24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dịch COVID-19: Nhiều tiểu bang của Mỹ ngừng mở cửa, Mỹ La tinh vẫn chưa "hạ nhiệt"

Ít nhất 16 bang ở Mỹ đã tạm ngừng các kế hoạch mở cửa lại trước làn sóng tăng mạnh các ca lây nhiễm mới, sự lây lan của dịch bệnh sẽ rất khó để kiểm soát.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 1/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 10.583.878 ca, trong đó có 513.861 ca tử vong.

Các nước cũng ghi nhận 5.794.489 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 57.787 và 4.275.528 ca đang điều trị tích cực.

Dịch bệnh lây lan mạnh tại Mỹ đã khiến nhiều tiểu bang phải ngừng mở cửa lại, trong khi khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm "nhiệt".

Trong khi đó, ít nhất 36 bang đang chứng kiến sự gia tăng mạnh ca lây nhiễm mới so với tuần trước. Có ít nhất 11 bang ghi nhận số ca tăng từ 50% trở lên. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan dữ dội ở bang Arizona, khiến chính quyền phải đóng cửa các quán bar, phòng tập gym và nhiều loại hình kinh doanh khác thêm 30 ngày.

Tại Florida, một số hạt đã thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang, trong đó có hạt Jacksonville, nơi Tổng thống Trump dự kiến sẽ nhận đề cử của đảng Cộng hòa trong không đầy 2 tháng tới.

Tại Delaware, Thống đốc John Carney thông báo đóng cửa các quán bar ở bờ biển trước dịp cuối tuần mừng Quốc khánh 4/7, trong khi Thống đốc bang California sẽ thông báo bổ sung các lệnh hạn chế phòng dịch trong ngày 1/7.

Tính tới 8h sáng 1/7, nước Mỹ ghi nhận 2.727.853 ca mắc COVID-19, trong đó có 130.122 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam. Theo giới chuyên gia, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao trở lại trong cộng đồng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể lên đến 438.000 người vào tháng 10 tới.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết đỉnh dịch COVID-19 sẽ diễn ra tại các thời điểm khác nhau ở mỗi quốc gia và dự báo Chile và Colombia sẽ đạt đỉnh dịch trong vòng 15 ngày tới; trong khi đó, thời điểm này đối với Argentina, Bolivia, Brazil, Peru, Mexico và các quốc gia Trung Mỹ sẽ rơi vào tháng 8/2020.

Để tránh điều tồi tệ trên có thể xảy ra, Giám đốc PAHO Carissa Etienne khuyến cáo chính phủ các quốc gia trong khu vực đưa ra các biện pháp thích hợp, hiệu quả và thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, các chính phủ phải ứng phó với đại dịch dựa trên dữ liệu giám sát dịch tễ học ngày càng chi tiết và cần "linh hoạt" để giảm thiểu tác động của đại dịch, đặc biệt đối với các cộng đồng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế phi chính thức.

Theo PAHO, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Cairbe đã thành công kiểm soát tình hình dịch nhưng cần thận trọng trong vòng vài tháng tới. Hiện Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 100.000 ca tử vong.

Trong ngày 30/6, Peru đã chính thức kết thúc giai đoạn cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc sau khi đã ghi nhận 285.213 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 9.677 trường hợp tử vong và bước vào một giai đoạn nới lỏng từng bước nhằm khôi phục các hoạt động xã hội và tái khởi động nền kinh tế.

Theo thông báo của Tổng thống Martin Vizcarra, kể từ ngày 1/7 sẽ chỉ còn 7 trên tổng số 25 vùng của Peru vẫn phải thực hiện lệnh cách ly do nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao.

Tổng thống Vizcarra yêu cầu người dân vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch, trong đó có việc bắt buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra đường, giữ khoảng cách vật lý và rửa tay thường xuyên. Những lĩnh vực có điều kiện vẫn có thể tiếp tục phương pháp làm việc từ xa và hạn chế di chuyển trên đường nếu không thực sự cần thiết.

Tại Brazil, Tổng thống nước này Jair Bolsonaro cũng thông báo chính phủ nước này sẽ tiếp tục kéo dài chương trình trợ cấp cho những người lao động không chính thức và thất nghiệp thêm 2 tháng nữa do tác động của dịch COVID-19.

Theo chương trình trợ cấp được thực hiện từ tháng 4 khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Brazil, chính phủ quyết định hỗ trợ cho mỗi cá nhân trong diện lao động không chính thức và thất nghiệp một khoản trợ cấp 600 real/tháng (110 USD). Sau khi đánh giá diễn biến dịch bệnh còn có thể kéo dài, chính phủ đã quyết định sẽ tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ trên cho tới hết tháng 8/2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 3 tháng vừa qua đã có khoảng 7,8 triệu người dân Brazil bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên tới 12,9%.

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh. Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay nước này đã ghi nhận 1.408.485 ca mắc bệnh và 59.656 người tử vong.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Theo thông báo, EU quyết định kéo dài lệnh cấm đi lại đối với công dân Mỹ thêm ít nhất 2 tuần nữa, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại nước này. Trước đó, chính phủ các nước EU đã nhất trí với danh sách "14 nước an toàn", được phép nối lại hoạt động đi lại bình thường kể từ tháng 7 và danh sách này không có Mỹ.

Các nước này gồm: Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Maroc, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia, Uruguay và Trung Quốc.

Phát biểu ngày 30/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Anh phải nắm bắt thời khắc ngay sau đại dịch COVID-19 để giải quyết các vấn đề kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời vạch ra kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế, cam kết hỗ trợ 5 tỷ bảng (6,15 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đất nước thoát khỏi các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông cam kết sẽ dành 1,5 tỷ bảng trong năm 2015 để sửa chữa, xây dựng các bệnh viện, cũng như cải thiện năng lực xử lý tình trạng khẩn cấp; 100 triệu bảng cho 29 dự án duy tu và phát triển các tuyến đường. Thủ tướng Johnson cho rằng mối nguy hiểm của COVID-19 vẫn chưa kết thúc và bày tỏ mong muốn mang lại cuộc sống bình thường cho người dân sớm nhất có thể.

Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm.

Tuy nhiên, một số thành phố đã gia hạn lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan sau khi số ca nhiễm mới theo ngày duy trì ở mức gần 20.000 ca. Tính đến hết ngày 30/6, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 585.792 ca nhiễm và 17.410 ca tử vong do COVID-19, tăng tới 506 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo kéo dài một chương trình then chốt của chính phủ trung ương nhằm hỗ trợ người nghèo trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Trong bài phát biểu trước người dân, Thủ tướng Modi nói: “Chương trình phúc lợi người nghèo của Thủ tướng (PMGKAY), trong đó có cấp khẩu phần miễn phí cho người nghèo, sẽ được gia hạn đến cuối tháng 11. Biện pháp này sẽ tiêu tốn hơn 900 tỷ rupee, tương đương 12 tỷ USD”. Ông Modi nhấn mạnh với quyết định này, 800 triệu người sẽ nhận được khẩu phần miễn phí trong 5 tháng nữa.

Ấn Độ đã công bố gói trị giá 1.750 tỷ rupee, tương đương 23 tỷ USD, để trang trải cho chương trình PMGKAY. Trong 3 tháng qua, 310 tỷ rupee đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của 200 triệu hộ nghèo.

Ngoài ra, 180 tỷ rupee được gửi vào tài khoản ngân hàng của hơn 90 triệu nông dân. Chính phủ cũng đã chi 500 tỷ rupee trong khuôn khổ chương trình này để tạo cơ hội việc làm cho người nghèo.

Còn tại Iran, một ngày sau khi ghi nhận số ca tử vong cao nhất tính theo ngày, Bộ Y tế Iran nhận định nước này vẫn chưa thoát khỏi đợt dịch đầu tiên. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy đường cong dịch tễ của dịch COVID-19 tại Iran tiếp tục gia tăng từ đầu tháng 5, thời điểm quốc gia Hồi giáo này ghi nhận số ca nhiễm mới tính theo ngày giảm xuống mức thấp nhất sau gần 2 tháng xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, giới chức Iran một lần nữa bác bỏ thông tin cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng trong làn sóng dịch thứ hai.

Theo số liệu mới nhất, Iran đã ghi nhận 147 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 30/6, đưa tổng số ca tử vong lên 10.817 ca trong tổng số 227.662 ca nhiễm.
Tại khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan quyết định sẽ mở lại các trạm kiểm soát biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia nhằm nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và thương mại xuyên biên giới kể từ ngày 1/7.

Tuy nhiên, khách du lịch từ 4 quốc gia láng giềng này vẫn chưa được phép nhập cảnh Thái Lan qua những trạm kiểm soát biên giới trên. Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số đối tượng nhất định được phép nhập cảnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, kể từ ngày 1-31/7, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả