24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hồng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dịch Covid-19 lan rộng 58 tỉnh, thành phố: Điểm danh 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất

Tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2021 đến nay tới 16 ngành kinh tế (chiếm khoảng 76,5% GDP năm của Việt Nam). Trong đó, có 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất là du lịch, vận tải – kho bãi, lưu trú - ăn uống, y tế và giáo dục – đào tạo.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa thực hiện báo cáo Đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và một số khuyến nghị.

Đánh giá tác động đợt bùng phát lần thứ 4 tới hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhóm tác giả cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã sớm phản ánh tác động tiêu cực của đợt dịch này. Trong đó, ít nhất có 8 lĩnh vực chịu tác động rõ nét.

Dịch Covid-19 lan rộng 58 tỉnh, thành phố: Điểm danh 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất

5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bao gồm: Du lịch, vận tải – kho bãi, lưu trú - ăn uống, y tế và giáo dục – đào tạo. (Ảnh: Trích báo cáo Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)

Dịch Covid-19 lần thứ 4: 5 lĩnh vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực nhất và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đợt dịch này cũng ảnh hưởng tới quá trình canh tác, thu hoạch và đặc biệt là tiêu thụ nông sản trên một số địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh ĐBSCL.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, công thương, hải quan, quân đội, công an tích cực hỗ trợ nông dân để có thể duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh.

Do đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá tác động của đợt dịch này đối với lĩnh vực nông nghiệp là không quá lớn, nhưng rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn mức tăng 4,24% của cùng kỳ năm 2011 trong 10 năm qua.

Đối với xuất công nghiệp (SXCN), tuy vẫn giữ được đà tăng nhưng đã chậm lại do ảnh hưởng của dịch tại các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn là Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và gần đây là Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp…v.v.

Chỉ số SXCN (IIP) tháng 6/2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 24,1% của tháng 4 và 11,6% của tháng 5. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm mạnh từ 53,1 điểm của tháng 5 xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6.

Theo đó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng với nhiều ngành sản xuất đang hiện hữu.

Mặc dù một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đã dần được kiểm soát nhưng các tâm dịch khác như TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang…đều là các trung tâm sản xuất công nghiệp, trong đó TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế (nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics…), có tính lan tỏa lớn tới các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Mặc dù Chính phủ và các địa phương đang tập trung nhiều biện pháp để duy trì sản xuất như tập trung xét nghiệm, tiêm vaccine cho công nhân, phân ca để tái sản xuất, kinh doanh... nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội thường có tính tương tác; và tác động của dịch bệnh sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục lại mức cũ; nguy cơ đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang ở mức cao.

Điều này cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 29% trong khi nhập khẩu tăng 36,3%, khiến nhập siêu quay trở lại (khoảng gần 1 tỷ USD, theo TCHQ).

Dịch Covid-19 lan rộng 58 tỉnh, thành phố: Điểm danh 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất

Tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, khi tăng trưởng của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3,96%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân 6,42% giai đoạn 2011-2019.

Trong đó, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng âm 0,8% cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 10% của những năm trước dịch); riêng tháng 6/2021, tổng mức bán lẻ giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ do nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, lữ hành …phải đóng cửa.

Cùng với đó, những lĩnh vực dịch vụ khác như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải - kho bãi, y tế, giáo dục - đào tạo…tiếp tục chịu tác động trực tiếp, tiêu cực nhất khi hầu hết các hoạt động du lịch dừng lại; vận tải – kho bãi chậm tiến độ, chi phí tăng; y tế căng mình chống dịch trong khi dịch vụ y tế khác bị hạn chế (dù giá trị gia tăng có tăng) và hoạt động giáo dục – đào tạo phải thay đổi phương thức đào tạo, thi cử, nhiều chương trình giãn, hoãn (dù giá trị gia tăng có tăng nhưng lượng doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều)….v.v.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6%; doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước giảm 51,8%; giá trị gia tăng của lĩnh vực lưu trú – ăn uống giảm 5% so với cùng kỳ năm trước…v.v.

Nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng

Cũng theo nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Nửa đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần) đạt 15,3 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Điểm đáng mừng là vốn FDI giải ngân tăng 6,8% và 1,5% lần lượt so với cùng kỳ năm 2020 và 2019), thể hiện nhà đầu tư cũ vẫn quyết định mở rộng đầu tư đối với các dự án đang triển khai tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vốn đăng ký giảm thể hiện một phần là do đợt dịch mới và sau này (nếu có) có thể làm chậm tiến độ triển khai dự án của các doanh nghiệp; thậm chí ảnh hưởng tới cả quyết định của các doanh nghiệp FDI khác đang xem xét dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư công, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Điều này khiến cho đầu tư công trong tháng 6 và tháng 7 có biểu hiện giảm tốc so với các tháng trước khi nhiều địa phương phải tập trung nguồn lực và ưu tiên phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, giá nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian qua cũng khiến một số dự án phải điều chỉnh dự toán đầu tư (khá tốn thời gian) và một số doanh nghiệp trì hoãn thi công…v.v.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng 16,3% và 14,2% của 4 tháng và 5 tháng đầu năm cũng như mức tăng 20,5% của cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khó khăn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lần lượt tăng 8,1% và 3,9% so với cùng kỳ năm 2020 (chủ yếu do mức tăng trong 4 tháng đầu năm trước khi dịch bệnh tái bùng phát).

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất giải thể lần lượt tăng 22,1% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tăng mạnh thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ việc làm, lưu trú – ăn uống, kinh doanh BĐS, y tế và giáo dục – đào tạo.

Dịch Covid-19 lan rộng 58 tỉnh, thành phố: Điểm danh 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất

Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. (Ảnh: LT)

Ngoài ra, đợt dịch này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người dân.

Đặc biệt, lao động tại các khu công nghiệp và nhiều lực lượng lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch (đối tượng dễ bị tổn thương) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp về giảm thu nhập, mất việc làm, thay đổi công việc, tâm lý nặng nề hơn…v.v.

Theo tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 66,4% bị giảm thu nhập. Do đó, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cũng như các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những khó khăn của cả doanh nghiệp và người dân nêu trên sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục khả quan, nhưng nợ xấu đang gia tăng (dự báo tăng khoảng 8-10% so với cuối năm 2020); kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác bởi các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm (2021-2023) cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 03 của NHNN (hiệu lực từ 17/5/2021).

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân (là khách hàng của TCTD), dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% cuối năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả