Dịch do virus Corona: Hiệu ứng domino đối với ngành chế tạo ô tô thế giới (Phần 2)
Thành phố Vũ Hán có vị trí quan trọng trong "Made in China 2025", kế hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao của Chính phủ Trung Quốc.
Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi nước này và từng được mệnh danh là một "Detroit" của Trung Quốc. Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp ô tô Trung Quốc là Đông Phong (Dongfeng) đặt trụ sở tại Vũ Hán.
Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Vũ Hán còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66% đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.
Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại quốc tế. Với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với châu Âu, với Trung Đông và cả Mỹ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với thành phố Lyon, miền Trung nước Pháp.
Do đó, có thể thấy thành phố Vũ Hán có vị trí quan trọng trong "Made in China 2025", kế hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao của Chính phủ Trung Quốc.
Là một trung tâm sản xuất tại Trung Quốc, thành phố Vũ Hán đang chịu tổn thất nặng nề về kinh tế, cũng như lĩnh vực thương mại, do tiềm ẩn khả năng cắt giảm hoặc thậm chí đóng cửa các hãng hàng không, tuyến đường biển và biên giới của một số quốc gia dựa trên những sự cân nhắc địa chính trị hoặc hoảng loạn đang trong tình trạng phổ biến.
Báo cáo của IHS Markit cho biết, việc đóng cửa một phần thành phố Vũ Hán đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất các tấm màn hình TV, khiến những sản phẩm này tăng giá đột ngột. Vũ Hán hiện sở hữu 5 nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng, còn được gọi là LCD, và màn OLED. Cả hai sản phẩm này đều được sử dụng cho màn hình tivi và máy tính xách tay. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nơi đóng góp đến hơn 50% sản lượng toàn cầu trong lĩnh vực màn hình hiển thị.
David Hsieh, một nhà phân tích tại IHS Markit, cho biết trong một báo cáo rằng các nhà máy này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả nhân lực lẫn các thành phần sản xuất chính khi họ thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến các sản phẩm màn hình hiển thị tăng giá.
Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại Motorola, cũng có một cơ sở ở Vũ Hán, đã tỏ ra lạc quan khi cho rằng những tác động của dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ được hạn chế giữa bối cảnh chuỗi cung ứng của hãng trên toàn cầu rất linh hoạt và hãng cũng sở hữu nhiều nhà máy trên khắp thế giới. Trong một tuyên bố chính thức, đại diện Motorola cho biết, ưu tiên của hãng hiện giờ là đảm bảo là phúc lợi cho các nhân viên địa phương.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của Apple, Tim Cook cho hay nhiều nhà thầu của Apple tại Trung Quốc đã buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa đối với các nhà máy trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua.
CEO Tim Cook cho biết, Apple đang tìm cách giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung giữa bối cảnh một số nhà cung cấp của hãng đều có vị trí ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh do virus Corona bùng phát. Trong khi đó, hầu hết linh kiện của sản phẩm iPhone và các thiết bị khác đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra không chỉ ảnh hưởng tới riêng các doanh nghiệp sản xuất ô tô, mà tới toàn ngành chế tạo Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp chủ lực của Hàn Quốc ở các ngành công nghiệp trọng tâm như điện tử, chip bán dẫn đều đã di dời nhà máy sang Trung Quốc.
Các đối tác cung cấp phụ tùng cũng di dời theo. Một số doanh nghiệp phụ tùng dù có đối tác cung ứng là doanh nghiệp lớn không có nhà máy tại Trung Quốc, nhưng cũng di dời nhà máy sang quốc gia này để cắt giảm chi phí.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã gặp nhiều trở ngại trong sản xuất. Nhà máy thiết bị điện tử gia dụng của hãng điện tử Samsung tại thành phố Tô Châu, nhà máy sản xuất pin của hãng SK Innovation ở thành phố Thường Châu, và nhà máy pin của hãng LG ở thành phố Nam Kinh (đều thuộc tỉnh Giang Tô) đã phải tạm dừng sản xuất một lần, sau đó kéo dài thời gian dừng hoạt động. Nơi nào không dừng hoạt động thì cũng chỉ sản xuất với công suất và nhân lực tối thiểu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận