Dịch Covid-19 kéo dài: Nhiều người trẻ 'vỡ' kế hoạch trả nợ mua nhà
Người trẻ mua nhà vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều trước bối cảnh giá nhà đất tăng cao, tài chính eo hẹp. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện, áp lực trả nợ, mua nhà của người trẻ còn gia tăng hơn nữa.
Vay tiền mua nhà khổ vì trả
Năm 2018, sau hơn 7 năm ở nhà thuê tại Hà Nội, chị Trần Nguyên Hạnh (32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cuối cùng đã thực hiện được ước mơ là có một căn nhà ở thành phố. Đó là thành quả của hơn chục năm lao động tích lũy cùng với một khoản vay ngân hàng.
Chị Hạnh nhẩm tính, với công việc văn phòng của mình và làm du lịch của chồng, nếu chịu khó tích lũy thì gia đình chị sẽ sớm trả hết nợ và lãi ngân hàng. Kể từ khi có căn nhà, gia đình chị đã thoát khỏi cảnh thuê trọ nay đây mai đó. Hai đứa con có chỗ tươm tất chăm lo học hành, vui chơi.
Tuy nhiên, mọi dự liệu của chị Hạnh chỉ đúng trong điều kiện bình thường. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã phá vỡ kế hoạch trả nợ của gia đình. Ngành du lịch của chồng chị bị ảnh hưởng nặng nhất khiến thu nhập của gia đình sụt giảm. Nghỉ việc chính không lương hơn năm đã buộc chồng chị phải kiếm thêm các việc lặt vặt để phụ thêm vào lương văn phòng của chị để chi tiêu và trả lãi ngân hàng.
Căn chung cư 2,3 tỷ, mỗi tháng trả ngân hàng 7 triệu đồng với gia đình chị giờ đây thực sự khó khăn. Có những tháng chị Hạnh phải gắng chạy vay mượn người thân, bạn bè để trả nợ ngân hàng.
"Áp lực, mất ngủ do suy nghĩ hàng đêm khiến vợ chồng tôi kiệt sức. Hiện tại, gia đình vẫn đang cố gắng "giật gấu vá vai" mong đợi dịch qua. Nếu tình hình này kéo dài tới cuối năm, có lẽ gia đình sẽ phải tính toán bán căn nhà của mình để giảm áp lực nợ nần", chị Hạnh chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Đinh Tất Tuấn (35 tuổi, Thanh Xuân) chia sẻ, gia đình anh đã mất một thời gian khá dài mới có thể tìm mua và lựa chọn được một căn hộ 1,7 tỷ đồng, đến năm 2023 dự án sẽ bàn giao. Mỗi tháng gia đình anh đóng khoảng 24 triệu đồng cho đơn vị bán nhà. Nếu bình thường, lương của anh là 15 triệu đồng, vợ kinh doanh buôn bán. Mỗi tháng trừ chi tiêu cho gia đình thì hai vợ chồng vừa đủ trả tiền nhà.
"Dịch bệnh phức tạp cửa hàng của vợ tôi phải nghỉ, nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng 9 triệu đồng. Cộng thêm tiền chi phí cho một bé 3 tuổi và một bé 6 tháng tuổi. Tiền lương thì chỉ đủ trả tiền mặt bằng và tiền nuôi con, trong khi không có tài sản thế chấp gì để vay ngân hàng.
Gia đình nội ngoại đều khó khăn. Chúng tôi không biết làm gì để qua mùa dịch khi tin nhắn đóng tiền nhà hàng tháng của công ty tới đều".
Nhưng dịch bệnh cũng đem đến cơ hội cho nhiều người trẻ, chị Cao Ngọc Hải (32 tuổi, Hà Nội) cũng đã lựa chọn được một căn hộ ưng ý ngay trong mùa dịch Covid-19. Chị Hải chia sẻ: "Vào tháng 4 năm 2020, khi tìm hiểu được các thông tin bán cắt lỗ, bán rẻ tôi đã tìm mua được căn hộ 2 phòng ngủ với giá khoảng 1,2 tỷ đồng tại dự án Gemek (Hoài Đức). Trong khi đó, chỉ vài tháng trước căn hộ tại đây rơi vào 1,3 - 1,6 tỷ đồng. Thu nhập của gia đình không bị ảnh hưởng, cùng với tích lũy từ lâu thì việc mua lại căn hộ từ chính chủ với giá mềm là một may mắn của gia đình trong đại dịch".
Có nên cố chấp mua nhà mùa dịch
Thực tế cho thấy, giá nhà đất tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng cao, nguồn cung căn hộ giá rẻ chỉ nhỏ giọt, trong khi đó nguồn tài chính tích lũy của người trẻ không nhiều. Đó là lý do chính khiến việc mua nhà của người trẻ khó khăn, và buộc họ phải chấp nhận ở thuê dài hạn.
Mặt khác, có những cặp vợ chồng trẻ có trong tay 600 - 700 triệu đồng nhưng vẫn chưa quyết định được nhà. Bởi nếu mua nhà gần chỗ làm thì giá cao, gia tăng gánh nặng tài chính. Còn nếu giá mềm hơn chút thì khoảng cách di chuyển đi làm, đưa đón con cái lại là câu chuyện khó khăn.
Cùng với việc giá nhà tăng, dịch Covid-19 kéo dài đang gia tăng áp lực mua nhà cho người trẻ. (ảnh M.K)
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường, ngoài việc mua căn hộ cũ, với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng, các gia đình trẻ hoặc các bạn trẻ sống độc lập có nhu cầu cũng có thể tìm mua các căn hộ dạng Studio hoặc 2 phòng ngủ tại các chung cư trung và cao cấp, được hỗ trợ vay ngân hàng 80%.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, trong bối cảnh hiện nay, người trẻ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua nhà. Đương nhiên, ai cũng có tâm lý muốn sở hữu nhà để có cuộc sống thoải mái hơn so với đi thuê và điều kiện, chất lượng sống cũng tốt hơn. Thực tế, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì mua nhà thời điểm này có thể rủi ro như việc thu nhập của gia đình bị sụt giảm bởi dịch bệnh, hay vì nóng vội muốn mua rẻ nhanh mà bỏ qua các vấn đề pháp lý của dự án căn hộ.
Ông Điệp cho lời khuyên: "Nếu không có tích lũy tối thiểu được 50 - 70% giá trị căn hộ hoặc thu nhập gia đình không được 30 triệu/tháng thì không nên cố chấp mua nhà. Bởi dù có sở hữu được ngôi nhà nhưng gánh nặng tài chính, rủi ro khi trả lãi ngân hàng sẽ đè nặng lên khiến người mua nhà không thể có được cuộc sống và tinh thần thoải mái. Còn với người đã sẵn sàng tài chính thì việc mua nhà thời điểm này có thể hưởng thêm các chính sách khuyến mại và giá bán".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận