Dịch COVID-19: Nhiều đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất
Chiều ngày 11/3, tại họp báo về việc gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã thông tin cụ thể các đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Chiều ngày 11/3, tại họp báo về việc gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã thông tin cụ thể các đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Theo ông Phạm Đình Thi, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác (không nằm trong nhóm các lĩnh vực ngành nghề chịu tác động của dịch COVID-19) cũng được gia hạn tiền thuế trong trường hợp đây là một trong số các ngành kinh doanh của doanh nghiệp mà trong đó có lĩnh vực thuộc diện được gia hạn thuế.
Điều này có thể hiểu là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, ví dụ như vận tải, du lịch và xây dựng bất động sản, lắp ráp ô tô thì hai ngành vận tải và du lịch được xác định là chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ được gia hạn tiền nộp thuế.
Nhưng vì doanh nghiệp kê khai thuế trên một tờ khai thuế (có thể hiểu là doanh nghiệp khai thuế trên cơ sở doanh thu hợp nhất) nên trong trường hợp này hai lĩnh vực còn lại là lĩnh vực bất động sản, lắp ráp ô tô kể cả ô tô dưới 9 chỗ cũng được gia hạn tiền nộp thuế.
Về thời gian gia hạn nộp thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết có nhiều căn cứ pháp lý quy định về việc gia hạn 5 tháng nộp thuế cho doanh nghiệp mà không phải là thời gian khác.
Theo ông Phạm Đình Thi, tại Điều 49, Luật Quản lý Thuế quy định thời gian gia hạn nộp thuế trường hợp không có khả năng nộp thuế đúng hạn theo quy định Chính phủ không quá 1 năm. Khoản 1, Điều 50, của Luật Quản lý Thuế quy định Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội quy định.
Do đó, ông Phạm Đình Thi cho rằng chưa thể biết dịch diễn ra trong bao lâu nên vẫn phải xây dựng theo đúng quy định của Luật Quản lý Thuế, trình tự thủ tục phải theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa được Bộ Tài chính công bố thì thời gian gia hạn là 5 tháng, số tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế thu nhập cá nhân tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 với trường hợp kê khai theo tháng hoặc của Quý I và Quý II/2020 với trường hợp nộp theo quý. Tổng số tiền gia hạn theo tính toán của Bộ Tài chính lần này là 30.100 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác (không nằm trong nhóm các lĩnh vực ngành nghề chịu tác động của dịch COVID-19) cũng được gia hạn tiền thuế trong trường hợp đây là một trong số các ngành kinh doanh của doanh nghiệp mà trong đó có lĩnh vực thuộc diện được gia hạn thuế.
Điều này có thể hiểu là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, ví dụ như vận tải, du lịch và xây dựng bất động sản, lắp ráp ô tô thì hai ngành vận tải và du lịch được xác định là chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ được gia hạn tiền nộp thuế.
Nhưng vì doanh nghiệp kê khai thuế trên một tờ khai thuế (có thể hiểu là doanh nghiệp khai thuế trên cơ sở doanh thu hợp nhất) nên trong trường hợp này hai lĩnh vực còn lại là lĩnh vực bất động sản, lắp ráp ô tô kể cả ô tô dưới 9 chỗ cũng được gia hạn tiền nộp thuế.
Trước đó, theo quy định trong dự thảo ba đối tượng được gia hạn thuế gồm: doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải); dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Bộ Tài chính, một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 do thực hiện các biện pháp kiểm dịch, hạn chế di chuyển con người, hàng hóa và phương tiện, đặc biệt là những sản phẩm có kim ngạch thương mại lớn giữa Việt Nam với Trung Quốc hoặc những sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi chưa tìm được đơn hàng thay thế gồm: dịch vụ du lịch; nông, lâm, thủy hải sản; vận tải; sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành dệt may, da giầy; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống.
Dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc nên Bộ Tài chính dự kiến không chỉ có những ngành, lĩnh vực nêu trên bị ảnh hưởng mà hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cũng chịu tác động bởi dịch.
Do đó, Bộ Tài chính cho biết, để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận