Dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tín dụng thấp
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động ngân hàng quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Tín dụng nền kinh tế tăng 0,68% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 1,9%. Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng 2/2020 nhưng tăng 0,34% so với tháng 12/2019, tăng 4,87% cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể: Tính đến thời điểm 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm ngoái tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (trong khi cùng kì năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay: Quý I/2020, hoạt động ngân hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch C0VID-19 nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã giảm loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4% xuống 3,5% một năm.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý đầu năm đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Trong bối cảnh dịch bệnh đáng lo ngại, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp các sản phẩm mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng 2/2020 và tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% cùng kỳ. Như vậy, bình quân CPI trong quý 1/2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ.
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến giá dầu giành thị phần thế giới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với Nga làm cho giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, nguồn cung gia cầm dồi dào là các nguyên nhân chính khiến CPI tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng 2 và tăng 0,34% so với tháng 12/2019. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 năm nay đã tăng 4,87%.
“Bình quân CPI quý I/2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng bình quân quý I/2020 cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 3/2020 cũng giảm 0,06% so với tháng trước”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.
Nguyên nhân chính khiến CPI quý I/2020 tăng là do nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán khiến giá các mặt hàng lương thực tăng 1,51% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần làm cho CPI chung tăng 0,07%. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng 13,21% so với cùng kỳ, góp vào CPI tăng 2,99% (trong đó giá thịt lợn đã cộng thêm 58,81% và làm cho CPI chung tăng 2,47%).
Ngoài ra, ảnh hưởng của mưa lớn, mưa đá tại các địa phương miền Bắc và hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến nguồn cung rau xanh sụt giảm. Thêm vào đó, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho nguồn rau, quả của Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam nên giá rau tăng 4,14% trong cả quý.
Bên cạnh các nguyên nhân khiến tăng CPI thì cũng có một số tác động kiềm chế CPI quý đầu tiên. Cụ thể: Giá xăng dầu trong nước giảm trong 5 đợt, bình quân quý 1 giá xăng dầu giảm 5,75% so với tháng 12/2019. Cộng thêm tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, nhu cầu đi lại của người dân trong bối cảnh dịch bệnh giảm đã làm cho giá vé máy bay riêng tháng 3/2020 giảm 41,14% so với tháng 2/2020.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận