới các đối tác Nhật Bản, qua đó có nhiều cơ hội để tìm kiếm đối tác hợp tác.
Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 7. Các hiệp định, chiến lược và kế hoạch này đã và sẽ là những đòn bẩy đối với hợp tác, chuyển giao kỹ thuật cũng như nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận